Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra kho chứa hàng của doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để chủ động công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến thị trường, làm tốt công tác dự báo, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng giả và gian lận thương mại. Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức, cá nhân SXKD. Qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết thông tin tố giác về sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp đa ngành, đa lĩnh vực hoặc các mặt hàng, địa bàn nổi cộm, có tính thời sự, được dư luận quan tâm. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 7105 của Bộ Công Thương về triển khai vận động các tổ chức, cá nhân, kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngành Công Thương đã tổ chức được 137 lớp tập huấn cho 5.310 lượt đối thượng là đại diện các cơ sở SXKD nông - lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng lấy mẫu, giám sát thanh tra xử lý vi phạm an toàn thực phẩm nông - lâm, thủy sản. Tính từ tháng 1 đến đầu tháng 12, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 2.532 vụ, xử lý vi phạm 904 vụ, phạt vi phạm hành chính gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa thực phẩm. Đến nay, đã tổ chức kiểm tra 42 cơ sở, trong đó 20 cơ sở kinh doanh, 22 cơ sở sản xuất về nguồn gốc thực phẩm. Thanh tra Sở Công Thương kiểm tra 38 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ gần 35 triệu đồng. Tịch thu, tiêu hủy hàng hóa có giá trị hơn 800 triệu đồng, chủ yếu là sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hết hạn sử dụng...
Bên cạnh đó, để góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21 về quy chế phối hợp quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 80 về triển khai đề án phát triển thương mại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020; triển khai đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, bằng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp hàng hóa. Trong năm 2019, ngành KHCN tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn 18 chủ thể về quy trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công ngiệp. Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được tăng cường thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm hàng hóa, nhãn hiệu, mã vạch, cột đo nhiên liệu, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đ.H