Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trên địa bàn triển khai dự án bảo đảm tiến độ đề ra, sớm đưa vào khai thác hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất. Qua đó đang tạo ra niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo cơ hội mới bứt phá mạnh mẽ về KT-XH của tỉnh.
Dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện do Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình triển khai trên địa bàn xã Yên Bồng (Lạc Thủy) là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Hiên, dự án đang được tỉnh và các ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Dự án có tổng vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, tổng diện tích ảnh hưởng của dự án là 162 ha, gồm 3 hạng mục chính: Tuyến đường phục vụ khảo sát xây dựng nhà máy kết hợp với dân sinh, nhà máy và cảng Xuân Thiện Lạc Thủy. Đến nay, dự án đã hoàn thành mặt đường, thực hiện lắp đặt được trạm trộn và trạm nghiền, xây dựng nhà kho, đang xây dựng trụ sở văn phòng, trụ sở điều hành. Công ty mong muốn được tỉnh và các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ trình cấp có thẩm quyền bổ sung mỏ vật liệu vào quy hoạch, tập trung triển khai các hạng mục khác sớm đưa dự án vào hoạt động.
Thời gian qua, thu hút đầu tư của tỉnh có chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2018, tỉnh có 57 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 54 dự án đầu tư trong nước với số vốn 13.445 tỷ đồng, 3 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký trên 200 triệu USD. Toàn tỉnh có 531 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 467 triệu USD và khoảng 67.000 tỷ USD. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, UBND tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 9 nhà đầu tư thực hiện 9 dự án, ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư lên tới 94.000 tỷ đồng vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư lớn đã đến tìm hiểu môi trường và triển khai dự án đầu tư tại tỉnh như các Tập đoàn: FLC, VinGroup, Lã Vọng… Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các đại sứ đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư vào địa bàn.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể, thực chất cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án đầu tư. Trong đó chỉ đạo khắc phục tình trạng giao việc chung chung, không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm, nghiên túc thực hiện giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2018, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-TU ngày 31/10/2018 về việc phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Trong đó có các dự án như: Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện tại xã Yên Bồng; nhà máy sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời tại huyện Lạc Thủy; khu phức hợp nghỉ dưỡng gồm hệ thống cáp treo, sân golf và các công trình vui chơi giải trí tại hồ Hòa Bình; khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao, tổ hợp thương mại dịch vụ và các dự án của Tập đoàn FLC tại thành phố Hòa Bình và huyện Yên Thủy…
Theo Sở KH&ĐT, dù công tác thu hút đầu tư và môi trường đầu tư đang được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Tỉnh chưa có định hướng đầu tư, lĩnh vực thu hút đầu tư chưa rõ nét, vẫn đang thu hút đầu tư đa lĩnh vực. Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư còn hạn chế. Các ngành, địa phương mới chỉ chọn được vị trí, còn lại nhà đầu tư phải thực hiện các điều kiện để bảo đảm dự án có tính khả thi như bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành, chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp, làm việc với người dân thỏa thuận đơn giá đền bù, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định mất nhiều thời gian. Đơn giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của tỉnh còn cao, ít hấp dẫn các nhà đầu tư…
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng chương trình thu hút đầu tư và tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ưu tiên thu hút đầu tư vào 4 mũi nhọn kinh tế là: Du lịch; phát triển nông- lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp địa phương; phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái, bảo đảm môi trường sống tốt nhất. Thu hút những dự án có quy mô, nhà đầu tư có tiềm lực, dự án phát huy được lợi thế của tỉnh, không thu hút những dự án có quy mô nhỏ sử dụng nhiều đất, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hạn chế dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản. Xây dựng giải pháp để bổ sung các dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, lĩnh vực ngành khi có dự án phù hợp để giảm bớt thời gian chờ đợi, nhà đầu tư có thể triển khai ngay các bước sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Rà soát các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, loại bỏ những dự án không triển khai, sử dụng lãng phí đất, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giải quyết kịp thời vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư để đưa các dự án sản xuất, kinh doanh chiểm tỷ lệ từ 55-60% tổng số dự án đầu tư.
Lê Chung