Công tác đối ngoại 2009 được triển khai tích cực, chủ động và toàn diện theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; song có trọng tâm, trọng điểm…

 

Năm 2009 được đánh giá là một trong những năm khó khăn nhất kể từ khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục được triển khai tích cực, chủ động và toàn diện theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, song có trọng tâm, trọng điểm nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài nhằm góp phần khắc phục tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. 

Khẳng định vị thế trên trường quốc tế

“Việt Nam đã có những đóng góp tuyệt vời không chỉ ở vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ mà còn trên cương vị Chủ tịch của Hội đồng này”. Trong câu chuyện cuối năm với phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ, ông Yukio Takasu, Trưởng phái đoàn đại diện của Nhật Bản tại LHQ đã nói như vậy.

Không chỉ có ông Takasu, những lời ngợi khen, đánh giá cao vai trò của Việt Nam còn được nhiều nhà lãnh đạo các nước, nhà ngoại giao, dư luận quốc tế nói tới trong suốt thời gian qua. Hai năm đảm nhận vị trí uỷ viên tại cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ, bạn bè quốc tế ghi nhận Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách của mình, đề ra nhiều sáng kiến, đóng góp vào việc giữ gìn hoà bình và an ninh trên thế giới, mà sáng kiến thảo luận mở về “Phụ nữ, hoà bình và an ninh” là một ví dụ. Đây có thể coi là một trong những thành tích nổi bật của đối ngoại Việt Nam 2009. Có được điều này, trước hết là do Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có khác biệt giữa các thành viên. Nói một cách khác, đấy là việc chúng ta đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “ứng bất biến, dĩ vạn biến” khi lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên tầm tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới.

Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 15 tổ chức tại Copenhagen- Đan Mạch vào những ngày cuối năm cũng càng cho thấy Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.  

Mở rộng quan hệ

Khẳng định và thành công tại LHQ trong nhiệm kỳ 2008- 2009 là một tiền đề quan trọng để nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam. Bạn bè đến với Việt Nam ngày càng nhiều hơn và Việt Nam cũng tăng cường, mở rộng quan hệ với thế giới. Các hoạt động đối ngoại song phương được triển khai tích cực đã làm sâu sắc thêm các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển, các nước bạn truyền thống, các đối tác tiềm năng. 

Trong lịch trình đối ngoại dày đặc và bận rộn của cả năm, có thể điểm lại một số sự kiện chính. Chúng ta đã đón nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ tới thăm Việt Nam, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Thủ tướng Phần Lan, Thủ tướng Pháp, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Sri Lanka... Các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới các nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Liên bang Nga, New Zealand, Australia, Cuba, Chile... đều nâng tầm và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương.

Vào cuối tháng 12, tại toà thành Vatican, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp với Giáo hoàng Benedict 16- một hoạt động ngoại giao đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Vatican...

Đặc biệt trong năm 2009, hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất quá trình phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền sau 35 năm đàm phán, tạo cơ sở để xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giữa hai nước hoàn tất công việc vô cùng quan trọng này. 

Ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa…

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, công tác ngoại giao kinh tế cũng đã hỗ trợ tích cực để góp phần cùng đất nước giải quyết các khó khăn, trong đó tập trung ưu tiên tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh xúc tiến kinh tế đối ngoại... Điều đó thể hiện ở con số hơn 8 tỷ USD vốn ODA mà các nhà tài trợ tuyên bố dành cho Việt Nam; ở việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là điểm đến để làm ăn. Chỉ có thể có được điều này khi các nước, các doanh nghiệp có niềm tin với Việt Nam- một đất nước phát triển mạnh mẽ, ổn định và giàu tiềm năng.

Năm ngoại giao văn hóa 2009 được triển khai tích cực với nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Lễ hội Việt Nam tại Singapore và Mat-xcơ-va; Tuần lễ Việt Nam tại một số thành phố lớn của Nhật Bản; Tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long; Vận động UNESCO công nhận các di sản của Việt Nam và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng: Cù Lao Chàm và mũi Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; Quan họ Bắc Ninh và Ca Trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể... Ngoại giao văn hoá giúp cho thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người và bản sắc Việt Nam, bổ trợ hữu hiệu cho các trụ cột khác của ngoại giao Việt Nam là ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại phát huy tốt nhất sức mạnh dân tộc và kết hợp hiệu quả với sức mạnh thời đại...

Cũng không thể không nhắc đến các hoạt động đối ngoại Đảng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội, hoạt động ngoại giao nhân dân, hoạt động đối ngoại quốc phòng- an ninh, hoạt động đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương... tiếp tục được triển khai một cách chủ động, tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng.  

Vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới nhưng cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia lại càng quyết liệt. Các nước, kể cả các nước lớn vừa thay đổi chính sách phát triển bên trong, vừa điều chỉnh chiến lược bên ngoài nhằm xác lập vị trí quốc tế có lợi. Cũng chính vì vậy mà quan hệ song phương, đa phương cũng có những nội dung mới. Trong bối cảnh ấy, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước cùng bề dày kinh nghiệm, ngoại giao Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong năm 2009, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ, tạo những nhân tố quan trọng làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Những kết quả mà chúng ta đạt được trong năm 2009 sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá về thực tiễn để bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

Bước vào năm 2010, đối ngoại Việt Nam nói chung, ngành ngoại giao Việt Nam nói riêng nỗ lực để thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, đồng thời tiếp tục bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước và tăng cường tình hữu nghị với các dân tộc, các nước trên thế giới./.

Theo VOV

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục