Chiều 13-9, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), Hội nghị cấp cao Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 đã diễn ra, với chủ đề "Việt Nam - Ðối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và sáng tạo”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Tới dự, có hơn 1.200 đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư, công ty hàng đầu thế giới, trong đó có các thành viên của WEF, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Hà Nội.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, Hội nghị WEF ASEAN 2018 có quy mô lớn tầm khu vực kết thúc thành công, tạo nên hình ảnh đẹp trong cộng đồng kinh tế về sự hợp tác hiệu quả giữa WEF với Việt Nam, cũng như với các nước ASEAN. Trong không khí vui mừng đó, VBS 2018 là dịp thuận lợi để các nhà đầu tư quốc tế, ASEAN và Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, "kết nối và sáng tạo” nhằm mở ra cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi lan tỏa của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay, Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng về độ sâu vẫn còn rất nhiều việc phải xem xét. Mới có khoảng 21% số doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng của Việt Nam. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra những thành công của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản. Ðây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng, thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Trước thực trạng đó, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Ðộ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt hơn 200% GDP. Sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh, môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới. Các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục; thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát, lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong khối ASEAN... Tại Việt Nam, các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới, nhất là với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất. Ðồng thời, Việt Nam có vị trí địa chiến lược tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được. Thủ tướng nhấn mạnh, với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để tích lũy quốc lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) B.Bren-đơ bày tỏ ấn tượng mạnh về thành tựu cải cách kinh tế của Việt Nam thời gian qua; chúc mừng nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong gần 10 năm trở lại đây; Việt Nam là một trong những quốc gia ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ nhất trên thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF B.Bren-đơ chủ trì đối thoại, trả lời nhiều câu hỏi về các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm trong nhiều lĩnh vực, như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), CMCN 4.0, Chính phủ điện tử, năng lượng tái tạo...

★ Trước đó, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã bế mạc. Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Hội nghị WEF ASEAN 2018 thật sự là ngày hội giao lưu của các ý tưởng, đánh giá sâu sắc, nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa; tạo động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang "kiến tạo” môi trường thuận lợi cho phát triển; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của quốc gia. Phó Thủ tướng mong muốn, WEF phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến thiết thực đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nêu tại Hội nghị thành các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể.

Ðánh giá về kết quả Hội nghị, các vị đồng Chủ tịch Hội nghị WEF ASEAN 2018, bao gồm Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ðiều hành tổ chức Plan International A.An-bréc-xen, Chủ tịch Tập đoàn CIMB của Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc, Giám đốc quản lý toàn cầu Công ty tư vấn McKinsey K.Xni-đơ nhấn mạnh rằng, các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã đem tới cơ hội thảo luận một cách cởi mở, sâu sắc về nhiều vấn đề quan tâm của Chính phủ các nước ASEAN, cũng như của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội...

★ Trong khuôn khổ VBS 2018, diễn ra phiên thảo luận "Việt Nam - Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh”. Các diễn giả đã cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam, đề xuất giải pháp giúp giới doanh nghiệp tận dụng lợi thế mà CMCN 4.0 đem lại.

★ Sáng 13-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự phiên thảo luận Triển vọng địa - chính trị châu Á trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018. Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống luôn là vấn đề mà ASEAN phải nêu cao trong thời đại CMCN 4.0; nêu rõ, Việt Nam luôn hoan nghênh các sáng kiến ở khu vực châu Á nếu đó là những sáng kiến mở, minh bạch, bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy hòa bình, phát triển cho toàn khu vực.

★ Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam dự phiên đối thoại Tương lai việc làm ở ASEAN. Phó Thủ tướng cho rằng, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, bên cạnh việc lạc quan về những cơ hội do CMCN 4.0 mang lại, cần sẵn sàng ứng phó các thách thức có thể xảy ra. Theo Phó Thủ tướng, dưới những tác động mạnh mẽ từ CMCN 4.0 như đổi mới công nghệ, chuyển dịch mô hình kinh doanh..., nhiều công việc truyền thống sẽ biến mất, trong khi một số lượng lớn việc làm mới được tạo ra.

★ Trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, diễn ra nhiều phiên thảo luận với các chủ đề đa dạng, như Hệ thống y tế ASEAN, Hình ảnh phụ nữ trên phương tiện truyền thông, Nhiệm vụ chống suy dinh dưỡng, Thay đổi xu hướng sử dụng rác thải nhựa, các công cụ kỹ thuật số và nền kinh tế ngầm...

★ Chiều 13-9, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 và Chủ tịch WEF B.Bren-đơ tổ chức họp báo về kết quả Hội nghị.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã thành công toàn diện về tất cả các mặt, như nội dung, công tác tuyên truyền, lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần... Thứ trưởng dẫn lời Chủ tịch Ðiều hành, nhà sáng lập WEF C.Sơ-oáp nhận định rằng, trong số các Hội nghị WEF ASEAN từ trước đến nay thì đây là hội nghị thành công nhất. Thứ trưởng nhấn mạnh, thành công thể hiện ở các điểm cụ thể sau: Thứ nhất, nội dung của Hội nghị rất phù hợp các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh đang nỗ lực vươn lên, để không bị tụt hậu trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Thứ hai, việc tổ chức Hội nghị thu hút sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp và Chính phủ các nước. Thứ ba, Hội nghị có sự tham gia ở mức độ rất cao của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, khi tham gia rất tích cực vào các phiên thảo luận khác nhau, đóng góp và chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam, qua đó học hỏi kinh nghiệm của các nước ASEAN và các quốc gia ngoài khu vực. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, tính đến trưa 13-9, đã có khoảng 7.890 tin, bài về Hội nghị WEF ASEAN 2018; có bảy triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng xã hội về Hội nghị này...

★ Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít, bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018. Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những bước phát triển mới của quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Ðáng chú ý, trong nửa đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2017, nhiều dự án mới của Việt Nam được cấp phép đầu tư vào Lào, một số công trình quan trọng như Nhà Quốc hội Lào, các trường học tại tỉnh Bô-ly-khăm-xay và tỉnh Xê-công… được triển khai đúng tiến độ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả Hiệp định về hợp tác lao động, Thỏa thuận về giải quyết vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú và triển khai tổng kết mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Ðen-xa-vẳn. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp triển khai tích cực các thỏa thuận cấp cao, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư theo hướng bảo đảm "chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ và tránh lãng phí”, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào tại Việt Nam đầu năm 2019.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, nhất là trong các vấn đề chiến lược, trong đó có vấn đề Biển Ðông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại mỗi nước cũng như ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia, đóng góp tích cực của đoàn đại biểu Chính phủ Lào và Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít tại Hội nghị WEF ASEAN 2018. Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít chúc mừng về thành công của hội nghị lần này và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà dành cho đoàn đại biểu Chính phủ Lào. Nhân dịp này, thay mặt Ðảng, Chính phủ và nhân dân Lào, Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít một lần nữa bày tỏ sự biết ơn sâu sắc về sự chia sẻ, giúp đỡ quý báu về vật chất và tinh thần của Ðảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em dành cho Lào trong việc khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Át-ta-pư cuối tháng 7 vừa qua.

★ Sáng 13-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen nhân dịp dự Hội nghị WEF ASEAN 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhiệt liệt chúc mừng thắng lợi của Ðảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI ngày 29-7 vừa qua, nhấn mạnh chiến thắng này thể hiện niềm tin của người dân Cam-pu-chia đối với vận mệnh đất nước do CPP lãnh đạo, tạo động lực cho Chính phủ mới tiếp tục triển khai các chính sách nhằm xây dựng đất nước Cam-pu-chia hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam chân thành mong muốn nhân dân Cam-pu-chia tiếp tục giành những thành tựu mới to lớn hơn nữa, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Cam-pu-chia ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Hun Xen nhiệt liệt chúc mừng thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018; đánh giá cao những thành tựu to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam, nhấn mạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam đã tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Cam-pu-chia.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, nhất là về kinh tế - thương mại, sớm ký Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Hai Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của hai nước trong triển khai công tác phân giới cắm mốc thời gian qua, nhất trí chỉ đạo Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc hai nước tăng cường gặp gỡ, trao đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh triển khai để có thể sớm hoàn thành công tác quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng hai nước trong công tác giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt ở Cam-pu-chia, nhất là chính quyền Cam-pu-chia đã có hướng dẫn và triển khai khẩn trương, giải quyết linh hoạt nhằm tạo thuận lợi về thủ tục giấy tờ cho người gốc Việt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phía Cam-pu-chia quan tâm, vận dụng linh hoạt, phù hợp các quy định liên quan để hỗ trợ thiết thực cho người gốc Việt, cân nhắc đầy đủ đến các yếu tố chính trị, pháp lý, lịch sử, xã hội để người gốc Việt an tâm sinh sống ổn định tại Cam-pu-chia, đóng góp tích cực cho sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Cam-pu-chia và quan hệ hai nước.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng chế độ diệt chủng ở Cam-pu-chia (7-1-1979 - 7-1-2019), thể hiện sâu đậm mối quan hệ đoàn kết chiến đấu tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia, giúp các tầng lớp, thế hệ nhân dân hai nước hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng lịch sử này, qua đó ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho quan hệ hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Hun Xen cảm ơn và nhận lời.

★ Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp GS C.Sơ-oáp, người sáng lập - Chủ tịch điều hành WEF. Thủ tướng đặc biệt cảm ơn ông C.Sơ-oáp, Ban tổ chức của WEF đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công hội nghị WEF ASEAN. Ðiều này đã mở ra chương mới trong hợp tác giữa WEF và Việt Nam.

Ông C.Sơ-oáp trân trọng cảm ơn lãnh đạo Ðảng, Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm, ủng hộ, hợp tác hiệu quả với WEF để cùng tạo nên thành công này. Chúng tôi tự hào về thành công này, ông C.Sơ-oáp nói; đồng thời đánh giá, hội nghị này thành công về cả nội dung và công tác tổ chức không phải chỉ có hàng nghìn người tại hội trường trực tiếp theo dõi mà nhờ công nghệ 4.0 đã tương tác 90 nghìn người theo dõi trực tiếp. Ðiều đáng mừng và đặc biệt của hội nghị, đó là trong 60 phiên thảo luận chuyên đề, tính tương tác giữa các start-up, các nhà nghiên cứu. Công tác tổ chức tuyệt vời thể hiện bố trí các hoạt động hợp lý. Công tác hậu cần, bảo đảm an ninh cũng rất thành công. Ông C.Sơ-oáp cho biết, theo thống kê từ Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), đến trưa 13-9, có 7.800 tin bài nói về hội nghị được phát trên các mạng chính thống toàn cầu; trong đó có gần 3.000 bài nói về lãnh đạo Việt Nam. Có 6,7 triệu người theo dõi trên mạng Facebook và Twitter, 13 nghìn góp ý, bình luận. Ông Sơ-oáp khẳng định, hội nghị WEF ASEAN tại Việt Nam là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF, là hội nghị có số lượng tin bài gấp bốn lần so hội nghị WEF tại một số nước trong khu vực.

Ông C.Sơ-oáp tin tưởng các thống kê về tin bài về diễn đàn WEF ASEAN trên các phương tiện truyền thông còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, sẽ tác động tích cực và mạnh mẽ đến Chính phủ, công chúng Việt Nam và ASEAN về CMCN 4.0, giúp các bên có thêm nhiều sáng kiến trong hợp tác phát triển trong lĩnh vực này. Chúng ta đã đưa ra được nhiều biện pháp, sáng kiến tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và WEF. Lãnh đạo WEF sẽ tiếp tục đề xuất nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa để tăng cường hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam thời gian tới.

★ Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông T.A-mét, Bộ trưởng Thương mại Băng-la-đét. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống hai nước đang phát triển tốt đẹp, hai bên cần bàn những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt tốt hơn nữa. Thủ tướng cho rằng, kim ngạch thương mại song phương còn thấp so tiềm năng, do đó cả hai nước cần nỗ lực hơn nữa để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh thời gian tới, trước mắt cần phấn đấu đạt hai tỷ USD/năm. Thủ tướng đề nghị hai nước tạo thuận lợi cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh vào thị trường của nhau; tạo thuận lợi tăng cường giao lưu doanh nghiệp. Việt Nam muốn đầu tư vào Băng-la-đét trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, dệt may, công nghiệp...; đề nghị Băng-la-đét tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn thuận lợi ở nước này.

Bộ trưởng Thương mại Băng-la-đét đánh giá Việt Nam luôn là người bạn tốt của Băng-la-đét. Hai nước đều có thế mạnh về xuất khẩu hàng dệt may và có thể hợp tác trong lĩnh vực này. Việt Nam luôn là bạn hàng lớn của Băng-la-đét, do đó, nước này mong muốn tăng mạnh kim ngạch thương mại song phương. Hiện môi trường đầu tư của Băng-la-đét đang được cải thiện mạnh mẽ, là thời cơ cho các nhà đầu tư Việt Nam. Trên cơ sở quan hệ chính trị hai nước tốt đẹp, Bộ trưởng mong muốn quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh thời gian tới.

★ Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) Phạm Tuấn Phan. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam và các nước thành viên rất quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nước sông Mê Công; nêu rõ cần thay đổi tư duy trong công tác bảo vệ nguồn nước sông Mê Công; chú trọng yếu tố con người, khoa học - công nghệ.

★ Tiếp ông X.Min-nơ, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách công châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự thịnh vượng của Facebook song hành đất nước Việt Nam. Facebook giống như bất kỳ công ty trong nước hay nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam là phải tuân thủ luật pháp Việt Nam (đóng thuế, tuân thủ các yêu cầu an ninh, xây dựng không gian mạng lành mạnh). Facebook làm ăn ở Việt Nam nên dành một tỷ lệ doanh thu vào tái đầu tư nghiên cứu và phát triển; sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định.

Ông X.Min-nơ khẳng định, Facebook sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên số, nhất là lĩnh vực Chính phủ số, kết nối số; hỗ trợ các start-up ở Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề an ninh mạng.

★ Chiều 13-9, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư tiếp đại diện lãnh đạo điều hành và phụ trách chính sách công cấp khu vực của các doanh nghiệp Facebook, Apple, Coca Cola nhân dịp các doanh nghiệp sang Việt Nam dự Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh về những cơ hội và thách thức mà CMCN 4.0 đem lại, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam; cho rằng các doanh nghiệp của Hoa Kỳ có tiềm năng, cơ hội lớn để hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế số, kết nối số, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử. Ðồng chí đánh giá cao hoạt động và định hướng đầu tư của các doanh nghiệp này tại thị trường Việt Nam; khẳng định luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với các góp ý, kiến nghị từ phía khu vực doanh nghiệp; nhấn mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động, tôn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam.

★ Bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đã tiếp Chủ tịch điều hành WEF B.Bren-đơ. Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đánh giá cao Ban lãnh đạo WEF đã ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức Hội nghị WEF ASEAN; khẳng định Việt Nam luôn đóng góp có trách nhiệm xây dựng Cộng đồng ASEAN, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Phó Thủ tướng đề nghị WEF ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại Phiên khai mạc, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và WEF. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam coi trọng Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF; đề nghị WEF tiếp tục hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia CMCN 4.0; tin tưởng kết quả triển khai Thỏa thuận hợp tác sẽ đóng góp thiết thực vào xây dựng chiến lược của Việt Nam đối với CMCN 4.0.

★ Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, công ty và ngân hàng quốc tế, như Mitsubishi, Hanwha Energy, Deloitte, HSBC và McKinsey. Phó Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn Mitsubishi cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nặng ở Việt Nam; đề nghị tập đoàn chú trọng thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng, giá trị của tập đoàn. Phó Thủ tướng chúc mừng Tập đoàn năng lượng Hanwha đã đạt thành công bước đầu tại Việt Nam; khẳng định ủng hộ Tập đoàn tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện mặt trời tại Việt Nam; đề nghị Tập đoàn quan tâm các dự án kết hợp chuyển giao công nghệ cao, bảo đảm tiêu chí về phát triển xanh và bền vững.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ mong muốn, Tập đoàn Deloitte tiếp tục kinh doanh hiệu quả và lâu dài tại Việt Nam, làm cầu nối cho doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, đóng góp vào phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng HSBC chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam trong ứng dụng công nghệ tài chính, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đề nghị McKinsey tư vấn về các chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, xử lý các tác động của CMCN 4.0, trong đó có tác động trong lĩnh vực lao động, việc làm.

★ Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ dự và phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với các đại diện khoảng 50 tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực tài chính, công nghệ. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại cởi mở, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; hoan nghênh và mong muốn nhận được các khuyến nghị của các tập đoàn hàng đầu để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn, tranh thủ tốt hơn cơ hội, lợi ích của CMCN 4.0.


                                                               Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục