Công nhân Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (khu công nghiệp bờ trái sông Đà) gia công sản phẩm thấu kính xuất khẩu, năm 2018, sản phẩm này tăng cao so với năm 2017.
Một trong những điểm nhấn đang gây sức hút trong thời gian gần đây là dự án Zen Village của Công ty CP thương mại Dạ Hợp. Chính thức ra mắt cuối tháng 10/2018, dự án đã nhanh chóng tạo được ấn tượng khi dự kiến xây dựng một khu đô thị có quy mô, tiện ích và giá trị cao cấp bậc nhất tỉnh Hòa Bình. Trên diện tích 7,2 ha, dự án cung cấp các gói sản phẩm bất động sản hấp dẫn, gồm 105 lô đất shophouse (nhà kinh doanh), 48 lô đất liền kề - villa, 19 lô đất biệt thự đẳng cấp. Cùng với đó là hàng loạt tiện ích mà chưa dự án bất động sản nào ở Hòa Bình có được như: xây dựng trường liên cấp tiêu chuẩn quốc tế; nhà cộng đồng nổi 3 mặt hướng hồ, có dòng suối Đúng tự nhiên bao quanh, nhiều loại cây quý được đặt thành tên phố; có hệ thống an ninh tự động, khu tâm linh cùng 40 tiện ích nội khu…
Với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, dự án tiếp tục khẳng định tiềm lực kinh tế cũng như vị thế vững chắc của Công ty CP thương mại Dạ Hợp trong cộng đồng doanh nghiệp Hòa Bình. Trước đó, công ty đã triển khai thành công các dự án lớn trên địa bàn TP Hòa Bình. Điển hình như dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư An Cư Xanh, dự án nhà ở xã hội Dạ Hợp, trường mầm non tiêu chuẩn quốc tế Hoa Dạ Hợp, dự án Nhà máy nước sạch bờ trái sông Đà…
Cách không xa vị trí triển khai dự án Zen Village là khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà. Cùng với KCN Lương Sơn, đây là một trong hai KCN của tỉnh đã cơ bản xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng thu hút doanh nghiệp thứ phát đầu tư. Đến nay, KCN đã cho các dự án thứ cấp thuê 26,17 ha trong tổng diện tích đất công nghiệp được quy hoạch là 50,77 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 51,55%. Theo đại diện Ban Quản lý KCN này cho biết, trong năm 2018, KCN chú trọng đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, KCN đã được đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư khoảng 309,705 tỷ đồng, trong đó, vốn của chủ đầu tư hạ tầng khoảng 270 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai hoàn thiện các hạng mục còn lại để tạo nhiều thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư tại đây.
Đồng chí Trần Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Hiện nay, trong 8 KCN đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, 4 KCN đã có chủ đầu tư hạ tầng là KCN Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Mông Hóa và Nam Lương Sơn. Các KCN này đang có doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh với 85 dự án đầu tư, bao gồm 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 63 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký đầu tư là 403,3 triệu USD và trên 6.961 tỷ đồng. Nhìn chung trong năm 2018, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN có kết quả sản xuất - kinh doanh khá ổn định, tạo việc làm cho trên 17.300 lao động. Trong đó, sức hút nổi bật nhất lần lượt là: KCN Lương Sơn với tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt 89, 45%; KCN Nam Lương Sơn đạt 61,16%; KCN Mông Hóa đạt 53,37%; KCN bờ trái sông Đà đạt 51,55%.
Đối với các cụm công nghiệp (CCN), được biết, có 21 CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển CN-TTCN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích được quy hoạch của 21 CCN là 663,4 ha. Tính đến nay, có 15 CCN trong quy hoạch đã được UBND tỉnh quyết định thành lập và lập quy hoạch chi tiết 1/500 với tổng diện tích gần 362 ha. Trong đó, 6 CCN tại 3 huyện: Lạc Thủy, Tân Lạc và Mai Châu đã đi vào hoạt động, thu hút 14 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất - kinh doanh với tổng diện tích thuê đất 45,26 ha.
Bên cạnh kết quả hoạt động của các KCN, CCN, năm 2018 còn ghi nhận những dấu ấn nổi bật của thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN. Đến cuối năm 2018, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 67 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 7.630 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 0,242 triệu USD. So với năm 2017, tuy có giảm 6 dự án nhưng số vốn đăng ký tăng 24,4%. Lũy kế đến hết năm 2018, toàn tỉnh có tổng số 546 dự án, bao gồm 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 702 triệu USD và 508 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 66.857 tỷ đồng. Đây là kết quả quan trọng cho thấy tác động của các nhóm giải pháp tỉnh đã chú trọng triển khai trong thời gian qua nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển CN-TTCN.
Theo chỉ tiêu thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp phấn đấu đạt bình quân 10,5%/năm. Trong năm 2018, tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu quan trọng này với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp – xây dựng đạt 12,38%, trong đó, ngành công nghiệp tăng 13,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,63% so với cùng kỳ năm trước, vượt 2,75% kế hoạch năm.
Nhìn chung, các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của ngành tiếp tục duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và đều vượt kế hoạch năm. Đặc biệt, một số sản phẩm chủ yếu thuộc ngành chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao. Điển hình như đường các loại tăng 66,67% so với cùng kỳ, vượt 61,29% so với kế hoạch năm; xi măng tăng 57,5% so với cùng kỳ, vượt 35% kế hoạch; thấu kính tăng 57,79% so với cùng kỳ, vượt 56,64% kế hoạch; ván MDF tăng 51,22% so với cùng kỳ, vượt 24% kế hoạch; sản phẩm điện tử tăng 42,86% so với cùng kỳ, vượt 12,5% kế hoạch. Các sản phẩm TTCN cũng được đẩy mạnh sản xuất gắn với thành quả đáng tự hào của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Đây được xem là dấu ấn quan trọng trong phát triển ngành CN-TTCN năm 2018, góp phần tạo nên những mảng màu tươi sáng cho bức tranh KT -XH tỉnh nhà trong năm 2018 và mở ra những kỳ vọng mới chào đón năm 2019.
Thu Trang