Bài 1- Những vấn đề về quy hoạch khu tập kết cát, sỏi
(HBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 03 ngày 22/1/2019 của UBND tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh tập kết cát, sỏi (TKCS), vật liệu xây dựng, xây dựng các loại công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và ở bãi sông… Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có biện pháp cưỡng chế nếu các tổ chức, cá nhân không chấp hành, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không chỉ đạo xử lý dứt điểm xong trước ngày 15/5/2019. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, công việc giải tỏa, di dời các điểm TKCS trên địa bàn tỉnh, trong đó có các điểm tập kết dọc hai bờ sông Đà, TP Hòa Bình vẫn còn bề bộn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) chây ỳ không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, TP Hòa Bình có tổng diện tích được quy hoạch điểm TKCS ở 2 xã Trung Minh, Yên Mông là 12,96 ha. Trong đó, khu vực tại cảng bến Ngọc, xã Trung Minh 3,4 ha; khu vực bến Gia Bảo thuộc xóm Miều, xã Trung Minh 0,56 ha; khu vực xóm Miều (tiếp giáp với khu Nhà máy nước Aquaone) 3,9 ha và khu vực xã Yên Mông là 5,1 ha.
Sự bất cập của quy hoạch đã được phê duyệt
Theo số liệu của UBND TP Hòa Bình, vị trí 1 thuộc xóm Miều, xã Trung Minh có diện tích khoảng 3,9 ha. Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Trung Minh, xã Trung Minh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 846/QĐ-UBND ngày 20/6/2013, khu đất được quy hoạch là đất thương mại. Hiện nay, khu đất nằm trong dự án Khu đô thị mới Trung Minh A, đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 1153/UBND-NNTN ngày 26/7/2018.
Các bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) không phù hợp với quy hoạch vẫn chưa được giải tỏa, di dời.
Vị trí 2 thuộc xóm Miều, xã Trung Minh có diện tích khoảng 0,56 ha. Cũng theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Trung Minh, khu đất được quy hoạch là đất thương mại, cây xanh. Tiếp giáp phía Bắc khu đất có đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình (công trình thu và trạm bơm) đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 23/5/2018. Theo quy định, bán kính khu vực bảo vệ tính từ nguồn nước lên thượng nguồn là >200 m, xuôi hạ nguồn là >100 m. Do đó, nếu được triển khai thực hiện có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước tiếp nhận của dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình.
Còn tại xã Yên Mông, vị trí 1 thuộc xóm Yên Hòa 1, Yên Hòa 2 có diện tích khoảng 4,5 ha. Khu đất đã được quy hoạch làm cụm công nghiệp Yên Mông (khu số 1) đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 20/12/2016. Hiện nay, UBND thành phố đang tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư.
Vị trí 2 thuộc xóm Yên Hòa 2 có diện tích khoảng 0,6 ha. Một phần khu đất đã chồng lấn vào diện tích khu trung tâm xã Yên Mông thuộc đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2915/QĐ-UBND ngày 7/10/2011. Hiện nay, khu vực đã được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Các vị trí quy hoạch trên chưa được cắm mốc để xác định ranh giới, mốc giới dẫn đến việc quản lý của chính quyền địa phương và xác định vị trí tập kết của các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Do đó, UBND TP Hòa Bình đã đề nghị với UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tổ chức cắm mốc các vị trí TKCS theo quy hoạch tại Quyết định số 2488. Đồng thời, do việc trùng lấn về quy hoạch, UBND thành phố đã có văn bản số 2411, ngày 5/10/2018 đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung vị trí TKCS tại xóm Bún, xã Yên Mông với diện tích khoảng 7,5 ha (những khu đất theo quy hoạch chung TP Hòa Bình là đất cây xanh, đất đồi núi cây xanh, cảnh quan đang được các hộ dân quản lý và trồng lúa, trồng màu). Đến nay, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch các điểm TKCS trên địa bàn nhưng chưa có kết quả điều chỉnh, dẫn đến việc di chuyển các điểm TKCS gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn quản lý các bến bãi tập kết cát, sỏi
Theo Quyết định số 2488 của UBND tỉnh, trên địa bàn TP Hòa Bình có 16/20 vị trí không phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong số 15 đơn vị không phù hợp quy hoạch cát, sỏi có 7 đơn vị sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân (sử dụng qua hình thức thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất "loại đất bao gồm cả đất ở, đất trồng cây hàng năm”); 8 đơn vị có hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT, UBND tỉnh.
Ngày 16/4/2019, Sở GTVT có quyết định đình chỉ hoạt động 2 bến thủy nội địa (bến Tuân Lộc và bến Hường Trang). Tính đến nay, tất cả các bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố không nằm trong quy hoạch đã được Sở GTVT đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa.
Tại hội nghị đối thoại với DN được UBND tỉnh tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Thực hiện việc chỉnh trang lại đô thị của TP Hòa Bình theo chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tới DN nắm được vấn đề quy hoạch của thành phố và hiện nay, việc các DN thực hiện kinh doanh, TKCS ở khu vực bến Thịnh Lang không còn phù hợp với quy hoạch. Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã ra nhiều văn bản đề nghị các DN có phương án di chuyển toàn bộ số lượng cát tập kết để trả lại không gian mặt bằng. Mặc khác, theo quy định của Luật Đê điều, toàn bộ việc sử dụng các bến, bãi TKCS đã vi phạm quy định của Luật. Trong quá trình thực hiện, UBND thành phố đã phối hợp với nhiều sở, ngành và hiện tại, Cục Đường thủy nội địa cũng không cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho tất cả bến, bãi cát trên địa bàn.
Có thể nói, việc giải tỏa, di dời các điểm TKCS dọc hai bờ sông Đà đã được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm và có sự chỉ đạo quyết liệt. Ngày 23/4/2018, UBND tỉnh đã có Văn bản số 582 về việc thực hiện di chuyển các bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch; Thường trực Tỉnh ủy cũng có những Kết luận về thực hiện vấn đề này.
(Còn nữa)
Bình Giang
(HBĐT) - Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2019 phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
Bài 2 - Không lặp lại chậm trễ trong giải phóng mặt bằng ở dự án cầu Hòa Bình 2
(HBĐT) - Dự án cầu Hòa Bình 2 là dự án trọng điểm của tỉnh, nằm trong danh mục các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Năm 2019, dự án đã được giao kế hoạch vốn là 150 tỷ đồng. Kiểm tra dự án này, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Không để lặp lại sự chậm trễ, yếu kém, chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng (GPMB) như dự án cầu Hòa Bình 3, triển khai các thủ tục cần thiết để khởi công công trình vào trung tuần tháng 8/2019.
(HBĐT) -Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện tại, nông dân các địa phương đang tập trung thu hoạch các cây màu, làm đất lúa vụ mùa và trồng các cây màu vụ hè - thu theo kế hoạch. Toàn tỉnh đã thu hoạch trên 13.800 cây màu vụ xuân, tăng gần 3.000 ha so với kỳ báo cáo trước. Trong đó, đã thu hoạch khoảng 6.000 ha ngô, 2.400 ha lạc, trên 4.400 ha rau, đậu các loại…
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, huyện Lạc Thủy thực hiện công tác điều hành và quản lý ngân sách đảm bảo theo quy định.
(HBĐT) - Lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức xét tặng, tôn vinh danh hiệu "Doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Hòa Bình” lần thứ IV, năm 2019.