(HBĐT) - Chậm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán và những biến động bất thường của thị trường khiến cho hành trình xóa đói, giảm nghèo ở xã Lập Chiệng (Kim Bôi) vốn đã khó nay càng gian nan hơn…
Lập Chiệng là xã vùng 135, cách trung tâm huyện Kim Bôi khoảng 10 km. Xã có 3 xóm: Lập, Chiệng và Khoáy với 438 hộ dân. Dù có vị trí địa lý khá thuận lợi, cách đường 12B khoảng 3 km, tuyến đường liên xã được cứng hóa thuận lợi nhưng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Lập Chiệng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2016 chiếm 44,8%, thu nhập bình quân mới đạt 14 triệu đồng /người/năm.
Ruộng manh mún, hạn hán, gây nhiều khó khăn cho sản xuất của người dânxã Lập Chiệng (Kim Bôi). ảnh chụp tại xóm Chiệng
"Đến hết năm 2016, Lập Chiệng hoàn thành 12 tiêu chí trong xây dựng NTM. Hiện nay, ngoài những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn, tiêu chí về nâng cao thu nhập cho người dân rất khó đạt được. Sản xuất của người dân chủ yếu là làm nông nghiệp thuần túy, chưa có sản phẩm theo hướng hàng hóa. Chủ trương dồn điền, đổi thửa chưa thực hiện được, do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Điều này trở thành rào cản cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhiều diện tích ruộng ở Lập Chiệng bị hạn hán hay những biến động thất thường của thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi cũng là những nguyên nhân khiến thu nhập của bà con thấp” - đồng chí Bùi Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Lập Chiệng lý giải.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, năm 2016, khi giá lợn hơi tăng mạnh, nhiều hộ dân ở Lập Chiệng đầu tư chuồng trại để nuôi lợn. Bởi vậy, với việc giá lợn hơi sụt giảm, người dân lâm vào cảnh "mất mùa kép”. Theo đó, mục tiêu năm nay xã tăng thu nhập bình quân lên 15 triệu đồng /người/năm khó đạt được. Trong 3 xóm, đường giao thông ở xóm Khoáy khó khăn nhất. Mặc dù xóm Khoáy có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển trồng rừng cũng như trồng măng, luồng nhưng vào mùa mưa, việc đi lại hết sức khó khăn.
Đối với xóm Chiệng, những ngày này, cánh đồng đang phân chia thành nhiều sắc màu khác nhau. ở đầu xóm, một vài ruộng lúa chín vàng, bà con bắt đầu gặt, xen vào đó là những ruộng lúa còn xanh lẫn trong cỏ dại. Một số ruộng ngô không phát triển do đất khô cằn. ông Bùi Văn Chiên, Trưởng xóm Chiệng cho biết: Ruộng ở xóm chia thành 3 khu vực, trong đó, 2 khu vực bị hạn hán nặng, một số ruộng bỏ hoang vì "không có nước tưới thì chẳng cây gì lên được”. Theo quan sát của chúng tôi, ở khu sản xuất Đồng Mè, nhiều ruộng có diện tích khá rộng nhưng không đủ nước để cấy, hiện trở thành bãi chăn thả gia súc. Một số ruộng dù vẫn cấy nhưng do không đủ nước nên cỏ mọc nhiều hơn lúa. Được biết, xóm Chiệng có 3 bai nước nhưng lượng nước không đủ vì phụ thuộc vào thiên nhiên.
Về tiến độ thực hiện dồn điền, đổi thửa của xóm, ông Chiên cho biết: "Chúng tôi đã họp bàn với bà con nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nếu dồn đổi ruộng đất tập trung, chưa nói đến chuyển đổi cây trồng khác, việc chăm bón cho lúa cũng thuận lợi hơn, năng suất tăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để sớm thực hiện thành công chủ trương này”.
Tập trung vận động, tuyên truyền để sớm hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng là một trong những nội dung mà đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh. Cùng với đó: "Vấn đề quan trọng là phải tìm những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của xã để bà con chuyển đổi. Trước mắt, tập trung đẩy mạnh trồng rừng và một số loại rau, củ, quả theo hướng sạch, an toàn. Rất mong cấp trên quan tâm hơn nữa, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo nền tảng để bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, về đích NTM theo đúng lộ trình đã đề ra”, đồng chí Bùi Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Lập Chiệng chia sẻ.
Viết Đào
(HBĐT) - Sáng 15/6, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT về tình hình phát triển thủy sản của tỉnh.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình quan tâm chỉ đạo tăng cường giải pháp thu NSNN để đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc thu thường xuyên, nhất là các khoản thu khó, thu nợ đọng nên kết quả thu ngân sách đạt khá.
(HBĐT) - Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, thực hiện chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013, đến hết tháng 5, toàn tỉnh có 3.046 hộ ở 10 huyện còn dư nợ với tổng số tiền 45.422 triệu đồng.