(HBĐT) - Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang được xem là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Lạc Thuỷ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp.


Mô hình trồng ớt tại xã An Lạc (Lạc Thuỷ) cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng/ha.

Thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2017, huyện Lạc Thuỷ thực hiện 3 dự án liên kết với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng. Đây là những chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp thông qua kết nối của các HTX và tổ hợp tác theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và bao tiêu đầu ra của sản phẩm.

Đối với Dự án sản xuất ớt và bí đỏ tập trung xã Yên Bồng và vùng phụ cận. Tổng quy mô dự án 15,8 ha ớt cay, đã trồng tại các xã Hưng Thi 6,5 ha, An Lạc 5 ha, Khoan Dụ 0,7 ha, thị trấn Chi Nê 3,6 ha với tổng số 102 hộ tham gia. Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại vào tháng 12/2017 và tháng 1/2018 nên không thể tiếp tục xuống giống ớt, do vậy đã chuyển 6,5 ha ớt của xã Hưng Thi sang trồng bí đỏ nhưng không thay đổi tổng quy mô dự án. Năm 2018 sẽ triển khai trên 13 ha bí đỏ.

 

Đối với Dự án sản xuất rau an toàn tập trung xã Lạc Long và xã Đồng Tâm, năm 2017 đã triển khai trồng 13 ha rau các loại với 244 hộ dân tham gia; năm 2018 triển khai trồng 12,8 ha.

 

Đối với Dự án sản xuất chuỗi gà ri Lạc Thủy thực hiện tại xã Đồng Tâm và Phú Thành quy mô 10.000 con giống với 20 hộ tham gia, mỗi hộ 500 con. Chuỗi các hộ tham gia được hỗ trợ 400 con gà giống và 24% cám với giá 13.000 đồng/con và đối ứng 100 con gà giống. Các hộ chăn nuôi được tập huấn chuyển giao KHKT, gà được tiêm phòng đầy đủ nên tỷ lệ sống 95%. Sau 4 tháng 20 ngày chăn nuôi theo đúng quy trình, gà đạt trọng lượng từ 1,8-2,2 kg/con giá bán 85.000 đồng/kg. Doanh thu ước đạt 85 triệu đồng, chi phí khoảng 60 triệu đồng, trung bình lãi 50.000 đồng/con gà. Năm 2018 tiếp tục thực hiện 10.000 con giống nâng cao thu nhập chăn nuôi nông hộ, từng bước gây dựng nhãn hiệu chứng nhận gà Lạc Thủy. Huyện đang thực hiện các bước phân tích mẫu để nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ.

 

Huyện Lạc Thủy đã tổ chức 10 hội nghị, tập huấn kỹ thuật cho người dân tham gia dự án và hỗ trợ vật tư 15,8 ha ớt cay, 13 ha rau các loại, 8.000 con giống, 20 tấn thức ăn. Đồng thời tổ chức 2 đợt thăm quan học tập sản xuất, chế biến ớt tại 2 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Các sản phẩm ớt, bí đỏ và rau được các đơn vị Công ty cổ phần Nông nghiệp xanh miền Bắc, Công ty TNHH ớt Việt Nam, Hợp tác xã Nông sản thực phẩm an toàn huyện Lạc Thủy bao tiêu sản phẩm, giá trị thu nhập đạt 6 triệu đồng/sào, ước khoảng 180 triệu đồng/ha.

 

Qua đánh giá, hiệu quả kinh tế của việc sản xuất ớt, bí đỏ, rau các loại cao hơn so với các loại cây trồng khác. Hiệu quả chăn nuôi gà Lạc Thủy đem lại giá trị rõ rệt, được nhân dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng tin tưởng thực hiện, tạo ra vùng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ổn định, tập trung. Các dự án đã nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân, ổn định đầu ra sản phẩm. Đối với các chuỗi trồng trọt không có tác động lớn đến môi trường. Chuỗi chăn nuôi gà ri các hộ dân cam kết xử lý môi trường đảm bảo.

 

Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thuỷ cho biết: Qua thực tế triển khai dự án sản xuất theo chuỗi liên kết trên địa bàn huyện gặp phải một số vướng mắc đối với các chuỗi trồng trọt, bình quân mỗi hộ tham gia sản xuất 942 m2, quy mô tính theo hộ nhỏ, gây khó khăn cho quá trình tuyên truyền vận động và chỉ đạo sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập hộ nông thôn từ 35% làm đồng và 65% đi làm thuê nên khi tham gia dự án họ mất nhiều thời gian làm đồng hơn, giảm thời gian đi làm thuê. Phần chênh lệch thu nhập tính toán do việc giảm thời gian làm thuê và tăng thời gian làm đồng không đáng kể do quy mô ít, khiến các hộ không nhiệt tình tham gia dự án, phải tuyên truyền, vận động nhiều. Do đó, huyện đưa ra các giải pháp như vận động người dân tích tụ ruộng đất, khuyến khích quy mô một đối tượng tham gia dự án phải từ 1 ha trở lên. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí mở rộng chuỗi giá trị đang thực hiện. Có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn. Năm 2018, huyện Lạc Thuỷ đăng ký làm 3 chuỗi rau an toàn trong nhà màng, lúa Bắc Hương 9 và chuỗi dê núi Lạc Thuỷ.

 

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

 Đinh Thắng



Các tin khác


Nhiều tấm gương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 - 2017

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, phong trào thi đua "Nêu gương sáng xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng” do Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam phát động đã được đông đảo cán bộ, hội viên Hội NCT tỉnh Hoà Bình thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2017 đạt hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong 5 năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương NCT làm kinh tế giỏi trên khắp địa bàn tỉnh.

63 xã đạt tiêu chí về giao thông

(HBĐT) - Phát triển giao thông là điều kiện tiên quyết để phát triển KT-XH. Tính đến nay, nguồn kinh phí huy động, lồng ghép từ các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới hệ thống đường giao thông trong tỉnh đạt trên 809,6 tỷ đồng.

Huyện Lương Sơn sôi nổi phong trào người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi

(HBĐT) - Hưởng ứng phong trào thi đua người cao tuổi (NCT) sản xuất - kinh doanh giỏi do Trung ương Hội phát động, trong những năm qua, Ban đại diện Hội NCT huyện Lương Sơn đã chỉ đạo và phối hợp cùng các hội cơ sở lồng ghép vào chương trình, kế hoạch hoạt động của hội; thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên và NCT phát huy tinh thần "tuổi cao, gương sáng”. Đặc biệt là nêu gương sáng, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần xóa đói - giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Giá trị xuất khẩu doanh nghiệp khu công nghiệp đạt 267 triệu USD

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án (trong đó có 1 dự án FDI, 11 dự án DDI); cấp điều chỉnh cho 12 dự án.

Kiên định mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế

Sáng 2-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, một số địa phương.

Huyện Tân Lạc hướng tới nền kinh tế thị trường

(HBĐT) - Từ vùng đất này, những sản vật đặc trưng đã tự tin vươn ra thị trường bằng chất lượng tuyệt vời và giá trị thương hiệu đã được định vị. Ngày nay, nhắc đến huyện Tân Lạc, người ta liên tưởng ngay đến những cái tên đầy sức hút như: bưởi đỏ Tân Lạc, mía tím Phú Vinh, rau su su Quyết Chiến… Có thể coi đây là một trong những thành tựu nổi bật và tiêu biểu nhất, thể hiện sâu sắc cho quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Lạc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của BCH T.ư Đảng khóa X (Nghị quyết số 21) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục