Nhiều lao động đến tìm việc làm và học nghề tại phiên giao dịch việc làm thành phố Hòa Bình năm 2016.
(HBĐT) - Trao đổi với chúng tôi về công tác giải quyết việc làm của tỉnh, đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Năm 2016, chỉ tiêu giải quyết việc làm được HĐND tỉnh giao 16.150 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động 350 người, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức dưới 3,3%. Cơ cấu lao động nông- lâm nghiệp, thủy sản 66,8%, công nghiệp - xây dựng 12,3%. Từ đầu năm đến nay, công tác giải quyết việc làm có nhiều tín hiệu khả quan, chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Không nhất thiết học đại học, cao đẳng vẫn có việc làm
Đó là nhận thức mới của phần lớn học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Nhờ định hướng nghề nghiệp từ nhà trường và các ngành chức năng cũng như thực tế hiện nay, nhiều người tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường khó tìm kiếm việc làm. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ khá phổ biến. Theo thống kê của ngành GD&ĐT tỉnh, trong số trên 9.040 thí sinh tỉnh ta tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 có tới 6.052 em đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm tỷ lệ 66,9% và chỉ có 2.988 em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 33,1%. Theo đồng chí Ngô Ngọc Thu, với gần 70% học sinh không có nguyện vọng học đại học, cao đẳng mà chỉ xét tuyển tốt nghiệp THPT hứa hẹn sẽ là lực lượng lớn có nhu cầu tham gia thị trường lao động trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.
Chúng tôi gặp em Nguyễn Thị Chung ở xóm 2, xã Sủ Ngòi tại phiên giao dịch việc làm thành phố Hòa Bình vừa được tổ chức. Chung tâm sự: Em vừa thi tốt nghiệp THPT và không đăng ký thi đại học, cao đẳng. Mặc dù chưa biết điểm, nhưng em vẫn đến phiên giao dịch việc làm mong được tư vấn để tìm được việc làm hay học nghề phù hợp. Nguyện vọng của em là tìm được công việc có thu nhập ổn định tại một doanh nghiệp nào đó trên địa bàn thành phố cho gần nhà. Đây không chỉ là mong muốn của cô Chung mà là nguyện vọng của hầu hết học sinh mới tốt nghiệp THPT không có nhu cầu học đại học, cao đẳng.
Hơn thế nữa, hiện nay, ngoài các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, thị trường Hàn Quốc đã mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam trở lại, trong đó có tỉnh ta. Hiện nay, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang mở lớp dạy tiếng Hàn Quốc cho gần 100 học viên. Nếu thi tiếng Hàn đỗ sẽ được làm hồ sơ tham gia xuất khẩu lao động ở đất nước kim chi và hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao cho nhiều lao động tỉnh ta.
Đa dạng hình thức tạo việc làm cho người lao động
Triển khai công tác giải quyết việc làm năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương điều tra cung - cầu lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động, trên cơ sở đó định hướng người lao động tìm việc làm, học nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã giới thiệu các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn về các huyện, thành phố trong tỉnh. Sở LĐ-TB&XH đã giới thiệu 31 doanh nghiệp về các huyện, thành phố để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn, Lạc Sơn và 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đến làm việc trực tiếp với người lao động ở 4 xã của huyện Kỳ Sơn, 2 cụm xã của huyện Lạc Sơn tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động. Phát miễn phí gần 1.000 tờ rơi để tuyên truyền về công tác giải quyết việc làm. Trong 6 tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã mở 8 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 54 lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tuyển dụng lao động. Qua các phiên giao dịch đã có trên 700 lao động được tư vấn về việc làm và học nghề 154 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp. Thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 859 người lao động tại Trung tâm và 3 Văn phòng Bảo hiểm thất nghiệp đặt tại các huyện. Phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Cao Phong và trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hòa Bình tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 732 lao động, số lao động tìm được việc làm và học nghề 270 người. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 8.800 lao động, đạt 54,15% so với kế hoạch năm. Trong đó, ngành công nghiệp 2.950 người, nông nghiệp 3.200 người, thương mại - dịch vụ 2.650 người. Các công ty tuyển dụng nhiều lao động là Công ty TNHH SAMSUNG 986 lao động, Công ty TNHH CANON Việt Nam 354 lao động, Công ty TNHH Goer Tek Vi Na (KCN Bắc Ninh) 366 lao động, xuất khẩu lao động 124 người. Thông qua quỹ quốc gia giải quyết việc làm 280 người
Theo đồng chí Ngô Ngọc Thu, với những kết quả đã đạt được trong công tác giải quyết việc làm những tháng đầu năm cùng với những tín hiệu khả quan của tỷ lệ lớn học sinh tốt nghiệp THPT sẽ tham gia thị trường lao động cùng với xuất khẩu lao động, chắc chắn chỉ tiêu việc làm của tỉnh sẽ vượt chỉ tiêu HĐND giao. Tuy nhiên, chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu nếu cố gắng cũng chỉ đạt vì hiện nay một số địa phương vẫn chủ trương phát triển nông nghiệp là cây có múi thu hút nhiều lao động. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm năm 2016 không được cấp bổ sung nên mặc dù người dân có nhu cầu nhưng khả năng đáp ứng còn hạn hẹp. Trong những tháng cuối năm, các ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp đến các cụm xã có đông lao động, đặc biệt là số học sinh mới tốt nghiệp THPT để tuyên truyền, tư vấn đối thoại trực tiếp với người lao động về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó sẽ tập trung vận động người lao động chuyển dịch nghề nghiệp từ những việc có tính rủi ro cao, thu nhập thấp sang công việc có thu nhập, việc làm ổn định.
Hương Lan
(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kim Bôi lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 có đề ra mục tiêu phấn đấu: đến năm 2020, huyện phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa và du lịch chất lượng cao. Đảm bảo mức thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5%/năm. Xác định rõ để đạt được kết quả này cần phải có hướng đi, cách làm cụ thể và phải có sự chỉ đạo sát sao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, huyện Kim Bôi xây dựng lộ trình triển khai có trọng tâm, trọng điểm.
(HBĐT) - Hội LHPN huyện Đà Bắc vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, UBND xã Mường Chiềng, Công ty CP giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình giống lúa Nhật Japonica (JO2) trồng thử nghiệm tại Chi hội phụ nữ xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa có Quyết định số 1417 về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2016 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo đó, tổng vốn sự nghiệp phân bổ 32,5 tỷ đồng, hỗ trợ 7 nội dung.
(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, huyện Kỳ Sơn có 2/9 xã là Hợp Thịnh, Mông Hoá đạt 19 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt 16 tiêu chí, 5 xã đạt từ 8-15 tiêu chí. Năm 2016 là năm đầu tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, huyện chủ trương tập trung nguồn lực, tích cực triển khai các chương trình, dự án lồng ghép phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.
(HBĐT) - Trong những năm qua, công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh ta luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao, sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đáng chú ý, trong cơ cấu thu NSNN, các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư Nhà nước khối T.Ư và địa phương luôn đạt được kết quả nổi bật, đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH của tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 2/8, UBND huyện Kim Bôi tổ chức họp bàn thống nhất nội dung chương trình tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể nhãn Sơn Thuỷ. Tham dự có lãnh đạo Sở KHCN, Sở NN&PTNT, Liên minh HTX.