Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang ký bản ghi nhớ với các nhà đầu tư triển khai dự án tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018.
Theo Sở KH&ĐT, năm 2002, trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 dự án, trong đó 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 2 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 23,4 tỷ đồng và 13,38 triệu USD. Ngày càng có nhiều dự án nghiên cứu, khảo sát, triển khai đầu tư. 3 năm trở lại đây, mỗi năm tỉnh thu hút từ 60 -70 dự án đầu tư. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 36.000 tỷ đồng; 546 dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, trong đó có 38 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 702 triệu USD; 508 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 67.000 tỷ đồng. Số dự án đã đi vào sản xuất - kinh doanh chiếm gần 50%, đóng góp khoảng 25% ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 3 vạn lao động, góp phần quan trọng phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Giai đoạn 2001 - 2005, tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 8%/năm; giai đoạn 2006 – 2010 đạt 12%/năm, giai đoạn 2011 -2015 đạt 8%/năm. Từ năm 2016 đến nay, kinh tế cả nước và của tỉnh phục hồi, phát triển ổn định. Trong đó năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 8,36%, đứng thứ 2 khu vực Tây Bắc, thứ 4 khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 cả nước.
Đặc biệt, tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, tỉnh đã thu hút số vốn cam kết đầu tư và đăng ký đầu tư lên tới 4 tỷ USD vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp. Kết quả đó cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh đang chiếm được sự quan tâm, đặt niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh chưa hài lòng với kết quả về thu hút đầu tư bởi quy mô kinh tế còn nhỏ; chưa có những dự án lớn tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển kinh tế; thu ngân sách địa phương chưa cao.
Trong thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh xác định rõ những lợi thế, khó khăn, hạn chế trong thu hút đầu tư. Với lợi thế là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, có cảnh quan thiên thiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, bản sắc văn hóa độc đáo, lao động dồi dào, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch bản sắc, nông lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ… Thế nhưng, tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế trong thu hút đầu tư. Nếu so với các tỉnh nằm trong khu vực, tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn về địa hình chia cắt, kết cấu hạ tầng giao thông, cấp điện chưa đáp ứng được yêu cầu nhà đầu tư. Việc chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa gặp khó khăn. Giá đền bù, suất đầu tư hạ tầng công nghiệp cao hơn một số địa phương. Một số cán bộ thực thi nhiệm vụ chưa tốt, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng hoặc chưa tin tưởng vào sự thay đổi tích cực của địa phương.
Chính vì vậy, quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh đã xác định rõ và đang vận hành theo hướng khắc phục những bất lợi, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tập trung thực hiện nghiêm túc các cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư, cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã đăng ký, cam kết đầu tư.
Tỉnh đang cụ thể hóa sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực thế mạnh gồm: Du lịch; phát triển nông, lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp địa phương trong những lĩnh vực giàu tiềm năng; phát triển đô thị xanh, sinh thái, hiện đại, bảo đảm môi trường sống tốt nhất, tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Năm 2018, cùng với việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh ta đã quyết định giao nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo từng dự án trọng điểm, giúp dự án đẩy nhanh, sớm đi vào sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nắm bắt thông tin, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh luôn sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh vào tỉnh. Tỉnh cũng đang quyết liệt chỉ đạo các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành theo kế hoạch nhằm khai thác lợi thế, phát triển du lịch hồ Hòa Bình, du lịch Mai Châu và các dự án hạ tầng, tạo ra sự kết nối đồng bộ nhằm khai thác những lợi thế phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, công nghiệp theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019 và những năm tiếp theo nhằm tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thân thiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp có năng lực đến đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó phấn đấu tăng tổng điểm số PCI từ 2-5 điểm so với năm 2018; cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, chi phí tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý ít nhất bằng mức trung bình của cả nước. Quyết liệt chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, gắn trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tăng cường cơ chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành với doanh nghiệp và người dân, tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững.
Lê Chung