Chia sẻ hiệu quả của chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, anh Xa Văn Hoan là người dân tộc Tày ở xóm Phú Sơn, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc cho biết: Trước khi được tiếp cận vốn vay ưu đãi, gia đình tôi thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn của xã. Mặc dù quanh năm vất vả với nương rẫy nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám và thường xuyên bị thiếu đói vào mùa giáp hạt. Năm 2012, gia đình tôi được bình xét cho vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo và 8 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn từ Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền đó, gia đình tôi đầu tư mua 2 con trâu sắp đến kỳ sinh sản, nhờ chăm sóc cẩn thận, sau gần 1 năm phát triển thêm 2 con nghé. Năm 2015, khi đến hạn trả nợ, gia đình tiếp tục vay 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi. Đến nay, đàn trâu của gia đình tôi có 5 con. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay vốn chương trình NS&VSMT và chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở. Gia đình tôi thực hiện nghiêm túc việc trả lãi và gửi tiết kiệm. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thì gia đình tôi chưa thể thoát khỏi đói nghèo, chưa có nhà kiên cố để ổn định cuộc sống…
Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, hộ nghèo xã Cao Sơn (Đà Bắc) đầu tư nuôi trâu, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trường hợp của gia đình anh Hoan chỉ là 1 trong hơn 90 nghìn lượt hộ trong toàn tỉnh đã vượt qua ngưỡng đói nghèo sau 15 năm vốn chính sách phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH yêu cầu các phòng giao dịch chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, bố trí ngân sách chuyển vốn sang ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế và huy động vốn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ngân hàng tiếp tục tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi cho vay quay vòng và vốn được bổ sung mới trong năm 2018 theo chỉ tiêu kế hoạch được T.Ư và tỉnh giao, không để tồn đọng vốn. Các đơn vị của ngân hàng cũng tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, phấn đấu thu hồi nợ quá hạn tồn đọng và có giải pháp ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh; nâng cao chất lượng hoạt động ở các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ đúng quy định.
Có thể khẳng định, việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo đã mang lại hiệu ứng tích cực. Đến hết tháng 11, doanh số cho vay chương trình hộ nghèo đạt trên 303 tỷ đồng với 9.582 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ đạt trên 256 tỷ đồng. Tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ nghèo của toàn tỉnh đạt trên 922 tỷ đồng, với 31.851 lượt khách hàng còn dư nợ. Tuy nhiên, để đồng vốn cho vay hộ nghèo phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay vốn cần được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trở thành điểm tựa giúp hộ nghèo nâng cao đời sống, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành "cú huých" giúp những hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.
Hiện, mức cho vay tối đa chương trình hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,55%/tháng (6,6%/năm). Mức cho vay do ngân hàng và hộ vay thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. |