Cơ sở sản xuất đồ đan lát thủ công của chị Bùi Thị Vinh, xóm Lội, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) đem lại thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên.
Xã Văn Sơn có 12 xóm, 1.034 hộ với 4.672 nhân khẩu, 95% là người dân tộc Mường. Kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nghề tiểu thủ công nghiệp đang dần phát triển tại địa phương, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, đời sống của người dân ngày một nâng lên. Hiện, toàn xã có gần 400 người tham gia làm các sản phẩm đan lát thủ công, gia công xuất khẩu như: giỏ ấm tích, cơi trầu, lẵng hoa...
Đồng chí Bùi Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Sơn cho biết: "Nghề đan lát thủ công vốn là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, song, qua thời gian đã bị mai một nhiều. Thời gian qua, với nỗ lực khôi phục nghề, đồng thời tạo việc làm, thu nhập thêm cho người dân, xã cùng với những hộ còn giữ nghề tiếp tục duy trì, mở rộng nghề đan lát thủ công trong toàn xã. Ban đầu, các hộ làm phục vụ nhu cầu gia đình, buôn bán nhỏ lẻ. Hiện tại, nhiều tư thương ở các tỉnh, thành phố đến thu mua, đặt gia công nên nghề dần phát triển. Các sản phẩm đan lát thủ công có tiềm năng tiêu thụ lớn, tận dụng khoảng thời gian nông nhàn nên thu hút được nhiều người tham gia".
Mặc dù là nghề phụ nhưng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Nghề đan thủ công không kén lao động, từ người già, phụ nữ, trẻ em đều có thể làm được, có thể làm ở bất kỳ đâu như ở nhà hoặc tại xưởng vào bất kỳ lúc nào. Chị Bùi Thị Vinh, chủ cơ sở sản xuất đồ đan thủ công lớn nhất xã tại xóm Lội cho biết: "Hiện, cơ sở là đầu mối liên kết thu mua các sản phẩm thủ công từ hơn 200 hộ dân trong xóm. Trung bình mỗi tháng, các thành viên sản xuất từ 6.000-7.000 sản phẩm các loại, xuất đi các nơi trong tỉnh và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa... Sau khi trừ các chi phí, cơ sở có thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm, mỗi hộ liên kết thu nhập trung bình 2-3 triệu đồng/tháng".
Nguồn nguyên liệu như mây, tre, nhựa chủ yếu được nhập từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), được các chủ cơ sở sản xuất lựa chọn kỹ càng rồi cung cấp tới các hộ liên kết. Bên cạnh các sản phẩm làm từ mây, tre truyền thống mềm mại, sang trọng, chất liệu nhựa cũng đem lại sự bền bỉ, hạn chế mối mọt, ẩm mốc. Kinh nghiệm từ nghề đan lát thủ công của bà con được sử dụng trên chất liệu hiện đại, màu sắc đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của xã đã có mặt tại nhiều gian hàng trong huyện, tỉnh và nhiều vùng lân cận.
Bên cạnh bước phát triển mạnh mẽ, nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: khó đưa các mẫu mã mới vào sản xuất; đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào tư thương, chưa tìm được mối hàng ổn định với các thị trường lớn. Do đó, ngoài việc đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm đối với các đơn vị thu mua, các hộ trong các nhóm liên kết luôn tích cực học hỏi, tham khảo nhiều mẫu mã mới; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề. Đồng thời tiếp tục duy trì, mở rộng thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Đồng chí Bùi Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Sơn cho biết thêm: "Xã đang tích cực tìm kiếm các đơn vị bao tiêu sản phẩm đảm bảo nguồn thu ổn định hơn cho bà con. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề nhằm từng bước tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Xã mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật để nghề ngày càng có chỗ đứng, phát triển bền vững".
Hoàng Anh