Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Hệ thống hạ tầng KT – XH chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; quy mô kinh tế và xuất, nhập khẩu nhỏ; chưa có những sản phẩm mang tính đột phá; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao…
Những năm qua, các doanh nghiệp KCN Lương Sơn đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển vùng động lực Lương Sơn .
BCH Đảng bộ tỉnh nhận định: Trong những năm tới, vùng động lực sẽ trực tiếp nhận những tác động lan tỏa từ Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có nhiều cơ hội để phát triển và tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao, song áp lực cạnh tranh về thu hút đầu tư với các địa phương vùng Thủ đô là rất lớn, cần ưu tiên các nguồn lực đầu tư và chính sách phù hợp, đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… tạo động lực mạnh mẽ cho KT – XH của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Xây dựng vùng động lực trở thành vùng phát triển năng động, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; phát triển KT – XH nhanh, bền vững, có vai trò tác động lan tỏa tới các vùng khác của tỉnh; đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, QP – AN.
Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt trên 11% (cao hơn khoảng 2% so với trung bình toàn tỉnh).
Đến năm 2030, cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản dưới 15%; khu vực công nghiệp, dịch vụ trên chiếm trên 85% (công nghiệp khoảng 59%, dịch vụ trên 26%); giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt 38.200 tỷ đồng, bằng trên 70% giá trị GRDP toàn tỉnh; thu NSNN đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu NSNN toàn tỉnh; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 đạt 13.300 tỷ đồng (giai đoạn 2016 – 2020 đạt 55.000 tỷ đồng), bằng 70% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 50% lao động xã hội; có trên 70% số xã đạt chuẩn NTM.
Định hướng đến năm 2030, về trình độ phát triển kinh tế: kinh tế của vùng động lực có trình độ phát triển cao, KHCN trở thành một trong những động lực chính trong phát triển KT – XH. Tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn trung bình toàn tỉnh từ 20 – 30%; tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong cơ cấu GRDP đạt trên 90%; nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao là chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp; 100% xã trong vùng đạt chuẩn NTM.
Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng các khu, điểm du lịch, mạng lưới kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, các trục giao thông đối ngoại và nội vùng được hoàn thành. Hạ tầng CNTT và truyền thông, mạng cấp điện, cấp nước, thoát nước và BVMT đáp ứng yêu cầu phát triển KT – XH.
Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh có kiến trúc mang bản sắc các dân tộc vùng Tây Bắc. Đầu tư nâng cấp đô thị TP Hòa Bình đạt tiêu chuẩn thành phố loại II; khu vực thị trấn Lương Sơn lên thị xã; các thị trấn: Chi Nê, Kỳ Sơn, Chợ Bến, Thanh Hà lên đô thị loại IV. Hình thành một số KDC tập trung theo hướng hiện đại, có môi trường sống tốt, phù hợp với quy hoạch đóng vai trò làm vệ tinh cho các đô thị hiện có.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; xã hội đồng thuận, an toàn; cộng đồng gắn kết, thân thiện; ANCT và ATXH được giữ vững.
Nghị quyết số 17-NQ/TU cũng đề ra các định hướng về phát triển các ngành, lĩnh vực và một số nhóm giải pháp thực hiện như: nhóm giải pháp về chính sách huy động vốn đầu tư; nhóm giải pháp về chính sách phát triển KT – XH vùng động lực; nhóm giải pháp đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về KH-CN và BVMT; về cải cách thể chế, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và CCHC, nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành…
Thu Hiền