(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp và được xác định là huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh ta. Đây cũng là địa phương đã khởi động tốt quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Lựa chọn rau hữu cơ là cây trồng chủ lực, người dân xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo thành công bước đầu cho quá trình tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt của địa phương.

Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có bước chuyển mình quan trọng, góp phần củng cố thế và lực cho địa phương trong giai đoạn phát triển mới.  So với các huyện khác trong tỉnh, huyện Lương Sơn có xuất phát điểm khá thuận lợi khi bắt đầu thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thống kê trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện đạt bình quân 4,52%/năm, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 3,88%/năm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất của ngành đạt trên 1.577 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,7% cơ cấu kinh tế chung của huyện.

 

Trong nội bộ ngành, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 93%,lâm nghiệp 4,85%, thủy sản 2,15%. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được cải thiện. Trên địa bàn huyện dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch còn chậm, kết quả đạt được chưa tương xứng, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương. Trong đó, hình thức tăng trưởng mới chỉ tạo ra khối lượng nhiều nhưng chất lượng, giá trị thấp; hiệu quả sử dụng tài nguyên chưa cao; chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản còn thấp; sản xuất chưa gắn với thị trường; mức độ thâm canh, áp dụng KHKT hạn chế; thu nhập của đại đa số người làm nông nghiệp bấp bênh do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan; nguy cơ thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn thường trực.... Trước thực trạng đó, huyện Lương Sơn xác định việc thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Lương Sơn đến năm 2020” là hết sức cần thiết. Qua đó sẽ tạo nguồn lực trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao gắn với xây dựng nông thôn mới toàn diện.

 

Ngay trong những năm đầu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Lương Sơn đã xác định quan điểm xuyên suốt là: Tái cơ cấu phải phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận, bền vững. Để làm được điều đó, huyện xác định trọng tâm của tái cơ cấu là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung thâm canh các cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương; áp dụng KHKT là khâu đột phá nâng cao chất lượng, giảm giá thành, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân, đảm bảo gia tăng mức độ bền vững của nền kinh tế nông nghiệp.

Bám sát định hướng chung, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lương Sơn đã cụ thể hóa nội dung đề án phù hợp với từng địa bàn, từ đó cùng tạo ra sức mạnh tổng hợp để kinh tế nông nghiệp huyện nhà được những bước chuyển mình quan trọng. Trong 5 năm (2013-2017), thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,13%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tăng từ 87 triệu đồng/ha/năm (năm 2013) lên 168,9 triệu đồng/ha/năm (năm 2017), bình quân đạt 18,05%/năm. Nhờ nâng cao hiệu quả sản xuất, mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông nghiệp cũng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 còn 4,83%, giảm 2,53% so với năm 2013.

Cùng với nỗ lực đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, huyện Lương Sơn đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, hàng hoá cao nhươ rau, hoa, cây cảnh, cây dược liệu, một số loại cây ăn quả lợi thế… và giảm dần diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp nhơư khoai lang, sắn, đậu tương… Đặc biệt, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp thâm canh, bảo quản và tiêu thụ nông sản sau thu hoạch... được áp dụng đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ngày càng nhân rộng các mô hình mang tới hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, như mô hình trồng bưởi da xanh, bưởi diễn cho thu nhập trên 350 triệu đồng/ha; trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha; trồng rau hữu cơ thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; trồng bí xanh thu nhập trên 120 triệu/ha/vụ... Đó chính là những bằng chứng sống động và đầy thuyết phục cho thấy nền kinh tế nông nghiệp của huyện Lương Sơn đã tích cực chuyển mình ngay trong 5 năm đầu thực hiện tái cơ cấu.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn khẳng định: Huyện Lương Sơn đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Sau 5 năm tích cực cơ cấu lại, kinh tế nông nghiệp của huyện đã thực sự chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. So sánh với bộ tiêu chí giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp có thể thấy một số kết quả rất đáng ghi nhận. Điển hình như mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm đạt 4,13%/năm, cao hơn so với mục tiêu khu vực miền núi phía Bắc (3%/năm); giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng lên 168,9 triệu đồng/năm, tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt trung bình 5,37%/năm, đều cao hơn so với mục tiêu khu vực; tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 46,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu khu vực (27%)…

Cùng với việc đạt và vượt một số chỉ tiêu quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Lương Sơn còn là địa phương đi đầu trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã có 10/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 52,6%, cao nhất so với các địa phương trong tỉnh. Những kết quả này giúp huyện Lương Sơn củng cố thêm nội lực để tạo được sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong giai đoạn phát triển tiếp theo, xứng đáng trở thành huyện kinh tế trọng điểm./.

 

Thu Trang

 

 


Các tin khác


Dấu ấn phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa

(HBĐT) - Bà con tấp nập kéo đến chợ; hàng hóa cung ứng đảm bảo chất lượng, mẫu mã, chủng loại đa dạng, phong phú hơn; đặc biệt là không khí hồ hởi trao đổi giao thương khiến Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa đi đến đâu để lại ấn tượng tốt đẹp đến đó. Với bà con dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), dấu ấn về Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa được tổ chức trong 3 ngày 10 - 12/8/2018 vẫn còn in đậm. Trước đó, cùng với băng rôn, áp phích, tờ rơi, các xe tuyên truyền lưu động đã tới từng xóm, bản để thông báo về phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức tại cụm xã vùng cao này.

Tổng số tiền phạt vi phạm và hàng hóa tịch thu trên 2 tỷ đồng

(HBĐT) - 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT đã kiểm tra độc lập và phối hợp kiểm tra 2.643 vụ, bằng 91,14% so với kế hoạch năm. Qua kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện, xử lý 1.148 vụ, bằng 1.218 hành vi. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính (VPHC) và hàng hóa tịch thu trị giá hơn 2 tỷ đồng, trong đó, phạt VPHC 1,8 tỷ đồng.

9 tháng, giá trị xuất khẩu tăng 20,81% so với cùng kỳ năm trước

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, 9 tháng qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu ước đạt 457,56 triệu USD, tăng 20,81% so với cùng kỳ năm trước, bằng 75,01% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa được 428,49 triệu USD, tăng 21,75% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,04% kế hoạch năm; xuất khẩu dịch vụ được 29,07 triệu USD, tăng 8,47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,54% kế hoạch năm.

Khai trương cửa hàng Xăng dần số 24 trên đường Hòa Lạc- Hòa Bình

(HBĐT) - Sáng 15/10, Chi nhánh Xăng dần Hòa Bình đã khai trương cửa hàng xăng dầu số 24, xã Đồng Bến, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Tới dự có đại diện các sở, ngành chức năng, Chi nhánh  Xăng dầu Hà Sơn Bình, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Yên Thủy: Cung ứng 10 tấn giống, 90 tấn phân bón đảm bảo chất lượng

(HBĐT) - 9 tháng năm 2018, trạm Khuyến nông, khuyến lâm huyện Yên thủy đã chủ động phối hợp với các đơn vị sản xuất và cung ứng giống, vật tư nông nghiệp có uy tín, chất lượng phục vụ sản xuất. Kết quả đã cung ứng 10 tấn giống lúa, ngô các loại, 90 tấn phân bón và 1.000kg thuốc BVTV, thuốc thú y các loại. 

Từ 12/10, chi cục QLTT chuyển thành Cục QLTT

(HBĐT ) - Từ ngày 12/10, chi cục QLTT chính thức chuyển thành Cục QLTT trực thuộc Tổng cục QLTT theo Quyết định số 3675/QĐ – BCT của Bộ Công Thương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục