Cùng với quá trình xây dựng thương hiệu, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) tích cực mở rộng vùng cam thương phẩm.
Lâu nay, gà ri (gà Mò) là giống gà đặc sản của Hòa Bình nói chung, Lạc Sơn nói riêng. Gà ri bản địa Lạc Sơn sống trên vùng núi đá vôi, tự kiếm ăn, da mỏng, ít mỡ, thịt chắc, thơm nên được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Từ năm 2016 đến nay, huyện phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, một số ngành liên quan tổ chức các hội thảo bảo tồn và phát triển giống gà, lập hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, chứng nhận thương hiệu. Hiện nay, nhãn hiệu tập thể gà Lạc Sơn đang chờ được công nhận. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, thông qua tuyên truyền, vận động, chăn nuôi gà tại hộ gia đình trên địa bàn phát triển mạnh cả về chất lượng, quy mô. Tổng đàn gia cầm của huyện hiện có 1,2 triệu con. Thúc đẩy hình thành một số HTX chăn nuôi gà như HTX chăn nuôi gà Hương Nhượng, HTX chăn nuôi và cung ứng gà các xã: Chí Thiện, Vũ Lâm, Yên Phú… với quy mô từ 10.000 - 20.000 con.
5 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Lạc Sơn tăng mạnh. Thống kê đến hết tháng 10/2018, toàn huyện có 638 ha, trong đó diện tích cam 339,03 ha, quýt 24 ha, bưởi 214,07 ha. Diện tích cây có múi đã cho thu hoạch 214,8 ha, gồm 128 ha cam, 80 ha bưởi, 6,8 ha quýt. Bước đầu hình thành các vùng cây có múi tập trung ở các xã: Hương Nhượng, Thượng Cốc, Tân Mỹ, Mỹ Thành, Văn Sơn, Bình Chân… Một số HTX, tổ hợp tác tập hợp các hộ trồng cam đã mở các điểm quảng cáo, bán hàng, tự tìm kiếm các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Qua đánh giá, chất lượng, mẫu mã cam, quýt nơi đây không thua kém chất lượng, mẫu mã cam, quýt trồng ở các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, với diện tích, sản lượng cây có múi năm 2018 và những năm tới dự báo tiếp tục tăng, "đầu ra” và giá sản phẩm là vấn đề nông dân lo ngại. Theo nguyện vọng của các hộ làm ra sản phẩm, huyện đang tiến hành các bước khảo sát và xúc tiến thương hiệu cho sản phẩm cam, quýt Lạc Sơn.
Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện, thương hiệu là khẳng định về mặt pháp lý, công nhận về nhãn hiệu, giúp quảng bá sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng cũng như nâng cao giá trị kinh tế, chiếm lĩnh thị phần, tăng thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân và thúc đẩy phát triển sản xuất. Những năm gần đây, nhiều lợi thế trong phát triển hàng hóa nông sản trên địa bàn huyện đã được phát huy, nhất là các sản phẩm đã và đang trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu. Huyện đã thống kê các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các xã. Trên cơ sở đó, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, tiến tới xây dựng thương hiệu. Tiêu biểu có hạt dổi các xã: Chí Đạo, Chí Thiện, gà đồi xã Hương Nhượng, dê núi xã Văn Nghĩa, củ đậu xã Tân Mỹ, mật ong xã Tuân Đạo, cây có múi các xã: Tân Mỹ, Hương Nhượng, Xuất Hóa, Văn Sơn, Miền Đồi, Phúc Tuy, ớt núi xã Phú Lương, mía tím, bí xanh xã Liên Vũ, măng bương xã Quý Hòa…
Thu Hằng
(HBĐT) -Tối 3/12, với chủ đề "Hội Nông dân tham gia xây dựng NTM”, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Đà Bắc tổ chức đêm giao lưu truyền thông tại xã Tu Lý.