Để giảm ùn tắc và giảm khả năng phương tiện tham gia lưu thông trong cùng giờ cao điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, làm việc để chống ùn tắc. Theo gợi ý của ông Thăng, cơ quan trung ương có thể làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

 

Để giảm ùn tắc cần phải điều chỉnh giờ làm của nhiều khối cơ quan hành chính. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp chiều nay (17/10), giữa Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Hà Nội.

Theo đại diện lãnh đạo các ban ngành, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn ra trầm trọng mặc dù đã có rất nhiều biện pháp đưa ra nhưng bài toán ùn tắc vẫn chưa có lời giải.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tiến hành bằng các giải pháp chống ùn tắc giao thông như phân làn phương tiện, tăng cường giao thông một chiều, đề án tuyến phố đi bộ và nâng cao năng lực vận tải công cộng.

“Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội cần lên kế hoạch và có giải pháp đồng bộ điều chỉnh giờ học, giờ làm việc,” ông Khôi cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, những giải pháp tách làn phương tiện, tăng cường sử dụng làn dành riêng cho xe buýt, phát triển xe buýt nhanh, xe buýt chuyên trách với khối lượng lớn nhằm vận chuyển khách, tăng cường vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân chỉ nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông nội đô.

Ông Hùng cũng đề xuất điều chỉnh giờ hoạt động các cơ quan như:  Ngân hàng, bưu điện sau 9 giờ sáng để giảm lưu lượng người đi lại.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, những tuyến đường trọng điểm hiện nay phải cấm taxi, tăng đường một chiều để tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển tốt hơn và xây dựng nhanh các cầu vượt qua các điểm giao cắt; rà soát vỉa hè lòng đường, cấm phương tiện dừng đỗ xe dưới lòng đường để người dân tham gia lưu thông tốt.

“Đề xuất ưu tiên cho xe buýt phải mang tính đột phá, nếu không vẫn đâu vào đó. Giả sử chúng ta cấm phương tiện cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm tại một số tuyến thường xuyên ùn tắc thì xe buýt có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển không?” Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra câu hỏi.

Số liệu thống kê của Tổng Công ty vận tải Hà Nội, chỉ sau 5 năm lưu lượng giao thông trên các trục đường phố chính của Hà Nội tăng trên 2 lần và đều vượt mức 30.000 hành khách/giờ/hướng, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội, hệ số sử dụng sức chưa đạt bình quân toàn mạng là 80%, đây là mức rất cao (Singapo chỉ đạt 50-55%). Giờ cao điểm hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn (bình quân 140%) đặc biệt ở các tuyến trục hành lang lên gần 200%.

“Nếu thay bằng loại xe buýt sức chứa nhỏ hơn thì năng lực vận chuyển của xe buýt giảm và sẽ càng ách tắc hơn. Muốn tăng cường xe buýt phải tăng tần suất và giải quyết tốt tình trạng khách quá tải giờ cao điểm,” ông Thường đưa ra giải pháp.

Bên cạnh đó, việc hạn chế phương tiện cá nhân như thu phí phương tiện vào nội đô, hạn chế ôtô trước để tạo điều kiện cho xe buýt phát triển cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong việc giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) để cải thiện giao thông chúng ta cần hạn chế phương tiện cá nhân, trước hết là ôtô.

“Hà Nội cần thu phí giờ cao điểm cao hơn buổi tối, phí đỗ xe trong trung tâm cao hơn ngoại thành. Xe buýt cần có hệ thống quản lý thông minh, có thể điều chỉnh biểu đồ, tần suất xe chạy phù hợp với từng tuyến đường và từng thời điểm cụ thể,”ông Hùng kiến nghị./.
 
 
 
                                                                                    Theo TTXVN

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục