Mế Bùi Thị Linh

Mế Bùi Thị Linh

(HBĐT) - Mế Bùi Thị Linh năm nay đã ngoài 80 tuổi. 56 năm trước đây, khi còn ở tuổi thanh xuân, theo tiếng gọi tổng động viên đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, mế đã hoà vào đoàn nam nữ thanh niên tải gạo lên mặt trận phục vụ các chiến sĩ Điện Biên. Có dịp gặp mế vào một ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi đã được nghe mế trò chuyện, kể về một thời tuổi trẻ sôi nổi, tràn đầy ý nghĩa.

 

Mế nhớ lại, năm đó mế mới ngoài 20 tuổi, tham gia HĐND xã Cộng Hoà (Lạc Sơn) phụ trách khối lao động, dân công, vận tải. Vì vậy, khi có tổng động viên đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, mế và một đồng chí khác được giao phụ trách việc tổ chức, hướng dẫn đoàn dân công tải gạo lên mặt trận. Hôm đó đúng vào ngày 30 Tết nguyên đán, đoàn do mế phụ trách lên đường, tuy không được đón tết cùng gia đình nhưng trong lòng ai cũng nhiệt tình, hào hứng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ vì được đóng góp phần nhỏ bé cho chiến dịch. Đoàn gồm có 200 người, đều là những thanh niên trong độ tuổi từ 20 - 35 tuổi, tập trung tại Đống Cạo của xã để nhận nhiệm vụ tải gạo đến nơi tập kết ở kho So Lo (Sơn La). Mỗi người được giao gánh 50 kg gạo, chia đều vào 2 sọt. Phần gạo ăn đường được cho riêng vào bao dài nhỏ buộc chéo qua người, cùng với cá khô, muối làm lương thực ăn đường. Để tránh máy bay, đoàn phải đi vào buổi tối đêm, ban ngày nghỉ. Vai gánh gạo, người nọ tiếp nối người kia, đoàn dân công cứ thế lần theo đường rừng đi trong đêm tối. Những ngày sáng trăng có ánh trăng soi đường, những hôm không trăng phải tự tìm đường để đi, không dám đốt đuốc vị sợ bị giặc Pháp phát hiện ném bom.

 

Với vai trò của người phụ trách, hướng dẫn đoàn đi, mế thường phải đi trước để tìm tuyến đường đi tránh điểm thường bị tập trung ném bom, tìm địa điểm làm sao đủ chỗ cho 200 người nghỉ đảm bảo an toàn, hướng dẫn việc đun nấu không để khói lửa bốc cao làm cho máy bay giặc quần đảo trên trời phát hiện. Mỗi ngày đoàn chỉ được nấu cơm 2 bữa, vào lúc xâm xẩm tối ăn xong để đi đêm và tờ mờ trước khi trời sáng là lúc dừng nghỉ. Có cá khô, muối mang theo làm thức ăn nhưng cũng phải hết sức dè sẻn, rau được tìm hái dọc đường, nhiều nhất là loại rau tàu bay.

 

Vượt qua hàng trăm km đi bộ đường rừng, mỗi chuyến đi kéo dài hàng tháng, trong đoàn có người đi guốc, người có dép cao su, người đi chân đất, vào những ngày mưa gió thì áo mưa choàng bằng những mo cau. Đi rừng đêm vắt cắt là chuyện thường tình, khi cảm giác được bị vắt cắn thì con vắt đã no tròn. Có những đoạn đường men theo các triền đồi, cả đoàn ai nấy cứ tưởng đi vòng quanh quay lại nhưng hoá ra vẫn đang đi tiếp vì nhiều đồi quá, đồi nọ tiếp nối đồi kia. Nguy hiểm nhất là đi qua đoạn đường vách dốc Khan, dốc Khò ở Mai Châu. Đường chỉ toàn đá dăm, đá tai mèo, một bên là núi cao, một bên vực sâu, đi trong đêm tối trên vai nặng gánh gạo, người nọ phải bám sát người kia, lần từng bước đi giữ cho thật thăng bằng bởi nếu ngả người về phía sau còn có núi tựa lưng, nhưng nếu chúi về phía trước thì sẽ rơi xuống vực.

 

Vất vả, khó khăn nhưng với tinh thần vì bộ đội chiến đấu, “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đoàn dân công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cả 3 đợt đi do mế phụ trách đều đảm bảo an toàn về người, tập kết đủ số lượng gạo về kho. Trong mỗi chuyến đi, để động viên tinh thần của dân công, tranh thủ những lúc nghỉ mế còn thường tổ chức sinh hoạt văn nghệ tạo không khí sôi nổi, giúp mọi người quên đi mệt nhọc. Mế vừa cười vừa nhẩm lại một vài câu trong bài hát ngày đó mế thường bắt nhịp cho mọi người cùng hát theo: “Em là con gái dân công, việc nước em gắng, việc nhà thi đua. Dân công, vận tải em vẫn còn thi đua, nhưng còn một chuyện xin thưa, giặc tây chưa hết em chưa lấy chồng. Khi nào độc lập em xin lấy chồng, lấy anh chiến sĩ có công diệt thù…”. 

 

 

                                                           Thu Hà

 

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục