(HBĐT) - Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Phụ nữ. Để triển khai chương trình có hiệu quả, thời gian qua, Hội LHPN huyện Đà Bắc đã rà soát số hộ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tìm hiểu nhu cầu vốn thực tế của từng hộ để có hướng hỗ trợ phù hợp.


Mô hình trồng bưởi Diễn của chị Định Thị Huệ (bên phải), hội viên phụ nữ chi hội xóm Tra, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) cho hiệu quả kinh tế cao. 

Cùng cán bộ Hội LHPN xã Toàn Sơn, chúng tôi tới thăm mô hình trồng bưởi Diễn của chị Định Thị Huệ, hội viên phụ nữ chi hội xóm Tra. Vườn bưởi với trên 200 cây cho thu quả ở năm thứ 7 sai chĩu chịt là thành quả của sự nỗ lực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của Hội LHPN. Chị Huệ chia sẻ: Nhờ đồng vốn vay 10 triệu đồng của Hội LHPN và những chương trình tập huấn được tham gia, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn. Hiện, vườn bưởi của gia đình đem lại thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Hội LHPN xã Toàn Sơn Đinh Thị Cúc cho biết: "Hàng năm, các chi hội đều khảo sát nhu cầu vốn của hội viên và báo cáo Hội LHPN xã. Từ đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch để giúp đỡ hội viên, phụ nữ trong xã”. Hiện, Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 5,5 tỷ đồng, hỗ trợ 118 hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế.

Đồng chí Đinh Thị Hải Yên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đà Bắc cho biết: Từ nhu cầu thực tế của hội viên, các cơ sở Hội LHPN ở huyện đã có sự hỗ trợ phù hợp. Hội viên thiếu vốn được tạo điều kiện vay vốn; những người chưa có việc làm giúp đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp; tập huấn, hướng dẫn triển khai các mô hình làm kinh tế đem lại thu nhập cao... Đây là cách làm Hội Phụ nữ các cấp đã và đang triển khai, nhằm hỗ trợ, giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định.

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều hoạt động, với nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực. Trong đó, tập trung khai thác tối đa các nguồn vốn vay, giúp chị em phát triển sản xuất, kinh doanh thoát nghèo bền vững. Trong 9 tháng năm 2019, các cấp Hội đã tín chấp trên 80 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ phụ nữ vay. Hội LHPN huyện chỉ đạo, hướng dẫn 20 xã, thị trấn tổ chức rà soát hộ nghèo năm 2019 với 5.282 hộ. Trong đó, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ 749 hộ, đăng ký giúp 297 hộ nghèo, 64 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, các cấp Hội tổ chức các hoạt động thiết thực như: góp tiền, ngày công, cây, con giống giúp 26 hộ nghèo thoát nghèo; phối hợp với Trạm Khuyến nông, khuyến lâm huyện mở lớp dạy nghề, chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi và cách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng được 9 lớp với 382 học viên tại các xã: Đồng Chum, Tu Lý, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tân Minh, Cao Sơn.

Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm: Cùng với các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, việc hỗ trợ chị em khởi nghiệp được Hội LHPN huyện đặc biệt chú trọng. Trong năm, huyện Hội xem xét các ý tưởng và hỗ trợ về vốn cũng như liên kết giới thiệu sản phẩm ra thị trường để khởi nghiệp thành công. Nổi bật là ý tưởng, dự án khởi nghiệp "Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc" của chị Trịnh Thị Thanh Hòa, thị trấn Đà Bắc đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2019", lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp, sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019". Dự án, ý tưởng của chị Lý Sao Mai, xóm Sưng, xã Cao Sơn về phát triển sản phẩm chè Shan tuyết và du lịch cộng đồng cũng để lại dấu ấn, thành công.

                                                                  Hồng Duyên

Các tin khác


Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục