Theo ông Lê Văn Luyến, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Yên Mông, xã Yên Mông (TP Hòa Bình),có 10 hộ tham gia Dự án. Trước đây, hầu hết chuồng nuôi của các hộ được thiết kế theo hướng hở, ô chuồng bố trí chưa hợp lý. Khâu vệ sinh chăn nuôi, quản lý chất thải, kiểm soát động vật gây hại... chưa được quan tâm,bộc lộ những bất cập như: chưa có đầy đủ các thiết bị vệ sinh (bảo hộ lao động, trang thiết bị tiêu độc khử trùng, hố khử trùng), chưa thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh khu trại nuôi; hầu hết các hố biogas được thiết kế thủ công, nước thải từ các bể chưa qua kiểm nghiệm về chất lượng trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, việc quản lý nhân sự, người lao động chưa được khám sức khỏe định kỳ, sổ sách ghi chép chưa đầy đủ theo quy định VietGAP.
Nguồn thức ăn chăn nuôi được các thành viên hợp tác xã Yên Mông (TP Hòa Bình)tuân thủ áp dụng theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP.
Trong khuôn khổ Dự án triển khai, vấn đề đào tạo kiến thức chung về ATTP, áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt được chú trọng. Dự án đã mở 2 lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chăn nuôi lợn an toàn theo hướng VietGAP của người sản xuất, kinh doanh;xây dựng hệ thống chất lượng cho các tác nhân tham gia chuỗi.
Với sự hướng dẫn, giám sát của đội ngũ cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nhận thức tích cực của hộ chăn nuôi về những ưu việt của sản xuất VietGAP, liên kết sản xuất thịt lợn, sản phẩm thịt lợn theo chuỗi giá trị đảm bảo ATTP giai đoạn 2017 - 2018 đạt kết quả mong đợi. Qua lấy mẫu phân tích nguồn nước uống cho lợn, mẫu sản phẩm phân tích các chỉ tiêu cho thấy, các mẫu sản phẩm thịt tại các cơ sở tham gia chuỗi giá trị đạt an toàn về chất lượng, không có salbutamol hay các kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Tổ chức NHO NHO Cần Thơ đã tiến hành đánh giá chỉ tiêu đạt và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 3 tổ chức với 13 hộ tham gia, gồm: Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền, HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Yên Mông (thành phố Hòa Bình), HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hợp Kim (Kim Bôi).
Song song với chương trình xây dựng chuỗi giá trị ATTP, Dự án đã hỗ trợ đắc lực các tác nhân về tem, nhãn nhận diện sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu và tiếp cận thị trường. Cụ thể, hỗ trợ 14.000 túi đựng sản phẩm,25.300 tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố Hà Nội đưa sản phẩm thịt lợn của chuỗi đến với người tiêu dùng tại thị trường Hà Nội. Ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn tại thành phố Hòa Bình, các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Phú Thọ. Ngoài ra, sản phẩm của chuỗi đã trở thành sản phẩm quen thuộc của người dân thành phố Hòa Bình thông qua cửa hàng thực phẩm sạch Hòa Bình.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Thông tin từ các tác nhân tham gia dự án từ khi được cấp chứng nhận VietGAP, sản phẩm thịt lợn của Dự án dễ thâm nhập vào các thị trường khó tính hơn, giá lợn hơi tăng ổn định khoảng 5.000 đồng so với sản phẩm cùng loại. Nhờ đó, đem lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ tham gia mô hình. Dự án cũng làm thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của các hộ tham gia và người dân trong khu vực theo tinh thần Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, xóa bỏ tư tưởng "lợn một chuồng, rau một luống". Các sản phẩm của chuỗi được kiểm soát chặt chẽ về sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn có thể truy xuất nguồn gốc cho người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Bùi Minh