Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp

Ngày 13-9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ QH đã bắt đầu phiên họp thứ 34 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, dự kiến làm việc đến hết ngày 18-9.

Nội dung chủ yếu là cho ý kiến về bảy dự án Luật, về định mức phân bổ ngân sách Nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015, dự thảo Nghị quyết của QH về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nghe Chính phủ báo cáo tổng kết bước một việc thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường và một số vấn đề quan trọng khác.


Ngay sau khi khai mạc, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe và thảo luận về các tờ trình của Chính phủ, đó là: Xây dựng hệ thống định mức chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước năm 2011 của các bộ, cơ quan T.Ư và các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015. Các ý kiến phát biểu đã tập trung thảo luận về thời kỳ ổn định ngân sách, về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; về tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như: Ðịnh mức của các bộ, cơ quan T.Ư; định mức của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (định mức chi sự nghiệp giáo dục, chi sự nghiệp đào tạo, chi sự nghiệp y tế, chi quản lý hành chính); các nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, cơ quan T.Ư...


Cũng trong ngày làm việc này, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo quy định tại Ðiều I, dự thảo Nghị quyết, đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như sau:


1- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức của các đối tượng sau đây:


- Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp (kể cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất);


- Hộ gia đình, cá nhân là xã viên Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận đất giao khoán ổn định của doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp;


- Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên, lâm trường viên nhận đất giao khoán ổn định của nông trường, lâm trường để sản xuất nông nghiệp;


- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp ruộng đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.


2- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đối với hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.


3- Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các đối tượng không thuộc diện được miễn thuế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Ðiều này và diện tích đất sản xuất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định của pháp luật đối với hộ gia đình, cá nhân nêu tại khoản 1 Ðiều này và hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp khác.


Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Ðiều 1 Nghị quyết này được thực hiện từ năm thuế 2011 đến hết năm thuế 2020.


Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết.


Về mục tiêu, yêu cầu ban hành Nghị quyết, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần quán triệt một số mục tiêu, yêu cầu cơ bản là:


Thứ nhất, việc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là những văn bản liên quan đến chính sách thu đối với đất đai.


Thứ hai, phải chú trọng đến hiệu quả đích thực của việc miễn, giảm thuế. Mặc dù chính sách miễn, giảm thuế đã được áp dụng trong nhiều năm, song trên thực tế, kết quả đạt được qua việc thực thi chính sách vẫn còn một số hạn chế: tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp còn diễn ra ở một số địa phương; chính sách miễn, giảm thuế chưa thể hiện được định hướng ưu đãi của Nhà nước đối với từng loại đất, từng mục đích sử dụng đất nông nghiệp; tình trạng quản lý đất nông nghiệp có phần buông lỏng diễn ra ở một số địa phương. Do đó, cùng với việc tăng cường quản lý đất đai, việc tiếp tục ban hành và thực thi chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong những năm tới phải góp phần tạo đòn bẩy kinh tế để khắc phục những tồn tại nêu trên.


Qua thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu đã đề cập tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, về đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chẳng hạn, khoản 3 Ðiều 1 của Dự thảo Nghị quyết quy định việc áp dụng mức giảm 50% số thuế phải nộp đối với toàn bộ phần diện tích đất sản xuất vượt mức là chưa bảo đảm công bằng. Do đó, đề nghị quy định theo hướng: giảm 50% số thuế phải nộp đối với phần diện tích vượt hạn mức được giao nhưng không vượt quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp; không giảm thuế (thu 100% số thuế phải nộp) đối với phần diện tích vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 ngày 21-6-2007 của Ủy ban Thường vụ QH.


Về hạn mức đất, theo quy định của Dự thảo nghị quyết thì đất trong hạn mức được miễn toàn bộ số thuế phải nộp. Một số ý kiến đề nghị, để có căn cứ triển khai thực hiện cần quy định rõ trong Nghị quyết "hạn mức" là hạn mức theo quy định của Luật Ðất đai. Nhiều ý kiến tán thành thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10 năm (2011 - 2020).


Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thời hạn miễn, giảm 10 năm là tương đối dài; chỉ nên quy định việc miễn, giảm cho giai đoạn năm năm, sau đó tổng kết để sửa đổi toàn diện và ban hành một đạo luật chung về chính sách thuế đối với đất đai (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
 
                                                                          Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục