(HBĐT) - Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, đẩy mạnh hoạt động thương mại - dịch vụ, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang được các huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khả quan.
Thành phố Hòa Bình đã tranh thủ và huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế nước ngoài trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương mại được triển khai, diện mạo dịch vụ thương mại của thành phố đã có bước tiến vượt bậc. Hệ thống chợ đã và đang được đầu tư nâng cấp, vận hành khá hiệu quả. Trung tâm thương mại bờ trái sông Đà đang từng bước được lấp đầy. Các siêu thị: Vì Hòa Bình, Anh Kỳ, Hoàng Sơn đã phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển mạnh. Hàng năm, doanh thu lĩnh vực thương mại dịch vụ lên tới trên 6.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 55% trong cơ cấu kinh tế.
Trung tâm thương mại bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) trở thành điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Tại nhiều huyện như Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn… đã quan tâm huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại, các chợ trung tâm huyện lỵ và chợ cụm xã, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 93 chợ, trong đó 1 chợ hạng I, 3 chợ đầu mối, 7 chợ hạng II và 82 chợ hạng III. Chợ thành thị có 23 chợ, chợ nông thôn có 70 chợ. Cùng với một số siêu thị và trung tâm thương mại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT -XH của tỉnh.
Trong quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu: Từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng kết hợp giữa phát triển thương mại tại khu vực đô thị với phát triển thị trường nông thôn, phát triển các chợ đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Hòa Bình và các trung tâm huyện có kinh tế phát triển trên địa bàn tỉnh…
Đối với hệ thống chợ tập trung, huy động các nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp, xã hội đầu tư xây dựng chợ đầu mối bán buôn nông sản tại vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới chợ hạng I hoặc hạng II tại thành phố, trung tâm huyện; cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ dân sinh có quy mô hạng III ở địa bàn xã.
Đến năm 2020, xây dựng mới 24 chợ (1 chợ đầu mối nông sản, 2 chợ hạng II, 21 chợ hạng III), nâng cấp, cải tạo 34 chợ (3 chợ hạng II, 31 chợ hạng III), giải tỏa chuyển mục đích sử dụng 1 chợ hạng III khu vực thành phố Hòa Bình. Đến năm 2025, chuyển đổi mục đích sử dụng 2 chợ hạng II khu vực thành phố Hòa Bình; đầu tư xây dựng 1chợ hạng I tại thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn; phát triển thêm mạng lưới chợ hạng III tại các xã chưa có chợ, phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn tỉnh có từ 150 - 160 chợ. Đến năm 2020, xây dựng 2 trung tâm thương mại (1 trung tâm thương mại hạng II tại thành phố Hòa Bình, 1 trung tâm thương mại hạng III tại huyện Lương Sơn), xây dựng 1 trung tâm mua sắm hạng III tại thành phố Hòa Bình; xây dựng mới 5 siêu thị tổng hợp hạng II tại các huyện: Lương Sơn, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi; xây dựng mới 3 siêu thị tổng hợp hạng II tại các huyện: Cao Phong, Yên Thủy, Mai Châu; 12 siêu thị hạng III tại các huyện: Đà Bắc, Kỳ Sơn, Mai Châu, Lạc Thủy... Phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm mang tính liên kết vùng tại TP Hòa Bình và một số huyện như Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong) và tại vùng kinh tế phía đông và nam tỉnh (huyện Kim Bôi - Nam Lạc Thủy - Yên Thủy - Lạc Sơn), góp phần phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Cùng với phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, tỉnh khuyến khích phát triển hạ tầng thương mại điện tử góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Đồng chí Trần Ngọc Mai, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Để thực hiện mục tiêu này, trong lúc nguồn lực ngân sách hạn chế, tỉnh chủ trương huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế nước ngoài trong đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại, các dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
(HBĐT) - Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kỳ Sơn vừa tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động quý I, triển khai công tác quý II.
(HBĐT) - Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế huyện Lương Sơn vừa tổ chức hội nghị triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư (TDĐT) của Nhà nước. Nghị định quy định rõ đối tượng, điều kiện và lãi suất cho vay.
(HBĐT) - Tỉnh ta đang sở hữu những tài nguyên du lịch phong phú là những tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Hòa Bình có nền văn hóa lâu đời, từng được đến là cái nôi của người Việt cổ có nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng với 4 Mường: Bi, Vang, Thàng Động. Vùng đất Hòa Bình cũng có nhiều truyền thuyết độc đáo và hấp dẫn như: Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”, truyền thuyết ông Đùng, bà Đùng, Út Lót - Hồ Liêu...
(HBĐT) - Khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện lý tưởng cho nông dân xã Quyết Chiến (Tân Lạc) phát triển những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, trong đó có cây su su. Tận dụng lợi thế đó, trồng su su đang phát triển mạnh ở hầu khắp các thôn, xóm trên địa bàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
(HBĐT) - Ngày 13/4, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động quý I, triển khai công tác quý II.