Niên vụ 2019 - 2020, ông Phạm Hồng Cầu ở xóm Nam Thái, xã Nam Phong (Cao Phong) có diện tích hơn 3.000 m2 mía mô cho thu hoạch. Ông Cầu phấn khởi cho biết: Mía mô có màu sắc tím thẫm bắt mắt hơn, vỏ ngoài bóng đẹp, dóng dài, vị ngọt mềm, so sánh với giống mía cũ thì chất lượng khác hẳn. Không riêng năm nay mà ở các niên vụ trước, giá cả, sức tiêu thụ mía mô bao giờ cũng cao hơn. Với diện tích này, gia đình ông Cầu thu được gần 80 triệu đồng, so với giống mía cũ cao hơn một nửa. Thực tế nông dân trồng mía mô luôn đắt hàng, chỉ khi nào mía mô bán xong thương lái mới hỏi đến mía khác.
Chị Lê Thị Lương, một tiểu thương chuyên săn mía mô tại các nhà vườn trồng mía toàn tỉnh cho biết: Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng dễ thấy mía mô có phẩm cấp tốt hơn. Mấy năm nay, cứ biết vùng sản xuất mía tím nào có mía mô chất lượng cao là chị tìm đến để thu mua như xã Mỹ Hòa, Phú Vinh, Phong Phú (Tân Lạc), xã Tây Phong, Nam Phong (Cao Phong), Lạc Lương (Yên Thủy). Mặc dù giá thu mua cao hơn, có thời điểm gấp đôi nhưng quan trọng nhất là mía mô chất lượng hơn, khi chuyển về bán ở các tỉnh được khách hàng ưa chuộng nhờ độ lóng dài, thịt mía ngọt mềm chưa không bị lùn đốt, thịt cứng.
Đến thời điểm này, diện tích mía mô của tỉnh đã cơ bản thu hoạch và bán xong với giá bán dao động trong khoảng 5.500 - 6.000 đồng/cây, người trồng mía mô có lãi khoảng 50% so với công sức, chi phí đầu tư. Các địa phương nhân rộng diện tích này đang tích cực chỉ đạo bà con chủ động tiếp cận thị trường, xúc tiến tiêu thụ diện tích mía tím ngay từ đầu vụ. Theo đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc: Tình hình tiêu thụ mía tím đan gặp khó khăn. Tuy nhiên, diện tích mía mô vẫn bán chạy và cao giá hơn so với giá mía tím bình quân khoảng 2.000 đồng/cây. Diện tích mía tím ở các vùng trong huyện được tư thương các tỉnh mua với giá 5.000 đồng/cây.
Thống kê sau hơn 3 năm triển khai mô hình mía nuôi cấy mô ở 3 huyện Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy đã nhân rộng được khoảng 145 ha. Cụ thể, huyện Cao Phong hiện có 35,67 ha mía mô thế hệ F2, F3, riêng năm 2019 trồng thêm được 10.000 cây thế hệ F0, tương đương 0,5 ha. Tân Lạc có 73 ha thế hệ F1, F2, F3, năm 2019 trồng thêm khoảng 1 vạn cây mới thế hệ F0, tương đương 0,5 ha. Huyện Yên Thủy có 33,2 ha, năm 2019 trồng thêm 6.000 cây thế hệ F0, tương đương 0,3 ha. Tổng diện tích mía tím toàn tỉnh hiện có trên 3.000 ha. Với mức độ phát triển chưa nhiều, sự ra đời của mía mô đã từng bước cải thiện thực trạng khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ mía tím trong mấy năm gần đây, cho kết quả tốt về chất lượng, sản lượng mía thương phẩm.
Đồng chí Bùi Văn Chủm, Phó Giám đốc Sở KH&CN chi biết: Đề án thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô được Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tiến hành bảo tồn nguồn gen mía tím Hòa Bình bằng công nghệ Invitro, tiếp đó triển khai mô hình tại 2 huyện Tân lạc, Cao Phong. Đến nay, hiệu quả mía mô đã được minh chứng trong thực tế sản xuất, được thị trường đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Mía mô có thân màu tím đậm, vỏ dóng mịn, không xước, thịt ngọt, mềm, sâu bệnh hại trên cây mía cũng cơ bản được kiểm soát tốt. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển và nhân rộng cây mía mô.
Bùi Minh