(HBĐT) - Khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện lý tưởng cho nông dân xã Quyết Chiến (Tân Lạc) phát triển những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, trong đó có cây su su. Tận dụng lợi thế đó, trồng su su đang phát triển mạnh ở hầu khắp các thôn, xóm trên địa bàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Với diện tích 0,5 ha, những giàn su su của gia đình chị Bùi Thị Din, xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Cây su su “bén duyên” với người dân xã Quyết Chiến từ năm 2008 với vài hộ trồng thử nghiệm do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (Sở KH&CN) đầu tư với diện tích khoảng 0,5 ha. Sau 3 tháng trồng, cây phát triển nhanh ngoài mong đợi và được nhiều người dân trong vùng ưa chuộng. Đến nay, diện tích cây su su tại xã Quyết Chiến đã được nhân rộng lên 48 ha, tập trung chủ yếu ở các xóm: Biệng, Bắc Hưng, Cá… Hộ trồng nhiều có 1-2 ha, hộ trồng ít cũng khoảng 500 m2.
Đến thăm vườn su su của anh Bùi Thanh Hải, xóm Biệng, một trong những người trồng su su đầu tiên tại xã, anh cho biết: “Những giàn su su đã làm thay đổi kinh tế gia đình tôi. Từ những diện tích lúa, ngô kém hiệu quả đều được tôi chuyển sang trồng su su. Hiện giờ, gia đình đã trồng được 1,5 ha su su, 1 tháng cho thu hoạch 3 lần, mỗi lần được khoảng 5 tấn ngọn. Với giá bán 5.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình thu khoảng 250 triệu đồng”. Mô hình trồng su su lấy ngọn không chỉ giúp nhiều người tăng thêm thu nhập mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp giải quyết được cái nghèo ở xã.
Về kinh nghiệm trồng su su, chị Bùi Thị Din, xóm Biệng, trồng 0,5 ha su su cho biết: “Cây su su tương đối dễ trồng, không cần tưới nhiều nên phù hợp với điều kiện địa hình đồi núi của xã. Nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, cây sinh trưởng và phát triển mạnh. Điều quan trọng nhất là su su chúng tôi trồng đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Mỗi năm, gia đình tôi thu được hơn 100 triệu đồng từ bán ngọn su su”.
Nhờ sự nỗ lực của người dân và chính quyền xã, rau su su xã Quyết Chiến dần có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người biết đến. Năm 2013, sản phẩm ngọn su su được chứng nhận mô hình “Sản xuất rau su su an toàn”. Đồng chí Bùi Quang Đạo, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết: Trồng su su lấy ngọn đang là hướng đi đúng và trở thành cây mũi nhọn của xã. Trong thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng diện tích trồng su su. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm tạo điều kiện để nhân dân yên tâm phát triển kinh tế góp phần khẳng định thương hiệu rau, củ, quả sạch tại 5 xã vùng cao huyện Tân Lạc.
Hoàng Anh
(HBĐT)- Sáng 13/4, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã tổ chức họp quý I năm 2017. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện chủ trì buổi họp.
(HBĐT) - Lạc Sơn là huyện có địa bàn rộng, trong đó 13 xã là vùng ở đầu nguồn sông Bưởi, địa thế hiểm trở, hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất. Nhưng đa số công trình thủy lợi xây dựng từ lâu nên xuống cấp, nguy cơ mất an toàn khi mưa lũ lớn. Các tổ mối và động vật đào hang xâm hại, hiện tượng bồi lắng, xói lở đất đã ảnh hưởng lớn đến công trình thuỷ lợi và công tác phòng - chống thiên tai hàng năm.
(HBĐT) - Những ngày vừa qua, lực lượng liên ngành gồm: Cục Thuế tỉnh, Chi cục Đo lường chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp đồng loạt triển khai trên toàn tỉnh dán tem chống gian lận xăng, dầu. Việc dán tem những ngày đầu được các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn phối hợp và tạo điều kiện khá thuận lợi. Doanh nghiệp, người dân trong tỉnh cũng đồng tình với chủ trương dán tem của lực lượng liên ngành.
(HBĐT) - ông Hà Văn Chiến (Cao Phong) hỏi: Đề nghị cho biết hoạt động kinh tế của Nhà nước đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN) như thế nào?
(HBĐT) - Thống Nhất là xã vùng ven thành phố Hoà Bình, từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả cao.
(HBĐT) - Theo NHCSXH tỉnh, từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay chương trình giải quyết việc làm (GQVL) theo Nghị định số 61/2015 đạt 3.524 tỷ đồng với 135 lượt khách hàng vay vốn.