Một góc thành phố Hòa Bình hôm nay.

Một góc thành phố Hòa Bình hôm nay.

(HBĐT) - Trong lịch sử phát triển nhân loại có những vấn đề không hẹn mà gặp và dường như có sự chọn lọc ngẫu nhiên lại đẹp như mơ! Đó là 3 sự kiện lớn diễn ra liền kề trong khoảng thời gian 9 năm gần cuối thế kỷ XX (1986 - 1995): Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đề xướng và quyết định đổi mới cơ chế quản lý kinh tế: xóa bỏ quan liêu bao cấp để chuyển sang hạch toán kinh tế (tự chủ) xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 9, ngày 12/8/1991 đã quyết định chia tách một số tỉnh hợp nhất trước đây, trong đó chia tách tỉnh Hà Sơn Bình thành tỉnh Hòa Bình và Hà Tây; giữa năm 1995, Tổng thống Mỹ Bin - Clin - Tơn tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.         

 

Theo cảm nhận của tôi 3 sự kiện trọng đại nói trên có thể ví như 3 luồng gió mới thổi cùng chiều mang tính tích cực tạo thành sức mạnh thúc đẩy lẫn nhau phát triển, trước hết là thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng XĐ -GN, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng kéo dài sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nay đã đứng trong tốp các nước đang phát triển và hướng tới nền kinh tế CNH -HĐH đất nước vào thập kỷ 20 của thế kỷ XXI.

Tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22/6/1886, lấy tên là tỉnh Mường, tháng 10/1991 được tái lập sau 15 năm hợp nhất với tỉnh Hà Tây (năm 1976) thành tỉnh Hà Sơn Bình để làm ăn lớn. Nhưng cái lớn cứ ẩn dấu lâu ngày không chịu xuất hiện, trong khi cái đói, cái nghèo cứ bám dai dẳng lấy chữ bình là từ đứng cuối trong cụm từ Hà Sơn Bình. Khi được Quốc hội quyết định cho nhận trở lại tên Hòa Bình thì mọi người dân và cán bộ Hòa Bình hồ hởi phấn khởi có cơ hội phát huy và khai thác mọi tiềm năng vốn có về lao động và tài nguyên thiên nhiên của Hòa Bình. Không ai hiểu Hòa Bình bằng chính con người Hòa Bình.

 

Thực trạng của Hòa Bình khi được tái lập

 

Ngày 1/10/1991, tỉnh Hòa Bình bắt đầu làm việc, lúc này khó khăn chồng chất khó khăn: Trụ sở làm việc cũ đã giao lại cho các cơ sở sử dụng, nay đã xuống cấp, nếu lấy lại thì phải có thời gian và kinh phí để sửa chữa hoặc trước đã giao hẳn cho chủ sở hữu khác sử dụng, nay không còn nữa thì phải tìm chỗ để có nơi làm việc. Phương tiện làm việc quá thiếu (khi hợp nhất tỉnh thì vận chuyển cả đồ gỗ về xuôi, khi tách tỉnh trở về tay không) trong khi kinh phí mua sắm phương tiện, đồ dùng làm việc chỉ được tỉnh Hà Sơn Bình chia cho tỉnh Hòa Bình 70 triệu đồng. Do vậy, Văn phòng HĐND và UBND tỉnh cũng như các ngành thuộc dự toán ngân sách tỉnh sử dụng số kinh phí này chỉ được dưới 10% nhu cầu tối thiểu. Các Phó Chủ tịch HĐND và UBND tỉnh chỉ được trang bị 1 bàn, 1 ghế, 1 tủ bằng gỗ tạp để làm việc và 1 quạt trần treo giữa phòng. Phương tiện đi công tác là xe Uwat của Liên Xô, khi được cử về Hà Nội dự hội nghị tại Hội trường Ba Đình thì sân bãi để xe chỉ duy nhất có 1 chiếc xe mui bạt của đại biểu Hòa Bình, còn lại toàn là TOYTA bóng loáng.

 

Về tình hình kinh tế, đời sống của nhân dân trong tỉnh: Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính chất tự cấp, tự túc và phụ thuộc vào thiên nhiên, thâm canh yếu kém, năng suất lúa và hoa màu thấp, hàng hóa nông sản ít ỏi, sản lượng lương thực năm 1989 đạt cao nhất cũng chỉ có 15, 3 vạn tấn, 2 năm tiếp theo do thiên tai nên sụt mất 3 vạn tấn. Do vậy, đời sống nhân dân gặp khó khăn, đói kém. Rừng phá hết làm lương thực vẫn đói nghèo không thoát, đất trống, đồi trọc còn nhiều, rừng chặt phá nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và phòng hộ sông Đà.

 

Sản xuất CN -TTCN quy mô còn nhỏ bé, chất lượng chưa cao, chưa phát huy được thế mạnh về chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng còn ít, chiếm trên 50% xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, có một số cơ sở bị phá sản như Cơ khí 3/2, vôi đá Bình Thanh, mỏ than Đồi Hoa ngừng sản xuất, mỏ than Vọ kém  phát triển.

 

Trong phân phối lưu thông, trước cơ chế mới, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển nhanh, hàng hóa phong phú làm cho thương nghiệp quốc doanh, lương thực, vật tư chao đảo khi chuyển sang hạch toán kinh tế, khó vượt lên và bị thua lỗ, các HTX mua bán xã, phường ngừng hoạt động.

 

Ngân sách tỉnh mất cân đối nghiêm trọng, thu chỉ đảm bảo khoảng hơn 60% nhu cầu chi. Năm 1992, thu ngân sách Nhà nước được 90 tỷ đồng, năm 1993, kế hoạch thu là 100 tỷ đồng thấy cao; tín dụng cũng kém phát triển, nguồn thu tiền gửi tiết kiệm hạn chế, do vậy, nguồn vốn cho vay còn dè dặt. Năm 1993 đặt kế hoạch dư nợ cuối năm 60 tỷ đồng vẫn không đạt được. Tiền mặt thu không đáp ứng nhu cầu chi, phải xin Ngân hàng T.Ư  viện trợ.

 

Tỷ lệ dân số phát triển quá cao gây sức ép về đời sống và việc làm, nhất là ở thị xã, hộ nghèo đói ở nông thôn hơn 35%. Những người sống bằng trợ cấp và lương thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu.

 

Một số chủ trương, giải pháp cấp bách và lâu dài

 

Đứng trước tình hình khó khăn nói trên, lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền tỉnh với quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu, đề ra một số chủ trương và giải pháp trước mắt và lâu dài là:

 

1 - Giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt: Xin kinh phí mua sắm bổ sung phương tiện làm việc cho cán bộ các cơ quan trong tỉnh. Xin vốn lưu động bổ sung hỗ trợ cho những công ty, đơn vị thiết yếu có khả năng khôi phục và phát triển, làm ăn có lãi.

 

Hai việc trên, tôi và đồng chí Giám đốc Sở Tài chính đã trực tiếp về Bộ Tài chính làm việc với Vụ Ngân sách địa phương và gặp Bộ trưởng Hồ Tế, kết quả là tỉnh được cấp 700 triệu đồng để trang bị phương tiện làm việc và 1 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động cho những đơn vị cần thiết. Nhờ đó mà các cơ quan trong tỉnh có thêm phương tiện làm việc. Trước khi giải quyết bổ sung vốn lưu động, tôi đã trực tiếp đến kiểm tra nắm tình hình sản xuất và vốn còn lại từng đơn vị, xí nghiệp và công ty, thăm các cửa hàng thương nghiệp các huyện và khu vực. Những đơn vị được duyệt cấp bổ sung vốn lưu động sau này đều SX -KD có hiệu quả, có dáng đứng vững vàng và phát triển đến ngày nay. Đó cũng là một bước sắp xếp tổ chức lại SX -KD đối với kinh tế quốc doanh vào thời điểm khó khăn sau tái lập tỉnh.

 

Riêng tiền mặt, những năm đầu, các nguồn thu  trên địa bàn yếu kém do hàng hóa chưa phát triển nên phải xin Ngân hàng T.Ư tiếp viện mới đủ chi cho các nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng cơ bản, tiền lương cán bộ và chi quốc phòng. Hàng tháng phải họp với các ngân hàng, kho bạc để giải quyết điều hòa tiền mặt.

 

2 - Chủ trương giải pháp về cơ bản và lâu dài.

 

Dựa trên những chủ trương của T.Ư và căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Tỉnh ủy Hòa Bình đã nhạy bén đề ra các biện pháp chỉ đạo kịp thời cho từng thời gian nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Khái quát lại các vấn đề then chốt và trọng tâm chỉ đạo là: Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, CN-TTCN, nhất là nông nghiệp chế biến. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật. Giải quyết việc làm và hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số. Nâng cao kiến thức văn hóa và khoa học kỹ thuật công nghệ; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có tay nghề làm ra sản phẩm có giá trị cao. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nâng mức thu nhập bình quân đầu người, giảm hộ nghèo, phấn đấu xây dựng nhà ở khang trang, có phương tiện nghe nhìn và phương tiện giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường học, trạm xá, kiên cố hóa kênh mương, hồ, đập đủ nước tưới tiêu, thanh toán hộ đói trước năm 2000.

 

Tỉnh đề ra các biện pháp đồng bộ: Nhất là về tư tưởng: Phải xuyên suốt quan điểm sản xuất hàng hóa, chỉ có kinh tế hàng hóa, có sản phẩm hàng hóa mới đem lại thu nhập cao và xóa được đói nghèo. Vào thời điểm tái lập tỉnh, diện tích lúa chỉ có 28.000 ha, năng suất thấp nên phải đẩy mạnh thâm canh. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào cây lúa thì không thể làm giàu được nên phải đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, lấy lâm nghiệp làm thế mạnh, tăng giá trị thu nhập từ 30-50 triệu đồng /ha. Đưa tiến bộ KH -KT vào trồng trọt và chăn nuôi để nhanh chóng phấn đấu đạt sản lượng lương thực lên 16 vạn tấn năm 1992, 20 vạn tấn năm 1995. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm thành sản phẩm hàng hóa... Chế biến gỗ thành sản phẩm hàng hóa như: Đồ gia dụng, giấy, ván ép, bao bì... Phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi, trồng dưa và mía... để cung cấp cho thị trường. Mở cửa các dịch vụ, lớp dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển du lịch, khách sạn...

 

Cảm nhận sự đổi mới và phát triển sau 24 năm tái lập tỉnh Hòa Bình

 

Vào giai đoạn 1991-1993, khi còn làm việc, tôi không thể hình dung nổi sự đổi mới và phát triển của tỉnh nhà về KT -XH đến mức độ lớn như ngày hôm nay sau gần1/4 thế kỷ tái lập tỉnh. Những nét nổi bật mà tôi cảm nhận được là:

 

Về xây dựng cơ sở vật chất: Nhà cửa công sở, nhà máy, cửa hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trung tâm huyện, thành phố, thị trấn, thị tứ và hộ nhân dân từ đô thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu... mọc lên từng ngày làm thay đổi bộ mặt làng xóm, phố phường bởi những công trình xây dựng kiên cố, khang trang, cao đẹp; điện lưới quốc gia đã đến 100% xã, phường, thị trấn 94,4% hộ gia đình; đường ô tô đến khắp các xã và phần lớn các xóm, kể cả xóm đồng bào Dao, Mông ở vùng núi cao; có 98,8% phòng học kiên cố và bán kiên cố.

 

Về nông nghiệp: Sản lượng lương thực từ 15,3 vạn tấn năm 1989 nay đạt 36,2 vạn tấn năm 2015, độ che phủ đồi rừng 48,8%, đặc biệt có 16% xã đạt tiêu chí NTM.

 

Về công nghiệp: Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh về chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm... thu hút được 60 dự án đầu tư các KCN, có 18 dự án FDI, trong đó 70% dự án đã đi vào sản xuất. Ngoài ra đã hoàn thành quy hoạch 8 khu, 16 cụm công nghiệp, trong đó đáng kể nhất là khu công nghiệp Lương Sơn đã lấp đầy 74% diện tích, khu công nghiệp bờ trái sông Đà lấp đầy 63% diện tích đất công nghiệp.

 

Về thương mại: Từ đô thị đến thị trấn nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao đâu đâu cũng sầm uất, hàng hóa phong phú, tràn ngập, các đối tượng tiêu dùng tha hồ lựa chọn, hàng hóa vượt sức mua của mọi người.

 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt bình quân đầu người hàng năm 9,1%... Giá trị GRDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 36, 5 triệu đồng, cao hơn mức trung bình khu vực miền núi phía Bắc 10,5 triệu đồng và bằng 82% GDP bình quân đầu người cả nước. Thu ngân sách Nhà nước năm 2015 ước đạt 2.250 tỷ đồng, gấp 25 lần năm 1992; xuất khẩu 180 triệu USD, nhập khẩu 80 triệu USD. Cả xuất và nhập đều vượt kế hoạch, có bước nhảy vọt về giá trị tuyệt đối - con số này khi mới tái lập tỉnh không ai nghĩ tới. Đã phấn đấu giảm hộ nghèo từ trên 30% xuống còn 13,7% năm 2015, đây là thành tựu quan trọng, là mục tiêu và sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu 24 năm qua. Giải quyết việc làm bình quân 15.200 lao động /năm, số lao động thất nghiệp chỉ còn 3,7%, tỷ lệ lao động qua đào tạo 55%, cán bộ, viên chức có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng nhiều.

 

Những con số đạt được trên đây là sự nỗ lực của Đảng bộ tỉnh qua 5 nhiệm kỳ Đại hội (từ Đại hội XI đến Đại hội XV), kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ trước tiền đề cho nhiệm kỳ sau tiếp tục phát triển. Đó cũng là thể hiện nổi bật sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cùng việc tái lập tỉnh và hội nhập kinh tế toàn cầu sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, kinh tế trong tỉnh bước đầu có yếu tố kinh tế nước ngoài.

 

Tôi rất kỳ vọng vào BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhất là các đồng chí trong BTV và Thường trực Tỉnh ủy đầy sung lực, tâm huyết, kiến thức, trí tuệ và trách nhiệm đồng đều, đoàn kết thành sức mạnh lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhằm đưa nền KT -XH tỉnh nhà tiến lên một bước mới, rút ngắn khoảng cách về KT -XH giữa Hòa Bình với các tỉnh miền xuôi.

 

 

                                            Bùi Kim Thanh

          (Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 1991-1993)

 

 

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục