Thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây, từ 1.976 ha (năm 2013) lên 9.700 ha (năm 2018), năng suất hiện đạt 24 tấn/ha, sản lượng 123.000 tấn. Diện tích tập trung chủ yếu ở 9/11 huyện, thành phố, trong đó diện tích cam, quýt chủ yếu ở các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn; bưởi ở huyện Tân Lạc, Yên Thủy. Riêng huyện Cao Phong diện tích cây ăn quả có múi trên 3.000 ha, diện tích đang ở thời kỳ kinh doanh 1.300 ha, sản lượng ước đạt 36.000 tấn, tăng 3.000 tấn so với năm 2017. Huyện Lạc Thủy có tổng diện tích cây ăn quả có múi 1.045 ha, diện tích kinh doanh 400 ha, sản lượng trên 8.000 tấn.
Người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm cam Cao Phong có tem nhãn, xuất xứ rõ ràng, được quảng bá tại Lễ hội cây ăn quả có múi và Hội chợ nông nghiệp tỉnh Hòa Bình năm 2018.
Để bảo vệ danh tiếng, thương hiệu cây ăn quả có múi, trong những năm gần đây, ngành NN&PTNT có nhiều giải pháp, trong đó việc kiểm soát chất lượng cây giống, "đầu vào” vật tư nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Các đợt kiểm tra đột xuất, định kỳ được các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện hàng năm, không để vật tư nông nghiệp kém chất lượng, nhất là tình trạng phân bón giả, cây giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng vào tiêu thụ trên địa bàn. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trong năm 2018 đã kiểm tra trên 500 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, riêng thanh tra, kiểm tra về sử dụng thuốc BVTV thực hiện 1 cuộc với 2 tổ chức, chưa phát hiện vi phạm về sử dụng thuốc BVTV. Lĩnh vực phân bón kiểm tra 2 tổ chức, chưa phát hiện vi phạm. Đối với lĩnh vực giống cây trồng đã thanh tra chất lượng giống cây trồng lưu thông trên thị trường, chưa phát hiện vi phạm quy định sản xuất, kinh doanh giống.
Kể từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã xúc tiến xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, Nhãn hiệu cam Lạc Thủy và nhãn hiệu bưởi đỏ Tân Lạc. Để bảo vệ và giữ vững thương hiệu sản phẩm, nhà vườn tại các địa phương đã tuân thủ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn sạch, an toàn. Tại huyện Cao Phong hiện có khoảng 800 ha cam, quýt được cấp chứng nhận VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả, bao bì sản phẩm nhằm tránh hàng giả, hàng nhái trà trộn làm mất uy tín sản phẩm cam Cao Phong. Tại vùng bưởi đỏ huyện Tân Lạc có 52 ha bưởi được cấp chứng nhận VietGAP.
Đã có chứng nhận độc quyền cho các sản phẩm cam Cao Phong, cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc. Các "công cụ” quảng bá khác như hệ thống nhận diện, tem, nhãn, logo cũng được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hộ sản xuất, kinh doanh. Người sản xuất chỉ cần thực hiện đúng quy trình sản xuất, các tiêu chí để cung ứng cho thị trường sản phẩm có chất lượng tốt, sản lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
Với nhận thức và hành động đúng đắn, tỉnh ta tiếp tục sử dụng thương hiệu làm công cụ để quảng bá sản phẩm cây ăn quả có múi, tổ chức các lễ hội và đưa các sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ cấp vùng, khu vực và toàn quốc để người tiêu dùng biết đến thương hiệu cây ăn quả có múi của Hòa Bình nhiều hơn, không chỉ danh tiếng trong nước mà còn vươn tới thị trường quốc tế.
Bùi Minh