Tại huyện Kim Bôi, Ban Chỉ đạo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016 - 2020 vừa tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện đề án tại các xã: Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Thượng Bì, Đông Bắc, Sơn Thủy, Bắc Sơn, Tú Sơn, Nam Thượng, Mỵ Hòa. Kết quả cho thấy, các xã đều có nỗ lực đáng ghi nhận nhằm tạo sự thay đổi trong từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp, trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi. Hiện nay, huyện Kim Bôi có 5 mô hình nổi bật được đánh giá cao do tạo được sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gồm: mô hình trồng ngô ngọt (quy mô 99,4 ha) tại xã Mỵ Hòa; trồng dưa chuột Nhật (quy mô 8 ha) tại xã Hạ Bì và Đú Sáng; trồng đậu đũa (quy mô 3 ha) tại xã Hợp Kim, Nam Thượng; trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt (quy mô 46 ha) tại xã Đú Sáng và trồng măng tây (quy mô 4 ha) tại hai xã Nam Thượng, Thượng Bì.
Nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) là sản phẩm được vinh danh "Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu”, mang lại thu nhập cao và cơ hội đổi đời cho nhiều người dân địa phương.
Các mô hình trên minh chứng cho quyết tâm tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của huyện Kim Bôi. Đây cũng chính là định hướng xuyên suốt được UBND huyện chỉ đạo khi triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì và phát triển rộng thêm các vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa, gồm: vùng trồng bí xanh, bí đỏ, dưa các loại với quy mô trên 700 ha, tập trung tại các xã: Nam Thượng, Hợp Kim, Sào Báy, Mỵ Hòa, Đú Sáng...; vùng trồng mía quy mô khoảng 700 ha tập trung tại các xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn...; vùng trồng cây ăn quả có múi quy mô trên 800 ha tập trung tại các xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bắc Sơn, Hùng Tiến, Sào Báy...
Cũng như huyện Kim Bôi, "kim chỉ nam” trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Yên Thủy được xác định là: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với hình thành các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác. Về nội dung này, UBND huyện Yên Thủy đã xây dựng riêng đề án chuyên biệt, hướng tới mục tiêu hình thành các cánh đồng lớn sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp như tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp... Các tổ chức này sẽ đảm nhận tốt các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, liên kết tiêu thụ sản phẩm..., chính vì thế đóng vai trò là hạt nhân cốt lõi giúp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Mở rộng ra phạm vi toàn tỉnh. Trong năm qua, các địa phương đã triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp nhằm hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo ra những sản phẩm đảm bảo cả về chất lượng lẫn sản lượng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị canh tác, điển hình như vùng trồng cam tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha; vùng trồng bưởi (bưởi đỏ, bưởi da xanh, bưởi Diễn) tại các huyện: Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy cho thu nhập trên 350 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng nhãn Hương Chi tại các xã Sơn Thủy, Kim Bôi (huyện Kim Bôi) cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng mía tím, mía ép nước tại các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng su su, tỏi tía tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc, Mai Châu cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng bí xanh tại Yên Thủy, Tân Lạc cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ ha/năm…
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã góp phần tích cực gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân. Thống kê trong 4 năm (2014 - 2017) thực hiện Đề án tái cơ cấu, thu nhập bình quân đầu người hàng năm khu vực nông thôn đã tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2017 đạt khoảng 22,6 triệu đồng/người.
Trong năm thứ tư thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh tiếp tục ghi nhận những dấu ấn đậm nét, trong đó không thể không đề cập đến sự vinh danh xứng đáng dành cho hai nhãn hiệu tập thể mới được công nhận là "cam Lạc Thủy” và "bưởi đỏ Tân Lạc”. Thêm vào đó, có ba nông sản được tôn vinh "sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2017” là cam Cao Phong, nhãn Sơn Thủy và rau hữu cơ Lương Sơn. Đó là những sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt.
Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, các sản phẩm nổi bật như gà đồi Lạc Sơn, gà ri Lạc Thủy, dê núi đá, lợn bản địa nuôi theo chuỗi hữu cơ an toàn, tôm, cá đặc sản nuôi lồng bè trong vùng lòng hồ sông Đà... cũng từng bước nâng cao giá trị thương phẩm và tìm được chỗ đứng khá tốt trên thị trường. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 70 cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn, trong đó, 57 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô từ 3 - 10 nghìn con, sản xuất được 2,2 triệu con xuất chuồng/năm; 9 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm; 2 trại gà giống cung cấp khoảng 7 triệu con gà giống/năm. Ngoài ra, còn có 22 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô từ 300 - 3.000 con, cung cấp khoảng 200 nghìn lợn giống/năm và 250 nghìn lợn hậu bị/năm.
Về thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 4 nghìn lồng nuôi cá các loại, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 2,6 nghìn ha, sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 7,3 nghìn tấn, tăng 1.071 tấn so với cùng kỳ...
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đó chính là những dấu ấn mạnh mẽ cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng trên lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lộ trình này được tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2014, nhưng thực tế từ những năm trước đó, định hướng xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao đã được một số địa phương trong tỉnh như Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy… tiên phong thực hiện khá tốt. Kết quả là đã xuất hiện nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao và nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, sau 4 năm thực hiện đề án, các địa phương tiếp tục gặt hái những thành quả nổi bật và toàn diện, từ đó tạo ra sự thay đổi trong từng lĩnh vực của ngành, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung với những giá trị bền vững. Đó chính là những "viên gạch” tốt củng cố vững chắc nền tảng để tỉnh ta thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.