Theo thống kê của Bộ Công thương, trong ba năm trở lại đây có khoảng 40 doanh nghiệp (DN) kinh doanh đa cấp (KDĐC) bị rút giấy phép hoạt động. Dù đã có quy định sau khi dừng hoạt động 90 ngày, các DN này phải giải quyết quyền lợi cho toàn bộ người tham gia vào hệ thống. Tuy nhiên, góp tiền vào đa cấp thì dễ, nhưng thực tế để rút được tiền ra khi DN dừng hoạt động không hề đơn giản. Không ít DN đột ngột đóng cửa, cắt đứt mọi liên lạc, khiến nhiều người không biết đòi tiền ở đâu.
Các thành viên đứng trước trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại Hà Nội để chờ tới lượt vào giao dịch. Chỉ là lời hứa Nghe theo lời một người bạn, năm 2015, ông Lê Minh Hùng (quê Hưng Yên) đã đầu tư 80 triệu đồng tiền tích cóp từ lương hưu vào Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) để mua 10 mã kinh doanh. Theo lời hứa hẹn, chỉ sau một năm sẽ hoàn vốn, ngoài ra nếu đầu tư lâu sẽ được nhận hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Ông Hùng cho biết, ngay sau khi tham gia ông được nhận năm máy lọc ô-dôn có giá 8,7 triệu đồng/chiếc để đi bán lại. Đặc biệt, với mỗi mã kinh doanh, sau một năm ông sẽ nhận 10 triệu đồng lãi và năm tiếp theo là 16 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền lãi sau hai năm ông sẽ được nhận là 260 triệu đồng, còn số tiền gốc được hứa vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, đến nay đã quá hai năm, tiền lãi vẫn chẳng thấy đâu mà tiền gốc cũng chưa được nhận lại. Vừa qua, biết thông tin TNMU ngừng KDĐC và chuyển mọi hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) cho Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm, không rõ với các mã kinh doanh đã mua sẽ được chuyển y nguyên sang hay phải bắt đầu lại từ đầu. Vì vậy để chắc ăn, nhiều lần ông Hùng chủ động tới xin thanh lý hợp đồng nhưng đều bị TNMU từ chối với lý do, tiền của ông đang nằm trong hệ thống do cấp trên quản lý cho nên chưa thể rút ra ngay và hẹn sau một đến ba tháng mới giải quyết do lượng người tới thanh lý rất đông. Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đến trụ sở của TNMU tại địa chỉ A6/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và nhận thấy nơi đây vẫn tấp nập người ra vào sau khi có thông tin công ty này xin dừng hoạt động KDĐC. Tuy nhiên, phần lớn những người tới đây là để thanh lý hợp đồng hoặc trả hàng, nhận lại tiền. Mệt mỏi, chán nản vì phải chờ đợi hàng giờ suốt mấy ngày trời mới tới lượt vào giao dịch để rồi lại thất vọng tay không quay trở ra, là tâm trạng chung của những người đến đây. Những thùng sản phẩm với giá tiền lên đến hàng chục triệu đồng liên tục được bê vào rồi lại bê ra. Việc khó khăn trong đòi lại tiền không chỉ riêng với những người tham gia vào mạng lưới của TNMU, hàng loạt công ty KDĐC khác trong thời gian qua cũng bị rút giấy phép hoạt động và đang “chây ỳ” hoặc né tránh không chịu trách nhiệm với người tham gia. Cầm trên tay 10 phiếu hoàn vốn là những gì Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam cung cấp cho bà Thanh (quê Đông Sơn, Thanh Hóa) khi đầu tư 100 triệu đồng vào công ty KDĐC này hồi đầu năm 2016. Theo lời bà Thanh, muốn trở thành thành viên của hệ thống, cần phải có ít nhất 10 triệu đồng tiền vốn để mua gói sản phẩm gồm 11 lọ thực phẩm chức năng. Sau đó, chỉ cần lôi kéo đủ 10 người khác mua hàng là sẽ được nhận một phiếu hoàn vốn 16 triệu đồng. Đặc biệt, nếu vận động được 100 người tham gia sẽ được làm trưởng nhóm và hưởng nhiều ưu đãi khác như tặng xe máy SH, tiền mặt,… Bà Thanh đã mua liên tiếp 10 gói sản phẩm với niềm tin chỉ sau sáu tháng, bà sẽ nhận được 160 triệu đồng tiền lãi cùng nhiều ưu đãi khác. Đến tháng 11-2016, biết tin công ty này bị rút giấy phép, quá bất ngờ bà Thanh đã vội vã liên hệ đến công ty để giải quyết nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Nhiều lần tìm đến công ty nhưng những gì bà nhận được chỉ là những lời hứa hẹn và yêu cầu chờ đợi. Tính đến nay đã hơn sáu tháng, bà Thanh mới chỉ lấy lại được 16 triệu đồng tiền hoa hồng do mời những người khác tham gia cùng hàng chục hộp thực phẩm chức năng chưa rõ công dụng. Bà Thanh cho biết thêm, trong tháng 3 vừa qua, công ty này đã thay đổi trụ sở rồi đột ngột biến mất, không có cách nào liên lạc. Mọi giấy tờ biên nhận tiền đều chỉ có chữ ký sơ sài của giao dịch viên cho nên hy vọng đòi lại tiền của bà càng mong manh. Sớm đưa kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ Theo luật sư Nguyễn Văn Nghi, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC (Nghị định 42) quy định, khi chấm dứt hoạt động BHĐC, DN KDĐC có nghĩa vụ trong 90 ngày kể từ khi bị rút giấy phép phải hoàn trả lại không ít hơn 90% tổng số tiền đầu tư ban đầu cho người tham gia BHĐC hoặc mua lại số hàng hóa đã bán. Đồng thời, người tham gia cũng có thể yêu cầu DN thanh toán toàn bộ số tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác nếu có mà DN chưa chi trả. Nếu DN không còn khả năng thanh toán, người tham gia có quyền yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) lấy khoản tiền ký quỹ của DN này tại các ngân hàng thương mại (tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng) để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán. Trong trường hợp DN BHĐC không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với người tham gia, thì những người này có quyền khởi kiện ra tòa án để xử lý theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên. Tuy nhiên, trên thực tế theo tìm hiểu của chúng tôi, khi muốn vào hệ thống đa cấp phải bỏ ra một khoản tiền từ vài triệu đến cả chục triệu đồng để mua một sản phẩm có mức giá thực trên thị trường chỉ bằng một phần tư số tiền bỏ ra. Sản phẩm này sau khi mua sẽ được bóc ngay vỏ và nhãn mác cho nên không thể trả lại mà chỉ có thể đổi sang các mặt hàng khác... Với mỗi lần mua sản phẩm như thế, người tham gia sẽ được cung cấp một mã kinh doanh rồi sau đó cũng đi bán lại cho người khác hoặc mời tham gia để kiếm hoa hồng. Vì vậy, khi các công ty đang còn hoạt động, người tham gia muốn rút tiền khỏi hệ thống hoặc trả lại hàng còn là điều khó khăn thì khi công ty dừng hoạt động hay gặp sự cố, điều này lại càng không thể. Chưa kể với những công ty đa cấp có số lượng người tham gia quá lớn, trong khi tiền ký quỹ lại quá ít, khi mất khả năng thanh khoản, chuyện các công ty này “bốc hơi” không một dấu vết là điều dễ hiểu. Phải mất rất nhiều thời gian cơ quan điều tra mới truy tìm được, khi đó người tham gia có nguy cơ mất trắng bởi “chờ được vạ thì má đã sưng”. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động KDĐC ở Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu. Vì vậy, Bộ Công thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, ban hành thêm các quy định như công ty đa cấp phải có người đại diện đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương thay vì chỉ làm ở chi nhánh như trước đây. Hệ thống lưu trữ hoa hồng, thông tin hoa hồng, người tham gia… phải đặt tại Việt Nam để trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng truy vấn được. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng chỉ góp tiền là được chi hoa hồng, không xuất hàng hóa, theo dự thảo sửa đổi Nghị định 42 sẽ yêu cầu DN phải cấp mã số hợp đồng, tiền hoa hồng phải trả qua tài khoản ngân hàng, chứng minh được hàng hóa bán ra,... Ngoài ra, Bộ sẽ mạnh tay siết chặt quản lý hoạt động này bằng cách kiên quyết xử lý và rút giấy phép của các DN đa cấp chưa đủ điều kiện hoạt động. Với những công ty đang hoạt động, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan công an,... ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, để bảo vệ quyền lợi người dân trong bối cảnh kiến thức về hoạt động KDĐC của nhiều người vẫn còn rất hạn chế. Từ những sai phạm trong thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần điều chỉnh những chính sách phù hợp, sớm đưa hoạt động KDĐC vào khuôn khổ. Mặt khác, người dân, nhất là những người sống ở vùng nông thôn cần tỉnh táo trước khi tham gia hoạt động này, tránh tình trạng ham lợi nhuận cao để rồi mất tiền oan, vô tình tiếp tay cho kinh doanh đa cấp biến tướng. |
TheoNhandan
(HBĐT) - Trong chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I năm 2017, toàn tỉnh có kế hoạch huy động 244.614 công.
(HBĐT) - Năm 2017, toàn tỉnh có kế hoạch trồng mới 7.100 ha rừng. Để thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra, các huyện, thành phố đang khẩn trương chuẩn bị hiện trường, nguồn nhân lực, tích cực gieo ươm, chăm sóc giống cây lâm nghiệp để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.
(HBĐT) - Chiều ngày 8/5, trên địa bàn huyện Cao Phong đã xảy ra mưa to kèm theo gió lớn đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa và hoa màu của người dân.
(HBĐT) - Sau 2 năm thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với hình thức tổ chức sản xuất giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn huyện Yên Thủy bước đầu có những chuyển biến tích cực, chất lượng cây giống được cải thiện, sản xuất an toàn thực phẩm được quan tâm, liên kết tiêu thụ sản phẩm được tăng cường, giá trị sản xuất tăng dần qua các năm.
(HBĐT) - Giữa bối cảnh giá thịt lợn lao dốc, người nuôi lợn lao đao vì lỗ nặng thì các hộ nuôi cá lồng ở xã Thung Nai (Cao Phong) vẫn sống khỏe bởi người dân nơi đây từng bước xây dựng được thương hiệu cá sạch với sản phẩm được thị trường ưa chuộng, giá thành luôn cao hơn cá lồng nuôi tại các khu vực khác.
(HBĐT) - Trong tháng 4, tổng thu ngân sách của huyện Lương Sơn ước thực hiện 13.000 triệu đồng, lũy kế 4 tháng ước đạt 52.004 triệu đồng, đạt 26,4% dự toán so với tỉnh giao, đạt 25,1% dự toán so với huyện giao, bằng 103,25% so với cùng kỳ.