(HBĐT) - Trong 2 ngày 30 - 31/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.


Các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2019, Việt Nam đạt nhiều kết quả rất đáng mừng trong phát triển KT-XH. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và rất nhiều chỉ tiêu đạt mức kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD; năng suất lao động tăng 6,2% – cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tổng thu NSNN ước đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất, nhập khẩu vẫn tăng, đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt hơn 9,9 tỷ USD. Năm 2019 cũng là năm đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. QP-AN được tăng cường; TTATXH được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên...

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương sự nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2019. Về nhiệm vụ năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số vấn đề: Tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SX-KD của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Quan tâm và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp đối với việc phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về QP-AN, đối ngoại... 

Hội nghị đã tập trung thảo luận, phân tích các giải pháp để tháo gỡ khó khăn với những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thiết thực nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra trong năm 2020. Đặc biệt, có nhiều kiến nghị, đề xuất tâm huyết về các nội dung liên quan đến phát triển KT-XH phù hợp với thực tế của từng ngành, địa phương. Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện các báo cáo, đặc biệt là 2 dự thảo Nghị quyết 01 và 02 để ban hành và tập trung thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2020. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải không ngừng đổi mới tư duy phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong SX-KD, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực làm nền tảng cho sự phát triển; có cơ chế, chính sách cụ thể trong công tác chỉ đạo, điều hành của từng ngành, từng lĩnh vực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chịu trách nhiệm về những chỉ tiêu nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn; phân cấp mạnh mẽ, tăng sự chủ động, giao quyền gắn với trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Trong quá trình phát triển "Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy kinh tế” là phương châm hành động cần phải được chuyển hướng thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới; phải đổi mới tư duy xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, coi trọng phát triển nhanh và bền vững từng lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH, củng cố vững mạnh QP-AN để phát triển bền vững.



 Đinh Thắng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục