(HBĐT) - Sau 6 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Yên Lập (Cao Phong) mới hoàn thành 7/19 tiêu chí. Con số khiêm tốn này phần nào phản ánh hành trình xây dựng NTM đầy khó khăn, thách thức của chính quyền và người dân nơi đây.
Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND xã cho biết:
Sau 6 năm bắt tay vào xây dựng NTM, điều phấn khởi nhất là cán bộ, nhân dân
trong xã đã nhận thức được vai trò của mình và có những đóng góp nhất định.
Trong phong trào hiến đất đã xuất hiện nhiều gương điển hình. Ví như gia đình
ông Bùi Văn Quyết, xóm Đảy hiến hơn 200m2 đất thổ cư để xây dựng nhà văn hóa
xóm. Gia đình ông Bùi Thanh Xuân, xóm Trầm hiến 500m2 đất thổ cư làm đường giao
thông. Nhờ đó, bộ mặt làng quê từng ngày đổi thay, các hạ tầng thiết yếu được
xây dựng đáp ứng phần nào nhu cầu phát triển KT -XH của xã. Thu nhập bình quân
tăng từ 10 triệu đồng (năm 2011) lên 15 triệu đồng /người (năm 2016). Tuy nhiên,
nhìn vào 7 tiêu chí mà Yên Lập đã đạt được (điện, giáo dục, chợ, bưu điện, văn
hóa, cơ cấu lao động và ANTT), có thể thấy, những tiêu chí còn lại đều khó thực
hiện nếu không có sự đầu tư từ Nhà nước.
Giao thông là
một trong những tiêu chí khó khăn mà xã Yên Lập (Cao Phong) rất cần nguồn lực
đầu tư. ảnh chụp tại xóm Quà.
Giao thông là hạ tầng mà người dân ở xã vùng cao này
mong mỏi. Hiện nay vẫn còn một số xóm chưa có đường bê tông đến trung tâm nên
việc đi lại vào mùa mưa rất khó khăn. Đường về xóm Quà dù đã gần hơn vì một nửa
chặng đường đã được bê tông hóa. Thế nhưng, để đến trung tâm xóm Quà vẫn phải
vượt qua quãng đường hơn 1 km là đường đất, đường nội xóm cũng chưa được cứng
hóa. ông Đinh Văn Nha, người dân xóm Quà chia sẻ: "Vào mùa mưa đường lầy lội,
đi lại trắc trở, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của chúng tôi. Đường khó khăn nên
kinh tế chậm phát triển, nông sản làm ra khó tiêu thụ”.
Trời nắng nhưng đường lên khu Bưa Húc, xóm Quà khá
trắc trở do cơn mưa mấy hôm trước khiến đường bị xói mòn, tạo thành các sống
trâu. "Trên khu này người dân đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa
cây mía trắng ép nước vào thay thế cây keo, lúa nương. Thế nhưng, vì đường đi
lại chưa thuận tiện nên bà con chưa thực sự mạnh dạn chuyển đổi”, ông Nha cho
biết thêm.
Những con số thống kê của UBND xã Yên Lập đã nói lên
thực trạng giao thông khó khăn của xã vùng cao này. Đến nay, Yên Lập mới có
trên 3 km /16, 3 km đường liên thôn, nội thôn được cứng hóa; 1,4/18, 4 km đường
ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Còn hơn 16 km đường nội đồng vẫn
chưa đảm bảo vận chuyển nông sản thuận lợi. Ngoài xóm Quứ, đường về xóm Thang
cũng chưa được cứng hóa.
Là xã thuần nông nhưng hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng
được nhu cầu sản xuất của bà con. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, đến nay, Yên
Lập mới có khoảng 50% mương tưới tiêu được cứng hóa. Các hạ tầng thiết yếu khác
như: trạm y tế, trường học rất cần được đầu tư để đạt theo chuẩn NTM. Tiêu chí
về cơ sở vật chất văn hóa cũng khá nan giải. Hiện xã vẫn chưa có nhà đa năng,
điều này gây khó khăn cho việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật
cho bà con.
Mặc dù thu nhập bình quân đầu người tăng trung bình 1
triệu đồng /năm, tuy nhiên, con số 15 triệu đồng /người (năm 2016) vẫn khá thấp
so với mặt bằng chung của huyện. Để giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 54,46%)
và nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài sự nỗ lực của chính quyền và người
dân trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Yên Lập rất cần sự tiếp sức của các cấp
chính quyền để tiến nhanh hơn trên hành trình xây dựng NTM và về đích theo đúng
lộ trình đã đề ra.
Viết Đào