Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Ngày 27-8, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, tập thể Bộ Chính trị với sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự chuẩn bị trình Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2010 - 2015.

 
Về việc chuẩn bị các văn kiện và phương án nhân sự trình Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ 15, Bộ Chính trị nhận xét đã được tiến hành công phu, nghiêm túc, có chất lượng. Ðánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ 14 Ðảng bộ thành phố (2006 - 2010), Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm nêu trong báo cáo của Thành ủy Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh: Năm năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao của Ðảng bộ và nhân dân, thành phố Hà Nội đã tranh thủ thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra những biến đổi bước đầu, tích cực của một Thủ đô vừa được mở rộng.


Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào phục hồi đà tăng trưởng kinh tế chung của cả nước; cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đang chuyển dịch ngày càng rõ nét theo hướng hiện đại, nhất là trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực; thu nhập bình quân đầu người đạt ở mức cao (gần 2.000 USD/năm). Chính trị ổn định, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô được giữ vững. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tổ chức triển khai đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng... Sau hơn 25 năm đổi mới và sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Thủ đô Hà Nội đã và đang thể hiện rõ vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.


Về một số hạn chế, yếu kém, Bộ Chính trị lưu ý: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị thế của Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám có giá trị gia tăng cao của các ngành kinh tế chủ lực chưa rõ nét; sức lan tỏa của một "trung tâm kinh tế lớn", vai trò của một "động lực kinh tế" trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước chưa được phát huy đầy đủ. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn nhiều yếu kém; hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô; nhiều vấn đề tồn tại lâu nay (quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...) tuy đã tập trung giải quyết, nhưng chưa đạt được yêu cầu. Việc xây dựng văn hóa Người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu của một Thủ đô nghìn năm văn hiến. Vai trò của một trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế chưa được phát huy đầy đủ; chưa khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, nhất là đội ngũ trí thức trên địa bàn. Khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở một số tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp xã, phường còn thấp; thái độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên cơ sở và ở một số ngành của thành phố chưa cao, còn có biểu hiện trì trệ.


Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm tới (2011 - 2015), Bộ Chính trị nhất trí với phương hướng phát triển Thủ đô nêu trong báo cáo của Thành ủy Hà Nội. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, để "Phấn đấu hoàn thành những mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô" và để "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ..., xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại", Bộ Chính trị đề nghị: Hà Nội phải tiếp tục thể hiện là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; là tấm gương trong xây dựng và quản lý đô thị, trong xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.


Bộ Chính trị nhấn mạnh: Phải đẩy mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, coi trọng cả việc mở rộng quy mô với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Trên cơ sở cơ cấu kinh tế đã được xác định (dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp), phải hướng mạnh vào phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp có công nghệ cao, hàm lượng tri thức cao, ít sử dụng lao động và ít ô nhiễm môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp để Hà Nội thật sự xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Phải đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, sớm hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể sau khi Hà Nội mở rộng; đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành, lĩnh vực; tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị, nông thôn, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Tập trung xử lý tốt hơn những vấn đề về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự giao thông, ô nhiễm môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; triển khai nhanh lộ trình di dời một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố nhằm giảm mật độ dân số ở nội đô. Tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa cho phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để các lĩnh vực này thực sự trở thành những trung tâm lớn của vùng và cả nước. Ðẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Là địa bàn trọng điểm về an ninh quốc gia, vì vậy Hà Nội phải tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ðưa vào chiều sâu việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với công tác xây dựng đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ có ý thức trách nhiệm cao, hết lòng, hết sức phụng sự sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước và phục vụ nhân dân.


Bộ Chính trị cũng cơ bản đồng tình với phương án nhân sự mà Thành ủy đã chuẩn bị. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát, cân nhắc, phấn đấu để đạt được yêu cầu cao hơn về trẻ hóa cán bộ nhằm giảm độ tuổi bình quân của cấp ủy khóa mới; làm tốt công tác bố trí, sắp xếp cán bộ trước và sau Ðại hội.
 
 
 
                                                                                          Theo ND

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục