Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của sáu công ty trong giai đoạn xác minh đạt rất cao, như: Công ty TNHH VT...... (TP Hà Nội) đạt gần 406 tỷ đồng; Công ty TNHH VM....... (tỉnh Hưng Yên) đạt trên 60 tỷ đồng; Công ty Cổ phần AA ....... (tỉnh Nam Định) đạt 60,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần GR......... (tỉnh Lạng Sơn) đạt gần 113 tỷ đồng;… Tương tự, các công ty: TNHH FN…….. ( tỉnh Phú Thọ), Công ty TNHH Go……. (TP Hà Nội) đều có kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng rất cao trong thời gian ngắn.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tiềm ẩn nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa.
Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, qua xác minh đối với sáu công ty nói trên và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương cho thấy một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp C/O. Cụ thể, các Công ty TNHH VT, Công ty TNHH VM, Công ty Cổ phần Gr và Công ty Cổ phần AA thừa nhận không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân địa phương trong nước ghi trong hợp đồng. Đặc biệt, các công ty này đã sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin Giấy chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho các lô hàng mà các công ty sản xuất để bán cho công ty khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu.
Đây là một trong những vụ việc giả mạo C/O mới nhất được các lực lượng chức năng phanh phui. Theo ông Âu Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, thanh tra của cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.
Cụ thể, trong hoạt động ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam”, "sản xuất tại Việt Nam”, "xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi "Made in Vietnam” hoặc "sản xuất tại Việt Nam” hoặc "xuất xứ Việt Nam”…
Đặc biệt đối với xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có cả DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu lại khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.
Nhiều thương nhân đã thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.
Trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mai và gian lận xuất xứ” theo Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 4-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu hàng hóa, gian lận xuất xứ.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ nhằm xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến về số lượng, kim ngạch và đẩy mạnh thu thập thông tin, kiểm tra đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn giả mạo C/O, nhất là một số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn để điều tra làm rõ và xem xét khởi tố, đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hơn nữa, việc xác minh và xác định tỷ trọng và tỷ lệ hàng hóa để đạt xuất xứ Việt Nam là một vấn đề khó đối với cơ quan hải quan nếu như không có chỉ dẫn rõ ràng từ các cơ quan chức năng. Do đó, trong thời gian tới, Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất để bảo đảm xác định rõ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cụ thể.