Năm 2018, huyện Yên Thủy thu hút doanh nghiệp ngoài huyện đầu tư sản xuất nuôi gà giống tại xã Yên Lạc.
Mới đây, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Yên Thủy phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất cà gai leo dược liệu Bình An tại xã Yên Lạc. Thông qua đề án đã hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị dàn lạnh, nồi cô đặc để làm cao với tổng mức hỗ trợ trên 300 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học - công nghệ của huyện hỗ trợ 130 triệu đồng. Cũng liên quan đến việc hỗ trợ trong đổi mới công nghệ, huyện đã hỗ trợ doanh nghiệp Nam Sơn đầu tư máy mài 200 triệu đồng, tương đương 50% tổng giá trị máy.
Nhằm giải quyết nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng NN & PTNT huyện đã tích cực huy động nguồn vốn đáp ứng đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện cho vay ưu đãi, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của các đối tượng, đảm bảo nguồn vốn vay đạt hiệu quả, giảm tỷ lệ nợ xấu. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước thanh toán kịp thời kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp theo quy định. Cơ quan thuế thực hiện việc gia hạn nộp thuế không tính tiền thuế chậm nộp đối với trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được đơn vị sử dụng vốn thanh toán theo quy định. Chỉ đạo thực hiện đúng quy định công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.
Năm 2018, doanh số cho vay của Ngân hàng NN & PTNT huyện đạt 522 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 868 tỷ đồng, trong đó đầu tư phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 97% tổng dư nợ. Đối với đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN đã giải ngân vốn xây dựng cơ bản tập trung ngân sách tỉnh 36,51 tỷ đồng (đạt 72% kế hoạch), vốn NSNN 31 tỷ đồng (đạt 93% kế hoạch), vốn chương trình xây dựng nông thôn mới 4 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch).
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị được lãnh đạo UBND huyện kịp thời nắm bắt, tìm ra phương án tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, huyện quan tâm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư xây dựng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, tạo điều kiện cho Hội Doanh nghiệp huyện làm tốt nhiệm vụ đầu mối kết nối chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, hỗ trợ hội viên nắm bắt cơ chế, chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của huyện. Thực hiện công khai, minh bạch và thường xuyên cập nhật thông tin, công bố các thủ tục hành chính, văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước tại trụ sở cơ quan để các tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, nhận biết trong quá trình tham gia giải quyết các nhu cầu cần thiết. Duy trì công tác kê khai, nộp thuế điện tử đạt 93% số doanh nghiệp, HTX; cải cách thủ tục hành chính về thuế.
Đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến thời điểm này, huyện có 9 dự án thu hút đầu tư vào địa bàn. Toàn huyện có 116 doanh nghiệp, HTX. Các doanh nghiệp, HTX có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của huyện. Nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng, chăn nuôi đi vào sản xuất ổn định đã góp phần quan trọng tăng trưởng ngành, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Các doanh nghiệp, HTX tự giác chấp hành tốt chính sách, pháp luật về thuế, góp phần hoàn thành, vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước hàng năm. Một số doanh nghiệp có số thu lớn là Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Nam Ninh, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Anh, Công ty TNHH MTV Tân Trường Sơn, Lữ đoàn 299, doanh nghiệp tư nhân Thúy Đằng… Các doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đóng góp ủng hộ quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa và các khoản vận động khác.
Bùi Minh