Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho dự án Nhà máy sản xuất bột nhẹ Xuân Thiện - Hòa Bình. Ảnh: P.V
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 11/2016, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 18 nhà đầu tư thực hiện 19 dự án. Dù số vốn đầu tư còn khiêm tốn nhưng đến nay, cả 19 dự án triển khai xây dựng cho thấy những nỗ lực của chính quyền các cấp cùng đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án. Trong đó có nhiều dự án hứa hẹn mang lại sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương như: Nhà máy sản xuất bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình tại huyện Lạc Thủy với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng; Dự án cáp treo Hương Bình tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng và dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình tổng mức đầu tư 3.122 tỷ đồng. Dự án Trung tâm Vincom và nhà ở thương mại Shophouse; Dự án khu du lịch sinh thái tại Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc trên lòng hồ Hòa Bình tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra còn có dự án sân gofl 36 lỗ của Công ty Glexemco tại xã Trung Minh; dự án sân gofl 36 lỗ của Công ty An Việt…
Trong các năm 2016, 2017 và 2018, trung bình mỗi năm tỉnh thu hút thêm 60 - 70 dự án đầu tư. Hiện, toàn tỉnh có trên 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 36.000 tỷ đồng; có 527 dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, trong đó 490 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 65.238 tỷ đồng và 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 598 triệu USD. Số dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh chiếm gần 50%, hàng năm đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 440 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 28.100 người, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.
Các dự án đầu tư đã góp phần quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 8,36%, đứng thứ 2 khu vực Tây Bắc, thứ 4 khu vực trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Quy mô GRDP năm 2018 đạt khoảng 40.643 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,03 triệu đồng; thu ngân sách đạt 3.325 tỷ đồng...
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc cải thiện môi trường kinh doanh; thường xuyên tổ chức đối thoại và chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm xúc tiến thương mại, chỉ đạo các ngành và địa phương hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án. Tỉnh cũng có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh như: giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để cải thiện từng chỉ số PCI, công khai giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công; theo dõi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng sở, từng cán bộ. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách chỉ đạo các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu vực trọng điểm, tạo ra những lợi thế, sức lan tỏa mới phát triển KT- XH như: hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hòa Bình xuống trung tâm Hà Nội còn 1 giờ xe chạy, mở ra cơ hội phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp dọc tuyến đường; tập trung giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng đường các dự án giao thông quan trọng như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435; đường kết nối đường Hồ Chí Minh với QL 12 B đi QL 1… nhằm tạo ra những lợi thế mới về thu hút đầu tư khu du lịch hồ Hòa Bình và các địa phương khác…
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư, trong bối cảnh mới, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đang đứng trước cơ hội rất lạc quan. Tại hội nghị thu hút đầu tư năm 2018, UBND tỉnh sẽ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 9 nhà đầu tư thực hiện 9 dự án và ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh và có nhiều dư địa phát triển.
Tỉnh tiếp tục tranh thủ hiệu quả các nguồn lực giúp đỡ, phát huy nội lực, đổi mới tư duy, cách làm, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng, góp phần hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, phấn đấu đưa kinh tế của tỉnh đạt từ trên mức trung bình của cả nước và nằm trong nhóm khá trở lên, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động hiệu quả góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình rút ngắn khoảng cách từ TP Hòa Bình đến trung tâm TP Hà Nội còn 1 giờ xe chạy.
PV
LĨNH
VỰC ĐẦU TƯ CÓ TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA TỈNH HÒA BÌNH
Trong
thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư vào
các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng và lợi thế sau:
1.
Là tỉnh miền núi nhưng lại tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, với đặc điểm địa hình nổi
bật là đồi núi với khu rừng đặc dụng, nguyên sinh xen kẽ là các thung lũng
xanh, môi trường trong lành. Có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như khu du lịch
quốc gia hồ Hòa Bình, điểm du lịch quốc gia Mai Châu và một số nơi có tiềm năng
như: Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong... Bên cạnh đó, Hòa Bình còn là nơi
có sự kết hợp hài hòa về tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng nhiều dân tộc,
với nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Có tiềm năng lớn để đầu tư phát triển
các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, chơi
gofl, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch văn hóa - di tích lịch sử...
2.
Là tỉnh tiếp giáp và nằm trong vùng quy hoạch Thủ đô, có lợi thế trở thành vùng
hậu cần, cung cấp hàng hóa nông sản, thực phẩm, dịch vụ cho Thủ đô Hà Nội và
các tỉnh lân cận; có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển
nông, lâm nghiệp, thủy sản sạch… Ngoài ra, Hòa Bình có nhiều khu vực núi cao
trên 1.000 m, khí hậu ôn đới, diện tích rộng lớn như Sam Tạng, huyện Mai Châu;
Quyết Chiến, Nam Sơn, huyện Tân Lạc; Lạc Sơn; Lương Sơn... rất thuận lợi cho
phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch.
3.
Có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng như đá granit, đá vôi, than đá, đất
sét, cao lanh có thể khai thác, phát triển công nghiệp khai khoáng, tuyển
luyện quặng kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và đá
xây dựng...
4.
Các khu, cụm công nghiệp có diện tích lớn đều được quy hoạch tại khu vực thuận
lợi; một số khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có mặt bằng đất sạch.
Bên cạnh đó, Hòa Bình có diện tích rừng, diện tích trồng cây ăn quả, cây công
nghiệp lớn, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công không cao, thuận lợi cho
việc triển khai thực hiện các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công
nghiệp hỗ trợ, công nghiệp lắp ráp, cơ khí, điện, điện tử, may mặc, thực phẩm,
đồ uống (bia, nước giải khát...) và đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
5.
Nằm ở vị trí cầu nối giữa miền núi và đồng bằng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội
thông qua các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư từ nhiều năm về trước, đến
nay rất cần đầu tư cải tạo, nâng cấp. Một số khu công, cụm công nghiệp chưa có
nhà đầu tư hạ tầng. Nên nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu,
cụm công nghiệp là rất lớn. Tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư thực hiện các dự
án giao thông theo hình thức BOT, BT... và các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp;
đầu tư các bệnh viện khu vực chất lượng cao.