Ngày 17-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Thủ đô Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố năm 2009 và quý I năm 2010, việc thực hiện các dự án đầu tư lớn của thành phố, các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và công tác chuẩn bị cho Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành của trung ương và thành phố Hà Nội...

Theo báo cáo của UBND thành phố, năm 2009, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả khá toàn diện. Nền kinh tế của Thủ đô nhanh chóng được phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá (6,7%). An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định và tiếp tục được cải thiện. Các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và công tác chuẩn bị cho Ðại lễ kỷ niệm được tích cực tổ chức thực hiện. Nhiều công trình lớn hoàn thành đưa vào sử dụng. Quản lý các mặt, nhất là quy hoạch, xây dựng, giao thông đô thị, đất đai ngày càng chặt chẽ. Công tác tiếp dân, thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được chú trọng... Tuy nhiên, một số công trình dự án còn chậm tiến độ. Nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn còn rất nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, khiếu kiện phức tạp. Thủ đô mới được mở rộng, nhu cầu đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách của thành phố cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp...

Lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị với Chính phủ từ nay đến khi Luật Thủ đô được ban hành, cho phép thành phố được áp dụng một số cơ chế đặc thù; ủy quyền cho thành phố quyết định đầu tư một số dự án đặc biệt nhằm khai thác và huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, giải quyết các nhu cầu bức xúc dân sinh trên địa bàn. Thành phố cũng xin Thủ tướng cho phép được vay vốn của các tổ chức tài chính nước ngoài, hợp tác đầu tư để thực hiện các dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật, giao thông thủy lợi, xử lý môi trường. Ðặc biệt, đối với công tác chống ùn tắc giao thông, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng đưa các dự án hạ tầng, giao thông lớn của thành phố, như các tuyến đường sắt, đường bộ trên cao, đường sắt ngầm... vào chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực, vốn, khoa học công nghệ, quản lý và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Cụ thể như các tuyến đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Ðông; Nhổn - ga Hà Nội; tuyến Nam Thăng Long - Thượng Ðình; Yên Viên - Ngọc Hồi; các đường vành đai 3,5; vành đai 4; vành đai 5. Nhằm hạn chế tình trạng dân cư đổ dồn về trung tâm đô thị, làm tăng áp lực đối với hệ thống giao thông đô thị, lãnh đạo TP Hà Nội đề xuất phối hợp Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp đặc thù về quản lý dân cư; đồng thời tiến tới loại bỏ một số loại phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn. Tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân trên địa bàn. Thực hiện cơ chế đặc thù trong việc xử phạt với mức xử phạt cao hơn quy định hiện hành đối với một số hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tổ chức Khai mạc 10 ngày Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào sáng 1-10 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và Ðêm hội văn hóa nghệ thuật chào mừng Ðại lễ vào tối 10-10 tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình.

Ðồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu rõ: Năm nay, với nhiều nhiệm vụ quan trọng, khối lượng công việc lớn, thành phố sẽ cố gắng phát huy cao nhất những nguồn lực tại chỗ, nhưng bên cạnh đó rất mong Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và có sự chỉ đạo về phương hướng, mục tiêu và những việc làm cụ thể. Ðối với những khó khăn của thành phố, đề nghị Chính phủ cho chủ trương về cơ chế, chính sách, cách thức huy động các nguồn vốn, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Thành phố sẽ tập trung nguồn lực để phối hợp xây dựng bảo đảm chất lượng hai văn bản quan trọng đối với Thủ đô và cả nước là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô. Trong quá trình đóng góp ý kiến vào văn bản, rất mong các bộ, ngành, địa phương có sự chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn, đặc thù riêng của Hà Nội để có thể đề ra những cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển Thủ đô xứng tầm.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và những kết quả mà thành phố đã đạt được trong năm 2009. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2010, Hà Nội cần tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa nhằm hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, có ba nhiệm vụ cần chú trọng là: Quyết liệt chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra tạo tiền đề chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo. Làm tốt công tác chuẩn bị cho Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%, đi đôi với kiềm chế lạm phát. Các biện pháp cụ thể là đẩy nhanh tiến độ các công trình kỷ niệm, hoàn thành những dự án hạ tầng; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền lịch sử, văn hiến Hà Nội. Chỉ đạo tổ chức tốt Ðại hội Ðảng các cấp của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục tập trung cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh hơn; tăng cường quản lý đô thị, quản lý dân cư; khắc phục một bước tình trạng ùn tắc giao thông...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Công tác quy hoạch phải được đẩy mạnh hơn nữa, cùng với việc xây dựng quy hoạch chung, thành phố tiến hành ngay việc xây dựng các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu chức năng để bảo đảm cho việc triển khai quy hoạch được đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án đang phải dừng triển khai. Dự thảo Luật Thủ đô cần được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và khẩn trương hoàn thành để thông qua theo trình tự, kế hoạch. Những cơ chế, chính sách nào đã được cân nhắc chắc chắn thì nên đưa ngay vào luật. Còn những vấn đề nào trái với các quy định hiện hành, nếu cần thiết thì đề nghị cho phép thực hiện thí điểm.

Ðồng ý với Hà Nội về việc đưa các công trình quan trọng của Thủ đô vào chương trình quốc gia, trọng điểm, Thủ tướng nêu rõ: Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án, khắc phục ùn tắc giao thông phải được coi là trọng tâm công tác của Hà Nội và cũng là của Chính phủ. Năm 2010, thành phố cần tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng, trong đó phải ưu tiên các công trình, dự án hạ tầng quan trọng như các dự án đường xuyên tâm, xây dựng cầu... Các công trình dự án thuộc về đầu tư công thì giao cho Hà Nội làm chủ đầu tư; những công trình, dự án liên quan nhiều tỉnh, thành phố thì bộ chuyên ngành phải phụ trách. Thủ tướng đề nghị Hà Nội cùng với bộ quản lý chuyên ngành cần xây dựng kế hoạch đầu tư theo quy hoạch một cách chủ động, chặt chẽ. Với mỗi dự án phải nêu rõ cơ chế nguồn vốn, nhất là những công trình trọng điểm cần có cơ chế tài chính cho 10 năm tới. Về các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với thành phố tiến hành rà soát để có kế hoạch ứng vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Thành phố nên huy động thêm nguồn lực thông qua việc phát hành trái phiếu, khai thác quỹ nhà, quỹ đất...
 
                                                                            Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục