Đại biểu QH Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại hội trường.

Đại biểu QH Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại hội trường.

(HBĐT) - Sáng 17/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường đánh giá về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu đánh giá vào báo cáo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình bày tỏ rất đồng tình với cách làm của Quốc hội lần này.

 

Tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội được trao đổi về nội dung Báo cáo của Chính phủ về việc giải quyết chất vấn tại kỳ họp trước. Về góp ý vào báo cáo tôi xin đề cập tới lĩnh vực nội vụ, trong đó phần 3 nói về kết quả thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng Dân tộc cũng có gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo giám sát về kết quả thực hiện chính sách đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số trong thời gian vừa qua. Đánh giá kết quả đạt được, báo cáo cũng đã nêu khá phù hợp với Báo cáo của Chính phủ đã trình bày tại kỳ họp này. Chính phủ đã xây dựng được đề án phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, quan tâm, thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, ưu tiên tuyển dụng và phân công công tác phù hợp với cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong Báo cáo giám sát, qua kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, chúng tôi tham gia cũng đã đề cập tới nhiều vấn đề đáng quan tâm về cán bộ là người dân tộc thiểu số. Trong đó có một số vấn đề chúng tôi chuyển tới Quốc hội và tới Chính phủ cụ thể là:

 

Một là, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ khá thấp so với tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở ngay trong cùng một địa bàn. Trước đây, cán bộ người dân tộc thiểu số so với dân tộc thiểu số ở bản địa chiếm tỷ lệ khá. Nhưng thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách của chúng ta tác động tới, nên cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ ngày càng thấp. Cá biệt, có những địa phương chúng tôi đến, chính sách cán bộ dân tộc thiểu số chưa tới các địa phương.

 

Hai là, cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số công tác ở các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý tài chính, kinh tế, kế hoạch đầu tư, những lĩnh vực, những ngành có vai trò quyết định là rất hạn chế. Chủ yếu công tác ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

 

Ba là, càng lên cấp cao cán bộ dân tộc thiểu số càng ít. Ở địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số như cấp xã còn có cán bộ dân tộc thiểu số. Nhưng lên đến cấp huyện, cấp tỉnh thì tỷ lệ này ngày càng thấp. Ở tỉnh Hòa Bình dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá, 80-90%, nhưng qua kết quả giám sát thì tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm trên 40%, tỷ lệ này ngày càng giảm, cơ cấu chủ yếu là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cán bộ công tác Đảng và đoàn thể, còn các ngành quan trọng thì hầu như cán bộ dân tộc thiểu số rất ít.

 

Bốn là cơ cấu ngạch cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số hoặc cán bộ dân tộc thiểu số có hàm học vị tiến sĩ, sau đại học chiếm tỷ lệ rất thấp, nên công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đối với cán bộ dân tộc thiểu số rất khó khăn. Nguyên nhân được xác định nhiều, qua thực tế chúng tôi cho là có 3 nhóm nguyên nhân:

 

Thứ nhất là hệ thống chính sách, pháp luật của chúng ta đối với cán bộ dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, tính khả thi không cao. Ví dụ như Luật cán bộ, công chức không có các quy định về quy hoạch cán bộ. Trong khi đó quy hoạch được coi là khâu quan trọng và quyết định để thực hiện chính sách cán bộ. Không có quy hoạch thì không có đào tạo, bồi dưỡng, không có luân chuyển, không có bổ nhiệm, không có điều động. Nhưng Luật cán bộ, công chức và chính sách, pháp luật về cán bộ, công chức của chúng ta chưa đề cập nội dung này. Cho nên việc đưa cán bộ dân tộc thiểu số vào quy hoạch để luân chuyển, để đào tạo, bồi dưỡng, để trở thành cán bộ cốt cán khá khó khăn.

 

Thứ hai, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về cán bộ dân tộc thiểu số, nhiều nơi làm chưa tốt, chưa có sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thiếu cụ thể các quy định của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ dân tộc thiểu số.

 

Thứ ba, bản thân cán bộ dân tộc thiểu số nhiều trường hợp cũng chưa có cố gắng, còn ảnh hưởng nặng nề về phong tục tập quán. Một số ít còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách, chưa nỗ lực để khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp công tác.

 

Từ thực trạng trên, chúng tôi xin chuyển tới Chính phủ 2 kiến nghị:

 

Một, cần khẩn trương rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về cán bộ dân tộc thiểu số. Cụ thể, nghiên cứu bổ sung quy định công tác quy hoạch và công tác cán bộ, công chức. Chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số, đặc biệt là bố trí công tác cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường. Chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, là người địa phương, chính sách bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nâng ngạch bậc đối với cán bộ là dân tộc thiểu số công tác ở các địa phương. Chế độ, chính sách cho các cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số. Sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém và kiên quyết xử lý các hành vi, các vi phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật, đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số.

 

Vấn đề thứ hai đã được nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu trước tôi quan tâm, đó là việc ban hành cơ chế, chính sách về đảm bảo đời sống cho người dân tái định cư, hậu thủy điện. Sau kết quả trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước thì Chính phủ, đặc biệt Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm, các bộ, ngành cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, cho tới nay chúng tôi cho các chính sách cụ thể để người dân được hưởng, để sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo hiện nay thì vẫn còn rất chậm. Cử tri tỉnh Hòa Bình cũng chuyển tới Quốc hội, tới Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, thực hiện quyết liệt hơn.

 

 

                             

                                        Bích Ngọc 

             Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (TH)

 

 

Các tin khác


Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục