(HBĐT) - Trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh ta đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, việc nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình đã và đang phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm. ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước. Ngoài ra, do lưu lượng nước thay đổi liên tục nên môi trường nuôi cá trên lòng hồ sạch hơn, cá ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao. Vì vậy có nhiều mô hình nuôi cá lồng thành công như cá trắm cỏ, rô phi đơn tính, một số loại đặc sản như chiên, ngạnh, bỗng… bước đầu đã mang lại hiệu quả, giải quyết khó khăn về kinh tế và tạo việc làm tại chỗ cho nông ngư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của các xã vùng hồ Hòa Bình.

 

 

HTX nông, lâm nghiệp xã Thống Nhất, TP Hòa Bình phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều xã viên.

 

Khai thác tiềm năng...

 

Gia đình bà Trần Thị Tuyến ở xóm Tháu, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình có đất vườn và đất đồi trồng nhiều loại cây ăn quả như na, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc và phát triển nuôi lợn, gà cho thu nhập khá. Cuối năm 2015, gia đình bà đầu tư nuôi 2 lồng cá trên lòng hồ Hòa Bình với các giống: trắm cỏ, trắm đen, rô phi đơn tính, lăng. Sau 6 tháng chăm sóc, 2 lồng cá cho thu hoạch 6 tạ cá, thu về 40 triệu đồng. Gia đình bà đã được hỗ trợ 40 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015-2020. Theo bà Tuyến, nuôi cá lồng theo hướng bán công nghiệp đã khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, thời gian tới, gia đình bà có hướng đầu tư thêm lồng nuôi cá.

 

HTX dịch vụ SX-KD nông, lâm nghiệp xã Thống Nhất, TP Hòa Bình có 28 hộ thành viên, ngoài sản xuất cây giống nông, lâm nghiệp còn cung ứng và tư vấn nuôi thuỷ sản cho nhiều mô hình dự án ở các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Sơn La, Ninh Bình. Hiện, HTX ương nuôi cá giống tại khu vực xóm Tháu, xã Thái Thịnh thuộc vùng hồ Hòa Bình với 33 lồng cá chủ yếu ương nuôi các giống cá trắm cỏ, trắm đen, trê phi, ngạnh, lăng... Mỗi năm, HTX cung ứng từ 10-15 vạn con cá giống, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Chủ nhiệm HTX Ngô Văn Thuấn cho biết: Vùng hồ Hoà Bình rất phù hợp cho phát triển nghề nuôi cá lồng, do đó, HTX mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu, bổ sung những tiến bộ KH-KT vào chăn nuôi cá lồng bè, đồng thời xây dựng đội ngũ kiểm ngư, thành lập hội đồng quản lý nghề cá, nghiên cứu một số cá quý có sẵn và xu hướng phát triển tự nhiên tại hồ Hoà Bình. 

 

... Để phát triển bền vững

 

Theo thống kê, năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 2.317 lồng, đến tháng 10/2016 đã phát triển lên 4.200 lồng với sản lượng đạt khoảng 3.700 tấn cá/năm, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1.000 lao động. Để khai thác tiềm năng mặt hồ, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, hỗ trợ người dân sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình giai đoạn 2015-2020. Phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ Hòa Bình với một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và tăng trưởng bền vững ngành thủy sản. Hình thành mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2020, số lồng nuôi cá trên vùng hồ Hòa Bình có 3.500 lồng (nhưng đến nay đã vượt chỉ tiêu) tương đương 85.000 m3, sản lượng nuôi khai thác đạt 5.600 tấn, tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động. Duy trì và phát triển mạnh mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ khuyến khích, phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ Hoà Bình giai đoạn 2015-2020, hỗ trợ sau đầu tư kinh phí 5.980 triệu đồng cho 201 hộ dân nuôi cá ở các xã: Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân (Mai Châu) và xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình với tổng số 278 lồng cá cho tổng thể tích thực hiện 18.976,5 m3. Các hộ nuôi cá lồng ở huyện Mai Châu và TP Hòa Bình đã nhận đủ số tiền hỗ trợ sau đầu tư theo đăng ký ban đầu để yên tâm phát triển sản xuất.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập, duy trì và mở rộng hình thức nuôi, khai thác, tạo việc làm thu hút lao động. Do đó, quan điểm của tỉnh là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động để người dân có đầy đủ thông tin về hiệu quả của nuôi cá lồng bè, yên tâm gắn bó với nghề. Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi, cập nhật, chuyển giao kỹ thuật làm lồng mới cho người dân để tăng hiệu quả, giảm bớt ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh cho cá; quản lý chặt các hoạt động về cung cấp giống, thức ăn, xử lý các trường hợp dịch bệnh, thiên tai, chú trọng bảo vệ môi trường nước. Hỗ trợ các cơ sở (hộ, nhóm hộ, HTX, trang trại) nuôi thủy sản bằng lồng bè có quy mô 50 m3 trở lên thuộc vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung được UBND tỉnh phê duyệt được hỗ trợ một lần 50% chi phí đầu tư/lồng nuôi với mức hỗ trợ 25 triệu đồng, tối đa không quá 80 triệu đồng/hộ/năm.

 

 

 

                                                                       Đinh Thắng

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại huyện Cao Phong

(HBĐT) - Vốn đầu tư ít, quay vòng đồng vốn nhanh là những ưu điểm vượt trội mà mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học do Trạm KN-KL huyện Cao Phong triển khai thực hiện trong năm 2016. Mô hình đã khuyến khích người dân phát triển nuôi gà theo hướng an toàn, hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đó là khẳng định của đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.

Thẩm định nhu cầu sử dụng đất của 124 dự án

(HBĐT) - Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, năm 2016, tỉnh đã thẩm định nhu cầu sử dụng đất của 124 dự án; thu hồi, giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh diện tích thuê đất, thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cho 75 tổ chức với diện tích 352,19 ha; thu hồi 35,81 ha đất do vi phạm pháp luật của 3 tổ chức; cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận bổ sung tài sản cho 134 tổ chức với diện tích 296,02 ha; ký hợp đồng thuê đất mới cho 32 tổ chức với diện tích 458,87 ha; xác định đơn giá thuê đất cho 177 tổ chức để làm căn cứ hợp đồng thuê đất theo quy định.

Hỗ trợ 10 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do bão, mưa lũ

(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 115 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.ư năm 2016 để hỗ trợ 10 địa phương thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều… thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2016. Trong đó, tỉnh ta được hỗ trợ 10 tỷ đồng.

Trên 185 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình xây dựng NTM

(HBĐT) - Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2016, tỉnh ta được ngân sách T.ư hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 185,4 tỷ đồng.

Huyện Đà Bắc nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

(HBĐT) - Đà Bắc thuộc diện huyện nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Chính phủ. Toàn huyện có 19 xã và 1 thị trấn, trong đó có tới 14 xã thuộc khu vực III, 5 xã khu vực II. Cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 46,14% tỷ trọng; hơn 80% dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 chiếm 66,68%. Cùng đó, việc áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều dẫn đến số lượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể.

Xây dựng nông thôn mới năm 2016: Hành trình về đích nhiều gian nan

(HBĐT) - Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, diện mạo nông thôn tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đời sống của người dân từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, tại các địa phương, việc xây dựng NTM vẫn là “bài toán” khó vì mức hoàn thành các tiêu chí còn khá thấp, nhất là đối với 12 xã đăng ký về đích năm 2016, dự kiến có 6 xã có khả năng đạt chuẩn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục