Dưa bở ở xã Sào Báy – Kim Bôi, nhiều năm luẩn quẩn với tình trạng được mùa, mất giá.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT cho biết: Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Quy hoạch phát triển một số cây trồng chính của tỉnh, trong đó tập trung vào một số cây trồng có thế mạnh như: cây ăn quả có múi, mía và rau các loại… Đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt tập trung, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì thiếu sự chủ động từ phía người dân nên đến thời điểm hiện tại, sản xuất trồng trọt còn manh mún, nhỏ lẻ, cơ cấu cây trồng chuyển dịch chậm, chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt ít (chủ yếu là doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, chưa có doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm). Hoạt động thu mua, tiêu thụ nông sản chủ yếu qua đường tư thương, vì vậy tình trạng được mùa, mất giá vẫn tồn tại.
Trên cơ sở nắm rõ tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn, tại buổi làm việc với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm trong tháng 4 vừa qua, đại diện Sở NN &PTNT đã đề nghị: Viện Nghiên cứu giống cây trồng giới thiệu giống mới, kỹ thuật thâm canh phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất khoai lang tại xã Phú Cường (Tân Lạc). Bởi Phú Cường có đất đai, khí hậu phù hợp, người dân trồng khoai ổn định từ nhiều năm nay và đã được nhiều tư thương đặt hàng. Giới thiệu giống mới và chuyển giao kỹ thuật cho vùng trồng lạc của huyện Yên Thủy (khoảng 3.000 ha vụ xuân hè mỗi năm). Tăng cường sự phối hợp giữa Viện Cây lương thực và cây thực phẩm với hệ thống khuyến nông của tỉnh và các huyện để giới thiệu giống đậu tương mới và chuyển giao kỹ thuật canh tác cây đậu thương (bao gồm cả đậu tương vụ đông và đậu tương vụ xuân, đất bưa bãi, đất đồi). Đẩy mạnh xen canh cây họ đậu với cây mía, sắn, xen canh với cây ăn quả trong những năm đầu. Giới thiệu và chuyển giao kỹ thuật canh tác giống lúa chịu hạn trên diện tích lúa không ổn định nước ở các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Tân Lạc. Đồng thời, giới thiệu các giống lúa chất lượng cao cho các vùng thâm canh lúa của tỉnh (Lương Sơn, Yên Thủy). Nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật phục tráng giống lúa để nông dân tiếp tục sử dụng một số giống lúa đặc sản như nếp cẩm, giống lúa có tính chống chịu hạn tốt cho vùng cao.
Hiện tại, toàn tỉnh có diện tích trồng bí xanh khá lớn (khoảng trên 2.000 ha /năm), một số địa bàn thuộc huyện Mai Châu đã phát triển cây cà chua trái vụ khá hiệu quả, nông dân có nhu cầu lớn trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đề nghị Viện Cây lương thực và cây thực phẩm hỗ trợ. Đồng thời hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản có thế mạnh: cam, bưởi, rau su su, khoai lang... Đồng thời xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả, cây lương thực an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị nông nghiệp tại tỉnh.
Những đề xuất, kiến nghị phối hợp đó mang theo sự kỳ vọng lớn, làm lực đẩy cho sản xuất, tiêu thụ nông sản lĩnh vực trồng trọt, hạn chế tối đa tình trạng được mùa, mất giá đã tồn tại từ nhiều năm nay trên địa bàn.
Thúy Hằng