BÀI 1 Doanh nghiệp khốn đốn vì nợ đọng
Nợ đọng trong XDCB tác động trực tiếp, ảnh hưởng xấu đến quá trình luân chuyển và sử dụng vốn của doanh nghiệp (DN). Trong thực tế, nhiều DN bị phá sản, khốn đốn có nguyên nhân bị nợ đọng, nhất là nợ từ nguồn vốn đầu tư nhà nước. Không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng bởi dính nợ xấu, nợ quá hạn cho các kỳ kinh doanh tiếp theo, nhiều DN rơi vào tình trạng khốn đốn, khó khăn chồng chất khó khăn.
Nợ đọng còn lớn
Theo công bố mới đây của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, do DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực XDCB, cho nên nợ đọng trong lĩnh vực này là vấn đề then chốt, có tính sống còn đối với DN. Tính đến hết tháng 5-2017, số tiền lũy kế chủ đầu tư nhà nước còn nợ DN lên tới hơn 1.653 tỷ đồng, có xu hướng tăng dần theo từng năm. Trong đó, năm 2014 nợ 162 tỷ đồng, năm 2015 nợ 254 tỷ đồng, năm 2016 nợ 542 tỷ đồng, riêng năm tháng đầu năm nay nợ 439 tỷ đồng. Nếu tính cả giá trị sản xuất dở dang của Tổng công ty còn chưa được nghiệm thu hơn 990 tỷ đồng thì tổng số nợ tồn đọng lên tới gần 2.650 tỷ đồng. Điển hình các công trình chủ đầu tư chưa bố trí đủ vốn như dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu,… Để có vốn sản xuất, kinh doanh, đơn vị phải sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng khoảng 1.500 tỷ đồng, lãi vay phải trả hằng năm khoảng 126 tỷ đồng. "Không những thế, các khoản thuế của đơn vị bắt buộc phải nộp ngay vào NSNN, nếu chậm bị tính lãi, nhưng ngược lại, các khoản chủ đầu tư nhà nước chưa thanh toán, còn nợ thì không bao giờ tính lãi cho nhà thầu” - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn Đào Văn Tuấn cho biết.
Cùng tình trạng nêu trên, ở Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), tính đến hết năm 2016, số nợ đọng vốn tại các công trình do DN thực hiện đã lên đến hơn 1.860 tỷ đồng, vượt quá 200% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ đọng có thời gian từ một đến hai năm hơn 450 tỷ đồng; nợ đọng từ hai đến ba năm hơn 24 tỷ đồng, nợ quá ba năm hơn 152 tỷ đồng,... Khối lượng thi công dở dang của Tổng công ty lên đến 2.110 tỷ đồng, trong đó có những công trình thi công sau hơn 5 năm vẫn chưa được nghiệm thu do chủ đầu tư không bố trí được vốn, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tài chính và nguồn vốn đầu tư của DN.
Tại các địa phương, tình trạng nợ đọng XDCB cũng diễn ra khá phổ biến. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng tỉnh Bình Định Bùi Tấn Lực, thực trạng nợ đọng trong XDCB từ nguồn vốn công ở địa phương thường nằm ở các công trình cấp huyện, xã. Theo đó, mỗi xã hằng năm nợ đọng ít nhất bốn đến năm tỷ đồng, bình quân số nợ đọng ở cấp xã, phường trên địa bàn mỗi huyện của tỉnh Bình Định đã lên 40 đến 50 tỷ đồng/năm, chưa kể phần vốn đối ứng của các công trình do huyện đầu tư trên địa bàn cấp xã cũng nợ đọng hơn 10 tỷ đồng/năm. Các xã có chương trình nông thôn mới thì khoản nợ đọng còn cao hơn nhiều. "Về nguồn vốn cấp huyện bố trí đầu tư cho các công trình XDCB hằng năm hơn 100 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ bố trí theo phân kỳ kế hoạch chỉ từ 20 đến 30%, phần lớn các công trình cấp huyện là công trình xây dựng nhỏ tiến độ thi công thường không quá một năm. Do đó, khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải nợ đơn vị thi công phần vốn còn lại hơn 70% giá trị công trình”, ông Lực cho biết.
Rơi vào vòng luẩn quẩn
Theo phản ánh của các nhà thầu, nợ đọng trong XDCB tác động trực tiếp đến quá trình luân chuyển và sử dụng vốn của DN. Nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, hay khó khăn về tài chính cũng bắt nguồn từ nợ đọng trong XDCB quá lớn và kéo dài, dẫn đến DN không có nguồn vốn để trả nợ ngân hàng kịp thời. Điều này dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn với ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín dụng và tiếp cận vốn ngân hàng cho các kỳ kinh doanh tiếp theo.
Theo đại diện Tổng công ty 319, các DN thường có kế hoạch tài chính cụ thể cả dài hạn và ngắn hạn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó căn cứ vào hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, tiến độ thanh toán ghi trong hợp đồng, các DN tổ chức huy động sử dụng vốn ngắn hạn, vay ngân hàng để mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phục vụ thi công. Song do không có vốn, công tác thanh quyết toán kéo dài, thủ tục pháp lý chậm, khiến DN không thu hồi được vốn, kéo theo kế hoạch sử dụng vốn bị điều chỉnh, nguồn vốn ngắn hạn không thu hồi được, gây khó khăn lớn về tài chính. Thực tế này gây ra hậu quả: DN không đủ vốn để thi công dứt điểm những công trình dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, dẫn đến nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chiếm dụng vốn của nhau. Không ít DN giải thể và phá sản, góp phần tăng thêm nợ xấu ngân hàng. Thực trạng nêu trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, cũng như tính thanh khoản của các DN.
Bàn về nguyên nhân, đại diện các nhà thầu cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía nhà thầu, bao gồm việc tìm hiểu năng lực tài chính chủ đầu tư không kỹ trước khi ký hợp đồng. Năng lực của nhà thầu trong công tác đàm phán - ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, năng lực trong việc quản lý và triển khai hồ sơ thanh quyết toán trong quá trình thi công vẫn còn yếu; chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả… là "căn bệnh” chung của nhiều nhà thầu, dẫn tới nợ đọng lớn và kéo dài. Tuy nhiên, vấn đề năng lực nhà thầu chỉ là phần nhỏ, nguyên nhân chính và khách quan ở phía chủ đầu tư. Có hai trường hợp chính thường xảy ra, đó là chủ đầu tư không có nguồn tài chính bảo đảm, có thể do vốn ban đầu ít cho nên ngân hàng không bảo lãnh,… Thứ hai, chủ đầu tư có năng lực tài chính khá mạnh nhưng cố tình kéo dài, không trả tiền nợ cho nhà thầu, thậm chí còn tìm mọi cách để trì hoãn hay gây khó khăn trong hồ sơ thanh toán và quyết toán cho nhà thầu. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nợ đọng được chỉ ra là từ hệ thống pháp luật, quy trình, quy định chưa hoàn thiện, còn thiếu các quy định cụ thể, thiết thực nhằm hạn chế nợ đọng trong XDCB, chưa đủ chế tài mạnh để tạo sức ép buộc chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã ký. Ai cũng biết nếu không giải quyết được bằng biện pháp thông thường, có thể đưa ra tòa án hay trọng tài kinh tế để giải quyết. Nghe tưởng đơn giản nhưng thực tế việc đưa nhau ra tòa là phương án bất đắc dĩ và không ai muốn vì các bên đều bị thiệt hại và mất rất nhiều thời gian theo đuổi với đủ các phiền toái mà chưa chắc đã đòi được tiền.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Dương Văn Cận thẳng thắn cho rằng, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu cần được sửa đổi, bởi trong thực tế có những quy định mang tính "bắt chẹt” các nhà thầu. Mặc dù, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ đã có nhiều quy định nhằm siết chặt tình trạng này, nhất là Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) quy định rất chặt chẽ là chấm dứt nợ đọng XDCB từ NSNN từ ngày 31-12-2014 và không giải quyết nợ đọng từ ngày 1-1-2015, nhưng thực tế, nợ đọng vẫn hiện hữu. Rõ ràng chỉ thị này vẫn chưa đi vào cuộc sống, thực tế là các nhà thầu vẫn sống lay lắt, chưa bị phá sản do cố tình chiếm dụng vốn của nhau, và điều này đang trở thành cái vòng luẩn quẩn đối với các DN.
(Còn nữa)