Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa xã Tử Nê (Tân Lạc) thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, mua sắm.
Tối khai mạc vừa mới bắt đầu cũng là lúc người người, nhà nhà í ới gọi nhau đến với phiên chợ. Không chỉ ở 2 xã vùng đồng bào Mông mà người dân các khu vực lân cận của huyện Vân Hồ (Sơn La), nhân dân xã Tân Sơn gần đó cũng hào hứng đến thăm quan, mua sắm.
Chị Mùa Y Ghánh ở xóm Hang Kia 2, xã Hang Kia cho biết: Phiên chợ rất đông vui, có cả văn nghệ do chị em các chi hội phụ nữ biểu diễn nên lôi cuốn lắm. Lần đầu tổ chức tại vùng dân tộc Mông, bà con đi làm đi cả nhà, tối đến được thưởng thức văn nghệ, giao lưu, vừa thăm quan, mua sắm những món đồ vừa ý, hàng do Việt Nam sản xuất có chất lượng.
Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn lần thứ tư tại xã Tử Nê cũng là một phiên đáng nhớ. Mặc dù thời gian khai mạc bị gián đoạn do sự cố mất điện lưới nhưng không khí phiên chợ vẫn vẹn nguyên sự náo nức. Hàng nghìn người dân từ các xã trong cụm dồn về nơi tập trung các gian hàng để chờ khai mạc. Ngay khi có điện trở lại, phiên chợ trở nên náo nhiệt, tưng bừng. Bà con hồ hởi thăm quan, mua sắm, còn các doanh nghiệp, người bán hàng bận rộn giới thiệu, quảng bá, đưa ra những sản phẩm tốt nhất, công dụng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế của người dân.
Bà Bùi Thị Ngát ở xóm Bái Trang, xã Đông Lai nhận xét: Phiên chợ có nhiều mặt hàng phù hợp để mua. Thứ nhất là phù hợp với nhu cầu, thị hiếu như bát đĩa sành sứ, đồ nhôm, nhựa, các loại xoong, nồi, chậu, rổ, rá, chăn - ga - gối - đệm thu đông, đồ điện gia dụng, hàng may mặc, giày dép… Thứ hai, hàng hóa ở đây đều là hàng Việt Nam nên không lo mua phải đồ rẻ tiền, mau hỏng. Thứ ba, giá cả so sánh với các điểm bán khác thì phải chăng. Ví dụ mua một bóng tích điện có giá 39.000 đồng, trong khi ngoài thị trường giá từ trên 40.000 đồng/chiếc. Các loại rổ, rá, chậu nhựa đồng giá 10.000 đồng/cái…
Được tổ chức từ 10/8, mỗi phiên chợ kéo dài trong 3 ngày. Chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa năm 2018 trải qua 5 phiên chợ. Phiên chợ thứ 5 được tổ chức tại xã Dũng Phong (Cao Phong). Trong nửa tháng diễn ra, mặc dù có phiên chợ gặp bất thuận về thời tiết do mưa bão như Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa xã Phong Phú (Tân Lạc) nhưng vẫn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong vùng. Theo các doanh nghiệp tham gia, so với Chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa các năm 2016, 2017, doanh thu năm nay tăng 1,5 - 2 lần, đặc biệt là bà con ngày càng tin dùng các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Đồng chí Chu Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh cho biết: Sau mỗi năm tổ chức thực hiện, chất lượng của Chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa càng được nâng cao. Đồng thời, Chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân. Doanh nghiệp tham gia chương trình được chọn lựa kỹ và phải là doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước uy tín. Hàng hóa đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu và khả năng thanh toán của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các phiên chợ được đẩy mạnh, đi liền với việc chú trọng phần hội để thu hút người tiêu dùng. Mặt khác, mỗi năm, các phiên chợ tổ chức ở mỗi cụm khác nhau, phân đều cơ hội cho mỗi vùng cũng như tăng thêm sự lan tỏa của Chương trình, tuyên truyền có hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
(HBĐT) - Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định. Hoạt động lưu thông hàng hóa và dịch vụ có mức tăng trưởng khá cao, hàng hóa cung ứng trên thị trường phong phú, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.