Nhằm thúc đẩy tốc độ cải cách hành chính (CCHC), hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, ngày 5/4, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố để tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và xây dựng nội dung giai đoạn 2011 – 2020. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và các thành viên Chính phủ.



*Tốc độ cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Kết quả CCHC Nhà nước trên tất cả các nội dung: thể chế; tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tài chính công, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nước ta. Thực hiện Đề án 30, giai đoạn I, cả nước đã thống kê được trên 5.700 thủ tục hành chính (TTHC), trên 9000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê. Giai đoạn II, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát theo tiến độ và đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC.

Thông qua Chương trình này, mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng dân chủ, chú trọng việc lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành chính trong giải quyết khiếu nại của nhân dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết tốc độ CCHC còn chậm, chưa đạt được so với mục tiêu chung đề ra, chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Hệ thống thể chế còn thiếu đồng bộ, thống nhất, vẫn còn có sự chồng chéo, nhiều về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Bộ máy chính quyền địa phương chưa ổn định, chưa có quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Cải cách tài chính công thực hiện mới chỉ là bước đầu, kết quả đạt được còn hạn chế…

* Thực hiện tốt việc tiếp nhận ý kiến, phản hồi của người dân đối với công tác CCHC

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương kiểm soát, nâng cao chất lượng cải cách TTHC; coi trọng việc đánh giá tác động TTHC, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch của TTHC. Thông tin đầy đủ về các TTHC trên cổng thông tin điện tử của bộ, địa phương; thực hiện tốt việc tiếp nhận ý kiến, phản hồi; tạo thuận lợi tối đa cho người dân, cơ quan, tổ chức nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong cải cách TTHC.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo về cải cách tài chính công; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; vai trò, tác động của CCHC, cải cách TTHC trong phát triển kinh tế xã hội; kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình một cửa, liên thông, mối quan hệ giữa CCHC và chỉ số năng lực cạnh tranh; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC.

Theo dự thảo Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trọng tâm của thời kỳ này là xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có yếu tố hết sức quan trọng là cải cách chế độ, chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức làm việc, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

* Bộ máy hành chính là để phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển

Sau một ngày làm việc, lắng nghe ý kiến của các bộ, các địa phương, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến này, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ tại phiên họp tới. Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan hành chính Nhà nước cần coi CCHC là trọng tâm công tác, khâu đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Đánh giá về kết quả thực hiện CCHC 10 năm qua, Thủ tướng cho rằng, CCHC đã có những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Qua CCHC, hoàn thiện bộ máy, thể chế đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ, so với mục tiêu: “Đến năm 2010, xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại”, công tác CCHC vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 10 năm tới, nhiệm vụ CCHC trong đó có hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC phải thiết lập được môi trường kinh doanh sòng phẳng, minh bạch, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp và người dân, nhằm giải phóng sức lao động, tiến tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. CCHC phải xây dựng được hệ thống hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở thông suốt, vận hành hiệu quả, trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. CCHC còn phải ngày càng bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và phục vụ nhân dân. Bộ máy hành chính là để phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển, Thủ tướng nói.

* Cơ chế, chính sách vướng mắc ở đâu thì gỡ ở đó

Định hướng những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn mới của Chương trình CCHC, Thủ tướng nêu rõ, trong cải cách thể chế, các vấn đề về luật pháp, cơ chế, chính sách vướng mắc ở đâu thì gỡ ở đó. Đặc biệt, phải tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về quản lý đất đai để có hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực này hoàn thiện hơn. Tăng cường xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công, phúc lợi xã hội để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với cải cách TTHC, Thủ tướng đề nghị, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tập trung rà soát TTHC, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy; đặc biệt tập trung vào các vấn đề đang gây bức xúc như đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục về sở hữu bất động sản và thủ tục liên quan đến thuế, hải quan. Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan. Thực hiện tốt việc phân cấp gắn liền với xây dựng hệ thống tiêu chí quản lý Nhà nước. Song song với đó, xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức đủ năng lực, trình độ, vừa hồng vừa chuyên, tâm huyết phục vụ nhân dân. Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị xây dựng rõ chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí cán bộ, công chức thuộc từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Trong cải cách tài chính công, cần giảm đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung nguồn vốn cho cải cách tiền lương, an sinh xã hội, đi đôi với thực hiện tốt việc giảm biên chế; cải cách chi cho nghiên cứu khoa học theo hướng đảm bảo hoạt động này hiệu quả hơn; xây dựng cơ chế học phí hợp lý để góp phần phát triển giáo dục quốc gia. Thủ tướng lưu ý các cơ quan, đơn vị quan tâm hơn nữa đến việc hiện đại hóa nền hành chính, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng điện tử, giảm hội họp, đồng thời tăng cường mối liên hệ giữa chính quyền với nhân dân, tiến tới giải quyết thủ tục cấp giấy phép, đăng ký kinh doanh qua mạng. Toàn quốc cần sơ kết việc thực hiện cơ chế 1 cửa liên thông để đánh giá, rút kinh nghiệm.

Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, cán bộ công chức cần nâng cao hơn nữa nhận thức, tầm quan trọng của công tác CCHC; xây dựng tiêu chí để đánh giá kết quả cải cách TTHC của từng bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; đồng thời làm tốt việc thông tin, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp để có thông tin phản hồi, góp phần hoàn thiện nhiệm vụ CCHC./.

                                                                                 Theo TTXVN

Các tin khác


Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ 11, khoá XV

Chiều 3/5, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 11, khoá XV, nhiệm kỳ 2019 - 2024 (kỳ họp bất thường). Dự hội nghị có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy

Ngày 3/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn có đại diện Sở GD&ĐT, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT), các phòng, ban chức năng của huyện Lạc Thủy. 

Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 3-5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 (Ban chỉ đạo) tổ chức sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).

Tỉnh Hòa Bình tham gia Tọa đàm Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Canada

Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình cùng đoàn công tác Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và các tỉnh bạn tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada đã đến thăm và có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada. Tiếp đón các đoàn công tác có đồng chí Phan Kiều Thu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada.

Thanh niên huyện Cao Phong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục