Tại Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra sáng 25-6, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giới thiệu với hơn 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2017 và kết quả sau một năm thực hiện cam kết của các nhà đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố năm 2016. Xin giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung:


"Cách đây một năm, TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” với một thông điệp: "Doanh nghiệp là động lực phát triển của Thủ đô”, "Hà Nội coi trọng nguồn lực đầu tư xã hội”; "Hà Nội chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài để cùng phát triển bền vững”. Ngày hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng với các quý vị đại biểu đánh giá kết quả của một năm vừa qua, cùng nhau thảo luận về định hướng phát triển của Hà Nội và cam kết hợp tác cho năm 2017 và các năm tiếp theo.


Ảnh minh họa

Một năm vừa qua ghi nhận dấu ấn quan trọng cho những chuyển biến tích cực của TP Hà Nội toàn diện trên các mặt, mở đầu thành công cho kỳ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Thứ nhất, Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh với mức 8,2% năm 2016; thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán; khách du lịch quốc tế tăng 19,9%; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so năm 2015). Sáu tháng đầu năm 2017, Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với mức 7,37%; thu ngân sách tăng 18%, vốn đầu tư xã hội tăng 9,9%, khách du lịch quốc tế tăng 14%, xuất khẩu tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây với mức 12,1%, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 7,2%; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 doanh nghiệp, tăng 16%.

Thứ hai, Thành phố tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, tăng 10 bậc so năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính tăng sáu bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Thành phố tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, liên kết các vùng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình xúc tiến đầu tư để giới thiệu các sản phẩm tại các hội trợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Theo kết quả điều tra, năm 2016 là năm các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh khá hiệu quả: 67% doanh nghiệp kinh doanh có lãi; 47% doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh.

Thứ ba, Thành phố tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng như: đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Thành phố tập trung triển khai bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công ngay tại nhà.

Thứ tư, tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40 - 60%, trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30 - 50%... Thành lập Tổ công tác liên ngành của Thành phố để giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng. Tổ công tác liên ngành hoạt động sẽ giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục các dự án đầu tư đến 43%.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức "kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” với để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; Xây dựng mô hình Cơ quan Đăng ký kinh doanh thân thiện. Tiến hành sắp xếp xong tổ chức bộ máy trên toàn Thành phố với quan điểm: thu gọn đầu mối quản lý; một việc - một đầu mối xuyên suốt và phương châm năm rõ "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”; các sở, ngành, quận huyện tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, nhiệm vụ Chủ đầu tư các dự án, chương trình giao cho các Ban Quản lý dự án chuyên ngành và khu vực.

Thứ sáu, Hà Nội đang hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế. Đưa vào hoạt động Khu Trung tâm kỹ thuật cao và phẫu thuật tiêu hóa Hà Nội thuộc bệnh viên Xanh Pôn, Khởi công Bệnh viện U bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản. Nâng cao chất lượng đào tạo lao động hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,... Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng, hai làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội theo hướng bảo tồn, phát triển làng nghề kết hợp du lịch, xây dựng nơi đây thành những điểm đến du lịch tiêu biểu của Thủ đô. Triển khai tuyến phố đi bộ chung quanh Hồ Hoàn Kiếm, xây dựng Phố Sách, quảng bá hình ảnh Thủ đô trên kênh CNN. Thí điểm ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động Iparking; Nghiên cứu xây dựng trung tâm tích hợp quản lý đô thị thông minh.

Thứ bảy, Thành phố xây dựng các cơ chế chính sách mới để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như:

+ Cơ chế xã hội hóa, đặt hàng doanh nghiệp xây dựng nhà tái định cư.

+ Quy hoạch cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ; các khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn.

+ Xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm tại môi trường tại các hồ trên địa bàn.

+ Xã hội hóa hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, thay đổi cách thức quản lý hạ tầng bưu chính - viễn thông, chuyển giao từ cơ quan quản lý nhà nước sang doanh nghiệp.

+ Tăng diện tích đỗ xe của các công trình cao tầng để từng bước giải quyết tình trạng thiếu chỗ đỗ xe trong khu vực đô thị.

+ Đấu thầu công khai các dịch vụ công ích như vệ sinh môi trường, chiếu sáng, cây xanh, vườn thú.

+ Hà Nội là đơn vị đầu tiên của cả nước thành lập trung tâm mua sắm tập trung để thống nhất một đầu mối mua sắm tài sản công.

Thứ tám, Hà Nội tiếp tục khẳng định là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định, là điểm đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ưu tiên hàng đầu khi cân nhắc quyết định đầu tư.

Đạt được các kết quả nêu trên là nhờ có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đặc biệt là sự đồng hành của tất cả các quý vị tại Hội nghị ngày hôm nay. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố đã phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 296 nghìn tỷ đồng, gấp 4,43 lần so với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố trong hai năm 2016 - 2017 và gấp hơn 2 lần giai đoạn 2016 - 2020. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thực hiện khâu đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; hoàn toàn đúng hướng theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Thành phố.

Tại Hội nghị ngày 4-6-2016, Thành phố đã giới thiệu với các nhà đầu tư: 52 dự án PPP và 43 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư dự kiến là 710,95 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất. Kết quả cụ thể như sau:

- Về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật:

+ Thành phố đã giới thiệu 27 dự án xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hệ thống trục đường hướng tâm; các dự án khép kín đường vành đai; đường sắt đô thị; các dự án cầu qua sông Hồng, sông Đuống; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông; các dự án bãi đỗ xe. Đến nay, 25 dự án giao thông và bãi đỗ xe đã được 61 nhà đầu tư đăng ký, triển khai thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư là 262.816 tỷ đồng. Trong năm 2017, dự kiến sẽ triển khởi công các dự án: Khép kín đường Vành đai 1; Vành đai 2; Vành đai 2,5; Quốc lộ 6: Ba La Xuân Mai;…

+ Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 4,33 triệu người ở khu vực nông thôn, Thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn thay vì sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư như trước đây. Đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư trong lĩnh vực này. Tính đến nay, Thành phố đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án với tổng mức đầu tư hơn 9,6 nghìn tỷ đồng. Đã khởi công Nhà máy nước mặt sông Đuống. Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, tăng 49,4% so thời điểm cuối năm 2016; sẽ có thêm khoảng hai triệu người dân ở 200 xã được dùng nước sạch.

+ Bên cạnh đó, xử lý nước thải, rác thải theo công nghệ hiện đại là một trong những lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư. Cùng với nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được đầu tư từ vốn ODA Nhật Bản đang triển khai xây dựng, hiện đang có hai dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư là Dự án hệ thống thu gom nước thải tại Yên Sở và Long Biên.

- Về lĩnh vực hạ tầng xã hội:

+ Công viên, cây xanh là một trong những điểm nhấn của Hà Nội năm vừa qua. Đã khởi công Công viên Kim Quy - Khu công viên đẳng cấp quốc tế. Khu công viên và hồ điều hòa CV1 khu đô thị mới Cầu Giấy, Nhà hát Hoa Sen và nhiều công viên khác đang được triển khai các thủ tục để sớm khởi công.

+ Lĩnh vực thương mại cũng được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm. Bên cạnh Dự án AEON MALL tại Hà Đông do các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện, tất cả 5/5 dự án trung tâm thương mại Thành phố giới thiệu đều được các nhà đầu tư đề xuất.

+ Với quan điểm là Quy hoạch cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ, Thành phố đã giao 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo 28 khu chung cư cũ.

Tại Hội nghị năm 2016, Thành phố đã trao quyết định quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án. Đến nay, có bốn dự án đã đi vào hoạt động, bảy dự án đã khởi công và dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ khởi công thêm bốn dự án; các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục thiết kế xây dựng.

Hội nghị 4-6-2016 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhà đầu tư với rất nhiều dự án mới được đề xuất thêm ngoài danh mục dự án Thành phố đã giới thiệu.

Tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi xin vui mừng thông báo với các quý vị đại biểu, Thành phố sẽ tiến hành trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 74,37 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với Hội nghị ngày 4-6-2016). Đồng thời tại Hội nghị hôm nay, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134,79 nghìn tỷ đồng.

Một năm qua, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn đồng hành cùng chính quyền Thành phố trong việc thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. 26 nội dung cam kết thuộc 10 chương trình với mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng tại Hội nghị năm 2016 là những việc làm thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

- Thành phố đã trồng mới 310.000 cây xanh trong "Chương trình 1 triệu cây xanh”. Trong đó có sự hỗ trợ của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tỉnh bạn. Góp phần chỉnh trang đô thị "Xanh hơn, đẹp hơn”. Sau Hội nghị, đã có rất nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình.

- Lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí, năm trạm quan trắc mặt nước, xây dựng Trung tâm điều hành quản lý, xử lý số liệu quan trắc môi trường, góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước và người dân kịp thời giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Xây dựng công trình hạ ngầm dây viễn thông và điện lực tại 18 tuyến phố, tổng chiều dài hơn 27,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng. Hiện các đơn vị tiếp tục phối hợp xây dựng kế hoạch cho 100 tuyến phố tiếp theo, chiều dài khoảng 60km, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.

- Đã tiếp nhận 98 xe vệ sinh chuyên dụng cộng với 12 xe đang vận hành tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Tạo ra bước chuyển biến căn bản về việc cơ giới hóa vệ sinh môi trường.

- Ba xe kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm đã đi vào hoạt động, hai xe còn lại sẽ triển khai thực hiện trong năm 2017, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về an toàn thực phẩm.

- Phát triển vùng trồng rau sạch và chuỗi cung cấp rau sạch cho người dân.

- Hỗ trợ lắp đặt truyền hình cáp cho 9.976 hộ nghèo, cơ bản tất cả các hộ nghèo đã được hỗ trợ. Hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng là 7.566 hộ, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

- Triển khai kế hoạch lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng, trong đó, 108 nhà vệ sinh công cộng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

- Triển khai xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực tại Singapore và Israel.

Chúng ta đang chứng kiến một Hà Nội bước đầu có chuyển động và phát triển - năng động, hiện đại. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu và còn rất khiêm tốn. Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Giai đoạn 2017 - 2020, Thành phố xác định những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới, tập trung trong năm lĩnh vực: môi trường, nước sạch, y tế - giáo dục, giao thông, công viên - khu vui chơi giải trí.

Hai là, bảo tồn bản sắc Hà Nội nghìn năm văn hiến bên cạnh Hà Nội hiện đại và năng động.

Ba là, hướng tới xây dựng Thành phố thông minh. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: số hóa đồng bộ cơ sở dữ liệu cốt lõi: dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tư pháp, hộ tịch, cán bộ công chức,... Hoàn thành hệ thống một cửa điện tử ba cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2017 trên 40% và đến năm 2020 là 70 - 80%. Triển khai thực hiện bãi đỗ xe điện tử, quan trắc môi trường điện tử. Xây dựng đô thị thông minh.

Bốn là, phấn đấu Hà Nội là Thành phố tiên phong của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; về tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; về hội nhập quốc tế và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Năm là, tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hệ thống trục đường hướng tâm; khép kín các đường vành đai. Đầu tư thực hiện dự án đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài; các đô thị vệ tinh.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển giai đoạn 2017 - 2020, Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, và đồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô.

Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thông qua nhiều hình thức: FDI, PPP, xã hội hóa,… tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; các dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sau đây, tôi xin giới thiệu danh mục các dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư với các nội dung thông tin mà ngay sau Hội nghị này các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục:

(1) 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng:

- 11 dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị.

- Một dự án lĩnh vực môi trường.

- Năm dự án lĩnh vực hạ tầng giáo dục.

(2) 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng trong các lĩnh vực:

- 23 dự án công viên, cây xanh;

- Hai dự án môi trường (xử lý rác thải, nước thải);

- Bốn dự án bãi đỗ xe;

- Hai dự án y tế (xây dựng bệnh viện);

- 17 dự án giáo dục (xây dựng trường);

- 35 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp – làng nghề;

- 12 dự án trung tâm thương mại;

- Hai dự án trung tâm Logistic;

- Bốn dự án hạ tầng du lịch;

- Năm dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

- 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, tại Hội nghị ngày hôm nay, một lần nữa, đại diện cho chính quyền Thành phố, tôi xin khẳng định và cam kết: Thành phố Hà Nội sẽ "Tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, "Hợp tác và phát triển”. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền Thành phố.

Thành phố Hà Nội chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, hiệp hội, chính quyền của các tỉnh, thành phố trong nước và các quốc gia trên thế giới để cùng phát triển bền vững.

Nhân dịp Hội nghị ngày hôm nay, thay mặt cho Thành phố, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quý báu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư; sự hợp tác chặt chẽ của VCCI và những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư và các hiệp hội doanh nghiệp trong sự phát triển của Thủ đô thời gian qua.

Kính chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

                                                                                   TheoNhanDan

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục