(HBĐT) - Mới đây, UBND huyện Lạc Thủy đã tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) "Gà Lạc Thuỷ” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tại Quyết định số 19793/QĐ-SHTT, ngày 19/3/2019. Tại buổi lễ, UBND huyện Lạc Thủy trao giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Gà Lạc Thủy” cho 30 tổ chức, cá nhân SX-KD đáp ứng đủ điều kiện về chăn nuôi giống gà. Sự kiện đã khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy trên thị trường, mở hướng đưa giống gà này đến với người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.



Người dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) phát triển nuôi giống gà Lạc Thủy, được thị trường ưa chuộng. 

Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, gà Lạc Thủy là giống bản địa của Việt Nam, được coi là giống gà đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy, được đưa vào đối tượng để bảo tồn nguồn gen. Sau khi phát hiện giống gà quý, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và chăn nuôi đã quyết định đặt tên cho giống gà này theo địa danh Lạc Thủy và đề xuất đề tài khoa học bảo tồn, chọn lọc nhân giống. Đây là giống gà ri bản địa có từ lâu đời tại xã Phú Thành (Lạc Thủy) và xã An Phú, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), hiện được nuôi phổ biến ở huyện Lạc Thủy.

Theo chia sẻ của đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, gà Lạc Thủy là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình, có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn. Gà có mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây còn là giống gà có khả năng chống chịu bệnh và dễ nuôi, lớn nhanh.

Khi trưởng thành con mái có lông màu lá chuối khô, gần giống với gà Mía (Sơn Tây), nhưng con trống hoàn toàn khác, ngoại hình đẹp với bộ lông màu mận chín, đỏ tím, da chân vàng, mào đơn, rất thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Gà Lạc Thủy mọc lông sớm và nhanh nên có khả năng thích nghi, chống chịu thời tiết tốt, nhất là vào mùa lạnh. Có thể nuôi theo phương thức nuôi nhốt, bán chăn thả, thích hợp với quy mô hộ gia đình, trang trại và bán trang trại.

Từ hiệu quả kinh tế rõ nét, người dân huyện Lạc Thủy đã mở rộng quy mô nuôi gà theo hướng hình thành vùng hàng hóa. Nhiều hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại vườn đồi kếp hợp nuôi gà sản xuất an toàn với số lượng hàng nghìn con. Hiện, toàn huyện có 2 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy, 15 cơ sở ấp nở gà giống, trên 150 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi ở các xã, thị trấn. Hàng năm, người chăn nuôi cung cấp cho thị trường khoảng 10 triệu con giống, 500 tấn gà thương phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và phát triển KT-XH địa phương. 

Để khai thác và phát huy giá trị của NHCN "Gà Lạc Thủy", UBND huyện ban hành Quy chế quản lý và sử dụng NHCN "Gà Lạc Thủy"; hướng dẫn quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN cũng như quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ, mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế; tuyên truyền người dân đầu tư mở rộng vùng sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi.
 
Thu Hiền

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục