(HBĐT) - Thời gian qua, trồng cây có múi ở xã Liên Hòa (Lạc Thủy) - nay là xã Thống Nhất sau sáp nhập đang là hướng phát triển kinh tế mới, tạo nguồn thu nhập cao và bền vững, đóng góp cho phát triển KT-XH của địa phương. Từ phát triển cây ăn quả có mũi đã tạo nhiều việc làm, đời sống người dân ngày càng ấm no.


Mô hình trồng cây có múi của ông Đặng Văn Sinh, thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa  (Lạc Thủy) - nay là xã Thống Nhất sau sáp nhập, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Cây có múi được người dân ở xã Liên Hòa trồng khoảng 10 năm trở lại đây. Bắt đầu từ các hộ trồng nhỏ lẻ, hiện đã có 115 hộ tham gia trồng cây có múi, mở rộng ra toàn xã với tổng diện tích gần 222,5 ha. Những năm gần đây, xã đã chuyển đổi dần các loại cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp bằng cây có múi, hình thành vùng trồng tập trung gồm các loại cam lòng vàng, bưởi đỏ, bưởi da xanh... Mặc dù chưa theo quy trình tiêu chuẩn, nhưng các hộ đã hướng đến sản xuất nông sản sạch, chất lượng, hạn chế tối đa các loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm hóa học. Vụ thu hoạch năm 2019, các loại cam, bưởi giá cả ổn định, cao nhất là 15.000 đồng/kg, tuy không cao như các năm trước, nhưng hiệu quả vẫn tốt hơn so với các loại cây trồng truyền thống khác. 

Đồng chí Bùi Văn Tượng, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết: "Thời gian qua, chính quyền xã quan tâm, chỉ đạo người dân chuyển đổi cây trồng theo hướng hiệu quả, từng bước mở rộng diện tích cây có múi toàn xã, nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân trồng cây có múi theo tiêu chuẩn sạch, đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín vùng cam trên thị trường, giúp mô hình cây có múi của địa phương phát triển ngày càng bền vững".

Thôn Đồng Huống phát triển mạnh cây có múi với hơn 60 hộ tham gia trồng, có hộ trồng nhiều từ 5-6 ha. Nhiều vườn cam, bưởi đã cho thu hoạch, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân. Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư mở rộng sản xuất, học hỏi kinh nghiệm từ các vùng cam khác. Qua đó, chất lượng cam của địa phương được đánh giá cao, có hương thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, được thị trường đón nhận tích cực. 

Ông Đặng Văn Sinh, thôn Đồng Huống mạnh dạn vay vốn, cải tạo đất, đầu tư giống, xây dựng mô hình trồng cây có múi với diện tích 3 ha. Ông Sinh cho biết: "Năm 2019, gia đình tôi thu được gần 100 triệu đồng từ việc bán cam, bưởi đỏ, bưởi da xanh. Tuy chưa canh tác theo quy trình tiêu chuẩn, màu sắc còn chưa được đẹp. Tuy nhiên, hương vị đều được thị trường đánh giá cao, thu nhập của gia đình từ tăng lên nhiều lần so với trước đây”.

Nhằm tiếp tục phát triển, mở rộng, tạo sự bền vững cho cây có múi, xã đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp, vốn vay,  kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả... Bên cạnh đó, xã từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây có múi, thành lập HTX, khuyến khích người dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm hướng tới tiêu chí nông sản sạch, chất lượng, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tạo dựng uy tín trên thị trường. 

Đồng chí Bùi Văn Tượng, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết thêm: "Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây có múi, mở thêm các lớp tập huấn nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, từng bước vững chắc xây dựng sản phẩm OCOP, đóng góp cụ thể cho đặc sản thương hiệu cam Lạc Thủy. Đồng thời, tìm mối liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tăng cường quảng bá thương hiệu, hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển KT-XH. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng/năm.


Hoàng Anh

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục