Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận.
Góp ý vào dự án Luật Nhà giáo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách về xây dựng và phát triển nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.
Theo đại biểu, việc đánh giá và xếp loại giáo viên là một quá trình quan trọng giúp xác định năng lực giảng dạy, hỗ trợ phát triển chuyên môn và tạo điều kiện để khen thưởng hoặc kỷ luật một cách công bằng. Trong dự thảo Luật lần này quy định về việc đánh giá đối với nhà giáo 1 lần vào cuối năm học và nội dung đánh giá theo chuẩn nhà giáo do Chính phủ quy định chi tiết.
Đại biểu cho rằng, giáo viên là viên chức sẽ thực hiện trình tự, thủ tục đánh giá theo Luật Viên chức. Tuy nhiên, giáo viên có đặc thù nghề nghiệp riêng với những yêu cầu đặc thù về kỹ năng sư phạm, phẩm chất đạo đức và năng lực giảng dạy. Do đó, việc chỉ áp dụng quy định chung của Luật Viên chức có thể không phản ánh hết những tiêu chí đặc thù này. Cần có quy định về việc sau khi đánh giá, giáo viên sẽ nhận được phản hồi cụ thể để để cải thiện, nâng cao năng lực, chứ không chỉ đơn giản là nhận mức đánh giá mà không có hướng dẫn rõ ràng để phát triển.
Hai là, nội dung đánh giá giáo viên theo chuẩn nhà giáo do Chính phủ quy định hiện nay cũng còn thiếu tính chi tiết, cụ thể; phụ thuộc vào thành tích học sinh mà không xem xét các yếu tố khác (xuất phát điểm, hoàn cảnh gia đình) có thể gây áp lực không cần thiết và không công bằng. Do đó, đại biểu đề nghị, trong dự thảo luật cần nghiên cứu và xem xét vấn đề này.
Về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu đánh giá cao nội dung này theo quy định tại Điều 16 của dự thảo Luật. Trong đó, quy định về tuyển dụng nhà giáo trong dự thảo Luật đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập). Cụ thể: nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó, phải có thực hành sư phạm; thẩm quyền tuyển dụng; đối tượng được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo.
Đồng thời có chính sách thu hút nhà giáo trong tuyển dụng: áp dụng đối với người tình nguyện hoặc nhà giáo đến giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chuyên gia và người có trình độ cao. Thực hiện thông qua tiếp nhận để trở thành nhà giáo; khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách thu hút khác trong tuyển dụng. Bởi hiện nay, ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, để thu hút được giáo viên giỏi, chuyên môn cao, là những sinh viên xuất sắc ở các trường rất khó. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách để thu hút những người có năng lực, trình độ đến với địa phương khó khăn, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Dụ thảo cũng quy định rõ những người không được đăng ký tuyển dụng, Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về nội dung tuyển dụng nhà giáo, điểm b, khoản 1, Điều 16 quy định: phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
Đại biểu đặt câu hỏi, quy định như trên có làm hạn chế cơ hội tuyển dụng và gây thêm khó khăn cho việc tuyển dụng nhà giáo hay không, nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông đang thiếu nguồn tuyển. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hoặc cụ thể hơn trong dự thảo về nội dung "thực hành sư phạm” để làm căn cứ hướng dẫn tại các văn bản dưới luật sau này.
Về vấn đề chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 21 dự thảo Luật: "Trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng”. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ hoặc gia tăng các nội dung quy định này. Bởi thời gian bảo lưu chế độ, chính sách 12 tháng là chưa phù hợp, thiếu tính động viên đối với nhà giáo, nhất là những nhà giáo giỏi, có thâm niên công tác. Vì vậy,việc bảo lưu chế độ nếu thấp nhất cũng nên quy định thời gian là 36 tháng.
Về tuổi nghỉ hưu của giáo viên, qua khảo sát tại địa phương, đại biểu hoàn toàn nhất trí với quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non có thể thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm nghỉ hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi, vì hoạt động của giáo viên mầm non có tính đặc thù cao. Song qua giám sát cho thấy, rất nhiều thầy cô có ý kiến hiện nay nên mở rộng đối tượng này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét mở rộng đối tượng được hưởng chính sách này phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh