TNXP chuẩn bị ra trọng điểm san đường

TNXP chuẩn bị ra trọng điểm san đường

Từ khi thành lập (15-7-1950), được sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm thường xuyên của Bác Hồ, của Ðảng và Nhà nước, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc. 60 năm qua, hơn 35 vạn nam nữ TNXP đã xung phong phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, mở đường chiến lược, tháo gỡ bom mìn, cáng tải thương binh, tử sĩ, thu dọn chiến trường, xây dựng CNXH, bảo vệ biên giới, vào những nơi khó khăn gian khổ làm nhiệm vụ giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1950 - 1954)


Ban đầu chỉ có 225 cán bộ, chiến sĩ Ðội TNXP công tác Trung ương đã phát triển lên 20.000 người làm nhiệm vụ ở ATK - "Thủ đô kháng chiến" (Ðội 36 - "Ðoàn XP"), tuyến giao thông chiến lược Thái Nguyên - biên giới phía bắc (Ðội 38 - "Ðoàn XP"),... phục vụ kháng chiến trên khắp các chiến trường, chiến dịch lớn như: Biên giới, Tây Bắc, Việt Bắc, Khu ba, Khu bốn, Trung du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Thượng Lào, Liên khu V, miền Ðông và đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ. Ở những nơi này, TNXP đã cùng bộ đội lập nên những chiến công hiển hách, cùng các lực lượng khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến trường. Tại mặt trận Ðiện Biên Phủ, hơn 16.000 TNXP (chủ lực là Ðội 34 và Ðội 40 - "Ðoàn XP") đã bám trụ ngày đêm theo chiến dịch, xung phong vào những nơi "túi bom", "chảo lửa" làm nhiệm vụ, rà phá hơn 1.000 quả bom mìn, mở hàng trăm km đường quan trọng; xông vào cứu hàng chục xe đạn pháo khi máy bay địch vây đánh, cáng tải hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh; có những chiến sĩ đã được làm lễ "truy điệu sống" khi đi làm nhiệm vụ, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 8.000 TNXP được chuyển sang quân đội,...


Kết thúc chiến dịch Ðiện Biên Phủ, lực lượng TNXP đã được Bác Hồ tặng cờ Thi đua mang dòng chữ "Dũng cảm, lập công xuất sắc", được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất,... Năm 2009, lực lượng TNXP mặt trận Ðiện Biên Phủ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.


Thời kỳ xây dựng CNXH và phát triển kinh tế ở miền bắc (1955 - 1964)


Kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp, ở miền bắc, TNXP được tổ chức lại, bổ sung lực lượng tới hơn 40 nghìn cán bộ, chiến sĩ để làm nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng CNXH, khôi phục và phát triển kinh tế ở miền bắc, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. TNXP tiếp tục làm việc trên các công trường  với tinh thần như phục vụ kháng chiến, góp phần to lớn vào các công trình trọng điểm của đất nước như: Công trường 111, đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Vinh, đường 12B Hòa Bình, đường 426 Tây Bắc, đường 1B, khu gang thép Thái Nguyên, thủy điện Thác Bà, thủy lợi Nậm Rốm (Ðiện Biên), Khu Cao - Xà - Lá (Hà Nội), nhà máy Cơ khí Hà Nội, nhà máy cá hộp Hải Phòng, nhà máy chè Phú Thọ, mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng),... Trong số những đội TNXP lập thành tích xuất sắc, có Ðội TNXP Thủ đô vinh dự được Bác Hồ viết  khen ngợi trên Báo Nhân Dân ngày 16-5-1955.


Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1975)


Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, tiến hành "Chiến tranh cục bộ" ở miền nam, "leo thang" đánh phá miền bắc, Chính phủ có Chỉ thị tổ chức lực lượng TNXP làm nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước. Ở miền bắc có phong trào "Ba sẵn sàng", ở miền nam có phong trào "Năm xung phong", 25 vạn nam nữ TNXP hăng hái lên đường chống Mỹ, cứu nước với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!".


Ở miền bắc, trên các trục đường giao thông, cầu, phà, các khu công nghiệp, các kho hậu cần, các ga xe lửa,... tiếp viện cho chiến trường đều có TNXP làm nhiệm vụ. Sự dũng cảm, hy sinh của 60 chiến sĩ Ðại đội 915 Anh hùng ở ga Lưu Xá, Thái Nguyên; 13 nữ chiến sĩ Tiểu đội xung kích Anh hùng (quê Thái Bình), Ðại đội 873 - N87 hy sinh tại núi Nhồi (núi Nấp) Thanh Hóa,... là những minh chứng hùng hồn. Trên hệ thống đường Trường Sơn (5 trục dọc, 21 trục ngang, tổng số 20.000 km đường), có hơn 40 nghìn TNXP (trong tổng số 120 nghìn người các lực lượng), cùng với bộ đội ngày đêm bám trụ (đó là các Ðội N25, N23, N43, N41, N45, N37, N39, N35, N21, N33, N241,...), đã dũng cảm quên mình làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn. TNXP đã mở 2.000 km đường, bảo đảm giao thông 3.000 km, chốt giữ 2.500 trọng điểm địch đánh phá cực kỳ ác liệt, rà phá hàng vạn quả bom, mìn các loại. Trên các tuyến đường trọng điểm: Ðường 20 Quyết Thắng, đường 20/7 (đường 10), đường 15, đường 18, đường 16, đường 12, đường 22,... đều có TNXP chốt giữ. Trên tuyến đường 20/7 (đường 10) có Ðại đội TNXP 343 (xung kích Thăng Long) - N37 đã kiên cường bám trụ khi hàng chục trận máy bay B52 đánh phá tàn bạo, có tấm gương Ðại đội trưởng Nguyễn Văn Lệnh "xả thân" để chỉ huy bảo đảm cho giao thông thông suốt. Ðặc biệt, ở tuyến đường 20 Quyết Thắng có các Ðại đội C4, C5, C6 Ðội TNXP N25 đã "quyết tử" để cho đường "quyết sinh", các chiến sĩ đã chốt giữ các trọng điểm nổi tiếng như: "Cua chữ A", "ngầm Ta Lê", "Ðèo Phu La Nhích" - tập đoàn trọng điểm ATP. Ở đây có C5 (TNXP tỉnh Hà Nam) liên tục từ năm 1965 - 1970 ngày đêm dưới mưa bom bão đạn, bộ đội và TNXP gọi "C5 gang thép - đơn vị cảm tử", đã gánh chịu 969 lần máy bay B52, hơn 2.000 trận máy bay cường kích đánh phá, với 300.000 quả bom các loại và chất độc hóa học (C5 có 52 liệt sĩ), nhưng C5 bản lĩnh Anh hùng - chiến thắng giặc Mỹ trên đường 20 Quyết Thắng. C5 đã được Bác Hồ, Bác Tôn hai lần tặng hoa, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ở những trọng điểm này đã có bốn anh hùng là "cây Tùng, cây Bách" ở "Sa mạc lửa". Sự anh dũng, hy sinh, gian khổ của Bộ đội Trường Sơn, của TNXP là những lực lượng chủ yếu làm nên tuyến đường Trường Sơn "huyền thoại". Ðã có nhiều tập thể anh hùng, cá nhân anh hùng, tấm gương TNXP tiêu biểu như: 10 nữ liệt sĩ TNXP Ngã ba Ðồng Lộc, 14 TNXP Truông Bồn, tám liệt sĩ - "hang 8 cô" (Ðường 20 Quyết Thắng),... Ðinh Thị Thu Hiệp, Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Tri Ân, Hồ Thị Hiền, Hoàng Lộc, Lê Viết Lân, Trần Ðức Hè, Hoàng Trọng Lơ, Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ,... Hình ảnh Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế đã năm lần được gặp Bác Hồ báo cáo thành tích với Bác, Nguyễn Thị Vân Liệu được Bác Hồ tự tay gửi Huy hiệu của Bác tặng là rất vinh dự, Hoàng Lộc trước lúc hy sinh còn xin hôn cờ Ðảng, còn dặn lại đồng đội tiếp tục phá những quả bom cuối cùng để thông đường cho xe vào miền nam, đó là những hình ảnh tiêu biểu, đẹp tuyệt vời của TNXP. Trên đường Trường Sơn, TNXP đã góp phần cùng bộ đội làm nên thi ca, lịch sử, con đường "huyền thoại" thắng Mỹ của thế kỷ 20. Nói về đường Trường Sơn, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ: "... Ðường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên". Cùng với các đơn vị mở đường Trường Sơn, còn có Ðội TNXP K53 được điều đi làm công tác "Thanh vận" ở chiến trường Trị Thiên - Huế liên tục từ năm 1965 - 1975. Anh chị em chịu đựng khó khăn, gian khổ, hy sinh, luôn nêu cao phẩm chất anh hùng cách mạng của TNXP.


Ở miền nam, từ bên kia vĩ tuyến 17, TNXP miền nam với tinh thần "Năm xung phong" đã cùng thanh niên cả nước với khí thế "Sẵn sàng và xung phong" của tuổi trẻ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đồng hành với khẩu hiệu "Nơi đâu chiến trường cần, TNXP có mặt, nơi nào có giặc TNXP xuất quân". Hàng vạn TNXP đã cùng với quân giải phóng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường lớn như: Trị Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ, Tây Nam Bộ,... Từ tháng 4-1965, Ðội TNXP giải phóng miền nam đầu tiên làm lễ xuất quân, bước đầu có 108 nam nữ cán bộ, đội viên, tiếp sau đó là hơn 5.000 người hăng hái lên đường nhập ngũ. TNXP ngày đêm sát cánh cùng bộ đội trên chiến hào, chiến trường giáp mặt với quân thù,... Họ đã dũng cảm, hy sinh quên mình làm nhiệm vụ dưới mưa bom, bão đạn. Hình ảnh Anh hùng liệt sĩ Ðoàn Thị Liên dũng cảm, hy sinh lấy thân mình che chở, cứu bộ đội bị thương là một hành động dũng cảm - nhân văn cao quý với đồng đội. Nhiều TNXP trực tiếp cầm súng, cướp súng của địch, diệt địch trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, bắt sống tù binh Mỹ và chư hầu, phá xe tăng, xe bọc thép địch, bắn rơi máy bay lên thẳng của Mỹ, như: Trương Thanh, Trịnh Duy Hoàng, Lê Văn Ðức, Trang Bá Phúc, Trịnh Văn Thì, Lê Văn Gieo, Phạm Văn Be,... TNXP giải phóng miền nam đã có chí nguyện - truyền thống: "Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang" để lại cho lịch sử TNXP Việt Nam ngời sáng tinh thần.


Tại chiến trường Khu V và Tây Nguyên, các đơn vị TNXP mang tên các Anh hùng liệt sĩ: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Võ Như Hưng đã theo sát các sư đoàn bộ đội vào các trận đánh lớn, có 10 tiểu đoàn cùng với bộ đội Ðoàn 559 làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Tiểu đoàn vận tải nữ 232 TNXP Anh hùng Quân khu 5 do Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng đã kiên cường, dũng cảm vượt qua nhiều trận mưa bom, bão đạn, có nhiều chiến sĩ nữ hằng tháng gùi súng đạn rất nặng so với cơ thể mình để tiếp viện kịp thời cho bộ đội vào các trận đánh, như chiến sĩ Nguyễn Thị Huấn vác nòng pháo nặng hơn 100 kg,... Có cả các trường hợp TNXP được "cài cắm" sâu vào sào huyệt của Mỹ, ngụy để thu thập tin tức cho cách mạng, làm binh vận giác ngộ địch. TNXP giải phóng miền nam đã tham gia phục vụ 16 chiến dịch lớn với 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu 40 trận, tiêu diệt và bắt sống 856 tên địch (có 286 lính Mỹ), bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phá hủy 20 xe tăng, xe bọc thép của địch, vận chuyển hơn 23 nghìn tấn vũ khí, lương thực, quân trang,... ra trận, cáng tải, bảo vệ, chăm sóc 2.077 thương binh, đào 1.535 hầm phẫu thuật, xây dựng tám bệnh viện và 272 kho quân dụng dã chiến phục vụ theo chiến trường, đưa 18 nghìn lượt bộ đội qua sông, bổ sung 600 chiến sĩ sang bộ đội, công an và các cơ quan Trung ương Cục... Với thành tích, chiến công sáng ngời, TNXP giải phóng miền nam đã được vinh dự tặng thưởng: một Huân chương Thành đồng hạng nhất, ba Huân chương Thành đồng hạng ba, một Huân chương Quân công hạng ba, mười Huân chương Giải phóng hạng nhất, 50 Huân chương Giải phóng hạng nhì, 117 Huân chương Giải phóng hạng ba, 54 dũng sĩ diệt Mỹ,...


Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, TNXP Việt Nam đã có gần 300 nghìn nam nữ làm nhiệm vụ trên các chiến trường, 10 nghìn người anh dũng hy sinh (đã xác định được gần 5.000 liệt sĩ), 46 nghìn người bị thương (đã có hơn 33.000 thương binh), hơn 10 nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học, 35 nghìn người làm nhiệm vụ quốc tế (C, K), 24 nghìn người chuyển sang quân đội,...


Thời kỳ tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng (sau năm 1975)


Ðất nước thống nhất, thế hệ trẻ nối bước cha anh trong "cuộc chiến" thời bình, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước ta "Ðoàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Ðã có các phong trào sống động trong thời bình như: "Ba xung kích làm chủ tập thể", "Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước", "5 xung kích, 4 đồng hành",... khơi dậy sự cống hiến của tuổi thanh xuân. Hàng vạn nam nữ thanh niên lại "xung phong" đến biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và góp phần bảo vệ Tổ quốc. Tham gia vào các chương trình: "Xây dựng nông thôn mới", "Xóa đói, giảm nghèo", "Phát triển thủy sản", "Trồng 5 triệu ha rừng", "Chương trình 193", "Chương trình Biển Ðông - hải đảo",... Những công trình dấu ấn của tuổi trẻ ngày nay như: hai dự án Ðảo thanh niên; 1.000 cây cầu nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng gần 100 km đường Hồ Chí Minh là những biểu tượng cao đẹp.


Sự cống hiến, hy sinh và phẩm chất cao quý của TNXP Việt Nam đã được Ðảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương Sao Vàng cao quý nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, danh hiệu Anh hùng LLVTND; 54 tập thể, hơn 100 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động; 54 dũng sĩ diệt Mỹ, 1.432 dũng sĩ Quyết thắng...


Trong thời chiến cũng như thời bình, TNXP Việt Nam luôn luôn phát huy tinh thần, sức mạnh của tuổi trẻ phục vụ quên mình cho Tổ quốc. Sau những năm tháng chiến tranh, chịu đựng gian khổ, hy sinh, ngày nay 35 vạn cựu TNXP trong cả nước đã trở thành hội viên Hội cựu TNXP Việt Nam (ở Trung ương và địa phương) để hoạt động nghĩa tình đồng đội, phát huy truyền thống lịch sử, tiếp tục tham gia các công tác chính trị - xã hội, với tinh thần vẫn "xung phong" như khi tuổi trẻ.
 
                                                                            Theo Báo Nhandan


Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục