Không phải những con số biết nói. Không phải chỉ số PAR Index tăng 30 bậc sau 3 năm… Điều khiến người dân Hòa Bình nhớ và tin hơn cả là ánh mắt thân thiện của cán bộ "một cửa”, là lời xin lỗi nơi phòng tiếp dân, là tiếng gõ bàn phím thay cho tiếng thở dài vì thủ tục rườm rà. Cải cách hành chính (CCHC) ở Hòa Bình khởi nguồn bằng văn bản nhưng đánh dấu sự bắt đầu từ thay đổi rất nhỏ - cách hành xử của chính quyền. Cũng từ đó, một nền hành chính phục vụ được dựng nên từng ngày.


Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cán bộ, công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) chuyển biến rõ nét trong lề lối, tác phong làm việc - từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ.  

2.999.901.273 đồng không phải ngân sách đầu tư cho một công trình hạ tầng, cũng không phải chi phí xây mới trụ sở công quyền. Đó là số tiền mà tỉnh Hòa Bình có thể tiết kiệm được nhờ cắt giảm, đơn giản hóa 56 thủ tục hành chính (TTHC) - một con số biết nói, đánh dấu một trong những chuyển động lặng lẽ mà quyết liệt nhất của bộ máy hành chính địa phương trong năm qua.

CCHC từng là khái niệm xa vời với người dân vùng cao. Nhưng rồi từng cuộc họp thôn, bản được mở, từng buổi tiếp dân rút ngắn, từng nút bấm trên Cổng dịch vụ công được thao tác thành thạo… Một hành trình mới bắt đầu, không ồn ào mà kiên trì như dòng sông lặng lẽ lách qua khe núi, từng ngày xói mòn thói quen quan liêu, rườm rà. Không chỉ là chuyện số hóa hay tiết kiệm, CCHC ở Hòa Bình còn là chuyện của ý chí chính trị, của quyết tâm "gạt bỏ những gì đã cũ” để chọn con đường hiện đại - minh bạch - vì dân.

Từ chủ trương đến hành động

Tháng 12/2023, một Kế hoạch mang số 244 được ký bởi Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Với nhiều người, đó là kế hoạch hành chính thuần túy. Nhưng với người làm nghề, văn bản ấy chính là "bản thiết kế” cho một cuộc cải cách quy mô toàn tỉnh - nơi mỗi con dấu, mỗi thao tác nghiệp vụ đều nằm trong lộ trình được tính toán bài bản. Và điều đáng nói là đến cuối năm 2024, 100% nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch ấy đã được hoàn thành.

"Không có CCHC nếu chỉ hô khẩu hiệu”, đồng chí Đặng Mai Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ. Trong năm 2024, tỉnh đã ban hành hàng chục văn bản quan trọng, từ kiểm soát TTHC, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, cải thiện các chỉ số như PAPI, PAR Index đến triển khai Đề án 06/CP một cách đồng bộ. Quan trọng nhất là vai trò người đứng đầu được nhấn mạnh: Mỗi Chủ tịch huyện, Giám đốc sở phải chịu trách nhiệm cá nhân về tiến độ và chất lượng giải quyết TTHC. Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh thêm: "Tỉnh xác định rõ: không có bước đi cụ thể, không có cải cách. Hoà Bình không làm cải cách bằng văn bản, mà bằng hành động”.

Một quyết định táo bạo được đánh giá cao là giao chỉ tiêu giải quyết hồ sơ trực tuyến toàn trình cho từng sở, ngành, huyện, xã. Từ "quyền được trực tuyến” trở thành "trách nhiệm phải trực tuyến”, bộ máy công quyền buộc phải thay đổi - từ tư duy đến hành động. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của cả hệ thống hành chính tỉnh đạt 99,57%, có nơi lên tới 99,78%, biến Hòa Bình từ một tỉnh miền núi trở thành điển hình về tốc độ chuyển đổi số trong hành chính công.

Nhưng con số chưa bao giờ là đủ để phản ánh tinh thần một cuộc cải cách. Điều đáng nói là từng chỉ đạo, từng bản kế hoạch không chỉ nằm trên giấy. Từ Chủ tịch UBND tỉnh đến từng cán bộ trực tại bộ phận "một cửa” ở xã, tất cả đều có mặt trong các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân. Những khó khăn về hồ sơ đất đai, thủ tục đầu tư hay giấy tờ xã hội hóa giáo dục, như mở trường tư, nhận tài trợ... được lắng nghe và tháo gỡ ngay tại hiện trường, không có khoảng cách quyền lực, không có ngôn ngữ hành chính lạnh lùng.

Những cải cách từ cơ sở

Nếu ở cấp tỉnh, CCHC được thiết kế như một chiến lược tổng thể thì ở cấp xã, cấp huyện - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân thể hiện rõ rệt bằng thái độ tiếp công dân, cách trả lời một cuộc gọi, hay độ "trễ” của một bộ hồ sơ online.

Ở thị trấn Bo (Kim Bôi), mô hình "một cửa thân thiện” được ví như một làn gió mới: các bảng hướng dẫn được công khai, màn hình cảm ứng đặt ở sảnh để tra cứu tình trạng hồ sơ, nhân viên bộ phận tiếp dân được tập huấn định kỳ kỹ năng giao tiếp. Bà Hoàng Thị Thêu, tiểu thương ở chợ Bo từng ngần ngại với chuyện đăng ký hộ kinh doanh, chia sẻ: Ngày trước ra UBND là cứ lo thiếu giấy nọ, giấy kia. Giờ các anh chị ở bộ phận một cửa chỉ dẫn từng bước, hồ sơ thì làm trên điện thoại. Mình chỉ việc ra nhận kết quả. Nhẹ như không!”.

Tại Yên Thuỷ, chính quyền xã Yên Trị đã tự xây dựng một bộ cẩm nang TTHC dạng infographic phát đến từng hộ dân. Mỗi thủ tục, từ đăng ký khai sinh đến cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đều được đơn giản hóa bằng hình ảnh, mã QR, số hotline trực tiếp. "Không chỉ dễ hiểu mà còn dễ làm”, ông Bùi Văn Nhân, một công dân cao tuổi ở xóm Lòng cảm nhận.

Cũng trong năm 2024, Hội thi tìm kiếm sáng kiến CCHC được tổ chức rộng khắp toàn tỉnh, thu hút hơn 96.000 lượt cán bộ, công chức tham gia. Nhiều sáng kiến từ cơ sở được đánh giá đột phá, như mô hình "Tiếp nhận hồ sơ không giấy tờ” ở huyện Lạc Thủy, "Đánh giá hài lòng người dân qua app Zalo” tại thành phố Hòa Bình… Có 6 sáng kiến được trao giải thưởng cấp tỉnh, trong đó, 3 sáng kiến được áp dụng ngay vào thực tiễn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

"Chính nhờ những cải cách từ cơ sở ấy mà tinh thần "hành chính phục vụ" không còn là khẩu hiệu. Nó đã trở thành thói quen mới, một nếp hành xử công quyền văn minh, nơi mỗi cán bộ không còn là "người gác cổng” mà trở thành người hỗ trợ, đồng hành cùng dân” - đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.

CCHC, ở một góc nhìn nào đó là câu chuyện của sự kiên nhẫn. Không ồn ào như một cuộc bứt phá kinh tế, không trưng trổ như một công trình hạ tầng nghìn tỷ. Nhưng chính những thay đổi âm thầm từ một thủ tục bớt rườm rà, một quy trình được rút gọn, một hồ sơ không còn phải kẹp phong bì, lại là thứ chạm đến lòng dân sâu nhất. Hòa Bình đã chọn cách đi thẳng vào những khâu phức tạp nhất, bền bỉ gỡ từng nút thắt trong bộ máy hành chính vốn nhiều tầng lớp và thói quen cũ kỹ. Không cần khẩu hiệu mỹ miều, không cần bảng thành tích tô vẽ mà bằng những con số cụ thể, những sáng kiến đi từ thôn, bản đến trụ sở tỉnh lỵ và cả sự lắng nghe thiết thực từ chính quyền.

Hơn 30 bậc tăng PAR Index không chỉ là thành tích. Đó là dấu chấm trên bản đồ thay đổi. Và mỗi chấm nhỏ trên hành trình ấy đều mang theo một điều rất lớn: Niềm tin.

(Còn nữa)



Hải Yến - Bùi Minh - Linh Nhật

Các tin khác


Khẩn trương ban hành khung giá phát điện, gỡ điểm nghẽn đầu tư năng lượng 

Chiều 11/4, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng tổ chức Phiên họp thứ tư theo hình thức trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Kiện toàn BCĐ Nhà nước các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 752/QĐ-TTg kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo).

Ngày 12/4/1975: Quân ta mở thông hành lang nối liền miền Đông Nam Bộ với Đồng Tháp Mười

Ngày 12/4/1975, lực lượng vũ trang khu 8, khu 9 đã mở thông hành lang nối liền từ miền Đông Nam Bộ đến Đồng Tháp Mười, làm chủ các đoạn đường chiến lược quan trọng ở vùng giáp ranh để tạo điều kiện đưa thêm lực lượng, binh khí kỹ thuật vào áp sát Sài Gòn.

Hội Cựu chiến binh tỉnh giao ban công tác quý I/2025

Ngày 11/4, tại huyện Lạc Thuỷ, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác Hội quý II/2025.

Triển khai công tác tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống và tổ chức Đại hội Đảng bộ Quân khu

Chiều 10/4, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí Trung ương, Quân đội và địa phương triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ X và kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu (31/10/1945 - 31/10/2025).

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thăm, tặng quà các gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm tại huyện Tân Lạc

Ngày 9/4, đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã thăm, tặng quà động viên các gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Tân Lạc. Cùng tham gia có lãnh đạo huyện Tân Lạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục