(HBĐT) - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một trong những khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.
Tại huyện Lạc Thuỷ, quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, khó thu hút công nghiệp chế biến và đầu tư của doanh nghiệp; năng suất cây trồng, vật nuôi nhìn chung còn thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ. Trình độ sản xuất của người dân chưa chuyên nghiệp hóa, mức độ cơ giới hóa chưa cao; thiếu sự gắn kết giữa người nông dân với đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Việc hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng còn hạn chế. Phát triển sản xuất ở nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa tập trung. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn chưa có chuyển biến tích cực. Một số HTX hoạt động kém hiệu quả. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm và vốn đầu tư thấp... đang đặt ra nhu cầu bức thiết trong việc hình thành chuỗi thực phẩm sạch từ khâu sản xuất đến cung ứng ra thị trường. Từ chỗ người nông dân "tự bơi” trong cơ chế thị trường, đến nay, huyện Lạc Thuỷ đã tìm hướng đi cho nông dân bằng cách liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Khởi động những mô hình liên kết
Hình thức liên kết là doanh nghiệp cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người nông dân có đất tổ chức sản xuất. Các mô hình liên kết này đảm bảo được nguồn sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc.
Tháng 8/2016, xã An Lạc ký kết hợp đồng với Công ty TNHH ớt Việt Nam triển khai mô hình trồng ớt lai xuất khẩu. Tham gia mô hình có 19 hộ nông dân ở thôn An Phú và Lộc Thành đã trồng 3,5 ha. Giống được lựa chọn là giống ớt số 7 (ớt lai Trung Quốc). Thời gian sinh trưởng, phát triển khoảng 2 tháng là cây ớt cho thu hoạch. Lần đầu tiên xã An Lạc đưa cây ớt về trồng tại xã nên các hộ tham gia mô hình đều tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… ớt được mùa, được giá, năng suất trung bình đạt từ 1,2 -1,5 tấn quả/sào, giá bán lúc cao 10.000 đồng/kg, thấp nhất Công ty thu mua 5.000 đồng/kg. Nếu tính giá thấp, mỗi sào ớt cho thu lãi khoảng 5 triệu đồng, so với trồng lúa, ngô cao gấp nhiều lần. Sản phẩm làm ra được Công ty ớt Việt Nam bao tiêu hết. Từ trồng ớt xuất khẩu mà nhiều hộ nông dân cho thu nhập khá. Theo đánh giá, mỗi ha ớt cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng. Từ thành công của mô hình thí điểm, huyện tổ chức cho cán bộ xã và HTX đi thăm quan Công ty rồi ký hợp đồng mở rộng diện tích trong năm 2017. Hiện có 8/15 xã thực hiện mô hình trồng ớt xuất khẩu với diện tích khoảng 20 ha, đơn vị liên kết là Công ty cổ phần nông nghiệp xanh miền Bắc có địa chỉ ở Kim Động, Hà Nam.
Mô hình trồng ớt xuất khẩu liên kết với doanh nghiệp ở xã An Lạc (Lạc Thuỷ) được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao.
Tích cực triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Lạc Thủy đang triển khai 2 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gồm dự án chăn nuôi gà ri Lạc Thủy an toàn sinh học, địa điểm thực hiện tại 2 xã Đồng Tâm, Phú Thành với 20 hộ dân tham gia với quy mô 20.000 con. Dự án liên kết sản xuất rau an toàn tập trung theo chuỗi giá trị, địa điểm thực hiện tại các xã: Đồng Tâm, Cố Nghĩa, Lạc Long.
Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thuỷ cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ đòi hỏi sự liên kết theo chuỗi. Vai trò của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất quan trọng. Khi liên kết chuỗi giá trị cần có sự tham gia của doanh nghiệp, một phần để chủ động sản phẩm, mặt khác để mở rộng liên kết với người dân. Đồng thời, khâu thương mại nông sản cũng phải tổ chức lại để giảm khâu trung gian. Người nông dân không thể đối thoại với doanh nghiệp trong khi bản thân họ chỉ sản xuất 1 vài sào ruộng. Do đó phải tổ chức thành HTX, câu lạc bộ đại diện cho nông dân cùng với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng.
Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm
Thực tế cho thấy, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi một số lĩnh vực, sản phẩm quy mô còn nhỏ, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít, nhất là doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất. Hiệu quả hoạt động của HTX, tổ hợp tác nhìn chung còn thấp, chưa thể hiện rõ nét vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Phát triển sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, tích tụ, tập trung ruộng đất, thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa còn hạn chế. Chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển chậm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Do đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn được huyện quan tâm, chú trọng. Cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau an toàn, cây dược liệu theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị như: Công ty nông nghiệp sạch Lạc Thủy, Công ty TNHH ớt Việt Nam, Công ty dạy nghề Sinh Lộc... Hiện tại có một số công ty như: Công ty cổ phần nông nghiệp xanh miền Bắc, Công ty TNHH ớt Việt Nam đang có nhu cầu liên kết sản xuất ớt, bí đỏ xuất khẩu trên địa bàn huyện.
Cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông, huyện Lạc Thủy chú trọng phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế hộ, kinh tế HTX, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững. Đồng thời quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, người dân đã đầu tư phát triển và ứng dụng KH-KT vào sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 28 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết: Huyện đặt mục tiêu hết năm 2017, thu nhập bình quân đạt trên 34,5 triệu đồng/người. Do đó, huyện chỉ đạo các xã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, thiết thực với từng nơi, phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường, khuyến khích liên kết 4 nhà, liên doanh theo phương châm "doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa”, đẩy mạnh việc hình thành các HTX, trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích dồn điền, đổi thửa; đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Đinh Thắng