(HBĐT) - Dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12 đi quốc lộ 1 đang đứng trước sức ép căng thẳng về tiến độ, theo kế hoạch phải cơ bản hoàn thành công tác thi công trong năm 2018. Khối lượng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn, trong khi đó yêu cầu đặt ra là đến ngày 30/6 phải hoàn thành GPMB 80% và đến ngày 30/9 hoàn thành 100%. UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, tổ chức thi công theo kế hoạch đề ra.


Nhà thầu thi công đoạn đầu tuyến khu vực xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh.

Dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12 B đi QL 1 có tổng mức đầu tư được duyệt 250 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư giai đoạn 2014-2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp QL 1 A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Dự án được khởi công từ ngày 28/11/2017 và hoàn thành sau 24 tháng (cuối năm 2018). Tổng chiều dài của dự án 30 km, điểm đầu km 0 + 00 giao với đường Hồ Chí Minh tại km 479+300, thuộc địa phận xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), điểm cuối giao với QL 12 B tại km 67+100, thuộc địa phận thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Theo chỉ đạo của Bộ GTVT thì đến hết năm 2018 dự án phải cơ bản hoàn thành. Đến nay, sau 5 tháng phát lệnh khởi công, dự án mới thi công được khoảng 2% khối lượng xây lắp.

Ông Bùi Ngọc Tâm, Giám đốc BQL dự án cho rằng: Đây là dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh, yêu cầu rất căng thẳng về tiến độ. Dự án này thuộc nhóm các dự án vốn dư lần 2 nên không lo về nguồn vốn. Vấn đề còn lại là công tác GPMB và tổ chức thi công. Để hoàn thành dự án cần tập trung cao độ giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác GPMB. Toàn tuyến có 11,1 km đường và một số cầu phải GPMB tại 2 huyện Yên Thủy và Lạc Sơn. Trong đó địa phận huyện Yên Thủy khoảng 9 km, Lạc Sơn hơn 2 km. Địa bàn huyện Lạc Sơn hiện chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu xây lắp. Huyện Yên Thủy mới bàn giao được 700 m cho nhà thầu. Trước yêu cầu về tiến độ dự án, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo trước ngày 30/6 tới phải bàn giao tối thiểu 80% mặt bằng và đến ngày 30/9 bàn giao 100% mặt bằng toàn tuyến đường.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện đang đẩy nhanh tiến độ GPMB. Phó Chủ tịch UBND Yên Thủy Bùi Thị Kim Cúc cho biết: Trên địa bàn huyện Yên Thủy dự án đi qua 7 xóm của 2 xã là Bảo Hiệu, Lạc Lương với 420 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất phải thu hồi 17,89 ha. Ngoài ra có một số tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, đất hành lang giao thông cũng ảnh hưởng cần GPMB. Công tác GPMB đang được thực hiện khẩn trương. Huyện đã thông báo thu hồi đất đến 420 hộ dân, tổ chức có diện tích đất thu hồi, tổ chức họp với hộ dân, thông báo chủ trương, xây dựng phương án đền bù, GPMB… Huyện cũng đề nghị tỉnh cho chủ trương thu hồi diện tích đất nhỏ hẹp còn lại của các thửa đất bị ảnh hưởng; quy định chính sách hỗ trợ hộ dân có đất bị thu hồi từ 10-30% mới được hỗ trợ ổn định đời sống là 3 tháng gạo/khẩu; có chính sách hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường…

UBND huyện Lạc Sơn cam kết tập trung chỉ đạo công tác GPMB, lập phương án đền bù, hỗ trợ, công khai niêm yết đoạn từ km 8+870,2 - km 10 và 2 vị trí cầu Mý, cầu Thái, vận động người dân tạm ứng mặt bằng. Đoạn tuyến từ km 28+900 - km 39+00 thuộc thị trấn Vụ Bản kiểm đếm trong tháng 5/2018.

Cũng nằm trong thực tế chung, công tác GPMB dự án đang đứng trước khó khăn về nhân lực; thu thập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc xác định nguồn gốc đất…BQL dự án cam kết hỗ trợ các địa phương về nhân lực để đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án. Để bảo đảm tiến độ dự án đúng kế hoạch, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy đẩy nhanh tiến độ GPMB, hoàn thành công tác đền bù, GPMB tối thiểu đạt 80% khối lượng trước ngày 30/6. Các huyện tăng nhân lực triển khai công tác GPMB, thu thập các hồ sơ liên quan sớm ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường.

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Đức Hậu đề nghị: BQL dự án, nhà thầu thi công xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, huy động tối đa nhân lực, máy móc tổ chức thi công khi có mặt bằng, phấn đấu đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

 

Lê Chung

Các tin khác


Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 18.949 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hòa Bình, đến nay, vốn huy động của các tổ chức tín dụng từ dân cư trên địa bàn tỉnh ước đạt 20.994 tỷ đồng, tăng 759 tỷ đồng so với cuối năm 2017, trong đó vốn huy động trên 12 tháng 4.517 tỷ đồng, chiếm 33% nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 18.849 tỷ đồng, tăng 0,72% so với thời điểm 31/12/2017; nợ xấu 339 tỷ đồng, chiếm 1,81% tổng dư nợ.

Vay tiêu dùng: Cẩn trọng ''bẫy'' lãi suất và ''khủng bố'' đòi nợ

Thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển rất nóng, với một vài "ông lớn” nổi lên, như Fe Credit... Tuy vậy, không ít người vay không hiểu rõ đã bị dính vào những khoản nợ với lãi suất "trên trời”; khi chậm thanh toán lập tức bị "khủng bố” điện thoại để đòi nợ.

Yên Thủy: Bí xanh được mùa mất giá

(HBĐT) - Bảo Hiệu, Yên Thủy là một trong những xã trồng nhiều bí xanh trên địa bàn huyện Yên Thủy. Bí xanh năm nay được mùa nhưng người dân nơi đây không mấy phấn khởi bởi giá bí xanh giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017. 

Để nông sản “lánh nạn” được mùa, mất giá

(HBĐT) - Tăng trưởng nóng về diện tích, phá vỡ quy hoạch trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các loại rau, củ, quả khiến nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh ta thường xuyên rơi vào cảnh được mùa, mất giá. Làm gì để đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đã và đang trở thành mối quan tâm lớn của tỉnh và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách.

Huyện Lương Sơn thu ngân sách Nhà nước đạt gần 58 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo UBND huyện Lương Sơn, tổng thu ngân sách tháng 4 trên địa bàn huyện ước đạt 12 tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng ước đạt 57.947 triệu đồng, bằng 31% so với dự toán pháp lệnh, 29% so với dự toán huyện giao và đạt 113% so với cùng kỳ; trong đó thu trong cân đối 57.923 triệu đồng, thu ngoài cân đối 24 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục