Thành viên HTX Đồng Sơn, xã Thành Lập (Lương Sơn) chăm sóc rau hữu cơ.
Chị Hoàng Thị Thức, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Đồng Sương, xã Thành Lập hình thành ý tưởng làm nông nghiệp hữu cơ từ 10 năm trước, khi tổ chức của Đan Mạch tài trợ chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương. Tuy nhiên, phải đến khi huyện định hướng và lựa chọn thôn Đồng Sương làm điểm sản xuất mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ, tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo hội viên thực hành sản xuất theo phương pháp mới, chị Thức cùng 7 thành viên khác mới tiếp cận và hình thành HTX sản xuất rau an toàn. Chị Thức đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ, tìm hiểu thị trường, phát triển sản phẩm rồi thuyết phục bà con hợp tác hình thành khu sản xuất rau quy mô hơn. Tiếp đó, chị Thức cùng các thành viên HTX đầu tư quảng bá sản phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc và bao bì cho sản phẩm...
Đến nay, vùng sản xuất rau hữu cơ đạt hơn 3 ha với 35 thành viên HTX. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường trên 70 tấn rau, củ, quả các loại. Thu nhập của các hộ thành viên HTX trực tiếp tham gia sản xuất đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng, có người đạt từ 8 - 12 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ngoài ra, HTX còn mở rộng chăn nuôi gà sạch và được Hiệp hội hữu cơ Việt Nam phê duyệt dự án cấy lúa, nuôi gà trong mô hình khép kín. Bên cạnh đó, chị Hoàng Thị Thức ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu du lịch sinh thái, có nhà, vườn, có hồ, suối để du khách vừa thăm quan sản phẩm hữu cơ, vừa tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ, thơ mộng. Mạnh dạn thay đổi, biến những ước mơ của mình thành hiện thực, chị Hoàng Thị Thức đã tiếp thêm động lực cho nhiều phụ nữ quyết tâm khởi nghiệp từ những sản vật của quê hương.
Chị Hoàng Thị Thúy, thôn Trại Sáu, xã Nhuận Trạch sau khi được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi bò sữa do UBND xã tổ chức theo Dự án chăn nuôi bò sữa của huyện, chị đã quyết tâm chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá, trồng cây ăn quả sang nuôi bò sữa. Đầu tiên chị đầu tư mua 1 cặp bò cái nuôi thử. Sau 1 năm rưỡi, cặp bò của gia đình chị sinh được 2 bê con và bắt đầu cho thu sữa. Bình quân mỗi ngày cho thu 30 kg sữa với giá bán 10.000 đồng/kg, thu nhập 300.000 đồng/ngày. Nhìn thấy hiệu quả từ chăn nuôi bò sữa, gia đình chị Thuý đã quyết định vay vốn mở rộng mô hình. Gia đình chị đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm con giống, máy vắt sữa và dành thời gian tìm hiểu thêm kiến thức, kỹ thuật nuôi bò sữa hiệu quả, học tập kinh nghiệm tại một số cơ sở nuôi bò sữa ở địa phương khác. Đến nay, gia đình chị Thuý đã có đàn bò sữa 18 con. Bình quân mỗi ngày thu trên 200 lít sữa (tương đương trên 2 triệu đồng). Như vậy, trong 1 tháng, gia đình chị có thu nhập từ bò sữa lên tới trên 60 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lương Sơn cho biết: Chị Thức, chị Thúy là hai trong nhiều hội viên phụ nữ tiêu biểu của huyện khởi nghiệp thành công. Những hội viên, phụ nữ tiêu biểu như các chị đã động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong các cấp Hội.
Năm 2018, Hội LHPN huyện triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đến các cấp Hội cơ sở, hướng đến tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện giúp phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, Hội LHPN huyện đã "trao cần câu cá” cho hội viên bằng cách tạo vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng khởi nghiệp… và hoạt động này được khảo sát lấy ý kiến của nhiều cá nhân, đơn vị, đa số đều nhận được sự ủng hộ tích cực.
Trong định hướng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội khuyến khích phụ nữ thực hiện các ý tưởng kinh doanh phù hợp với điều kiện và tuân thủ quy định pháp luật. Hội rà soát nhu cầu việc làm đối với phụ nữ có ý tưởng kinh doanh; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ lồng ghép trong các chương trình hoạt động Hội; tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, gặp mặt doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng; xây dựng các mô hình "Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch”, "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, hợp tác xã… Trong năm 2018, Hội đã duy trì 3 CLB nữ chủ kinh doanh tại Hội LHPN xã Hòa Sơn, Nhuận Trạch, thị trấn Lương Sơn và 2 tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn (xã Hợp Châu); hỗ trợ giới thiệu kết nối thu sản phẩm cho HTX sản xuất rau hữu cơ thôn Đồng Sương, xã Thành Lập. Kết quả mở rộng tiêu thụ sản phẩm ổn định trên 80 tấn rau, củ, quả các loại cho 1 công ty và 3 cửa hàng, góp phần thu nhập của các thành viên thấp nhất là 2 triệu đồng/tháng và cao nhất là 12 triệu đồng/người/tháng... Những hoạt động của Hội LHPN huyện Lương Sơn góp phần đắc lực giúp hội viên sáng tạo khởi nghiệp.
H.D