Bài 2 - Xác định điểm nghẽn để "khơi thông dòng chảy" thu hút đầu tư

(HBĐT) - "Thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh bước đầu có cải thiện nhưng vẫn chưa đủ mạnh, xuất hiện môi trường đầu tư thiếu an toàn. Cải cách hành chính tuy có tiến bộ nhưng thực tế việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) còn thiếu nhạy bén. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SX-KD) của các doanh nghiệp (DN) chưa được tháo gỡ nhiều. Trong năm 2019 có tới 118 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và 29 DN giải thể tự nguyện. Thu hút đầu tư có xu hướng giảm cả về số dự án và tổng vốn đầu tư. Do vậy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải xác định được điểm nghẽn đang ở cơ quan, đơn vị nào để có hướng tháo gỡ" - đó là nhận định của đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển KT - XH và dự toán NSNN năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức.


Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra tại KCN bờ trái sông Đà. 

Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02, ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, chỉ rõ: Thời gian qua, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC hiệu quả chưa cao vì khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện máy móc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Người dân vẫn quen với hình thức giao dịch trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh, huyện, xã.

Trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ, quy mô nhỏ lẻ, trình độ KHKT còn hạn chế, quy mô thị trường nhỏ. Nhiều DN vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng, sức cạnh tranh yếu, thiếu kiến thức về thương mại quốc tế, quản trị DN, đặc biệt là kỹ năng quản trị tài chính, nhân lực, marketing, lập chiến lược kinh doanh, thông tin thị trường.

Trao đổi về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Hiệp hội DN tỉnh đã có nhiều cuộc họp, trao đổi, thảo luận về thực trạng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ số cạnh tranh là thước đo sự lãnh đạo của tỉnh đối với nền kinh tế và với các DN; đánh giá sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện. Thực tế cho thấy, cấp huyện càng phải có vai trò lãnh đạo về chỉ số cạnh tranh, vì có rất nhiều DN nằm trên địa bàn các huyện. Trên thực tế, có một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với DN lại chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, nên nhiều khi còn gây phiền hà, khó khăn cho DN. Vì vậy, muốn có sự cải thiện tích cực thì nhất thiết phải nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, DN của tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, việc nhận thức chính sách pháp luật, thủ tục pháp lý còn hạn chế. Các DN, nhất là ở lĩnh vực xây dựng, dịch vụ thường xuyên phải trao đổi, làm việc với các ngành chức năng. Công khai, minh bạch là chỉ số rất quan trọng trong chỉ số cạnh tranh, cần phải đưa lên hàng đầu. Công khai bằng truyền thông, trao đổi, hướng dẫn trực tiếp để nâng cao nhận thức cho DN. Cán bộ hàng ngày trực tiếp làm việc với DN cần phải làm tốt công tác này, có sự công khai, hướng dẫn tận tình về các trình tự, thủ tục, phổ biến chế độ, chính sách, giúp DN thấy được sự cởi mở, thân thiện, bình đẳng khi đến làm việc, không gây ức chế, bức xúc.

Vấn đề còn có cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN được minh chứng bằng điểm số tính minh bạch trong Chỉ số PCI của tỉnh năm 2018 giảm 10 bậc so với năm 2017. Có tới 51% DN được hỏi đánh giá phải thỏa thuận khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế; 73% đánh giá phải có mối quan hệ để có được các tài liệu của tỉnh. Việc tiếp cận thông tin của DN vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể cũng ảnh hưởng lớn tới điểm số tính minh bạch.

Bên cạnh điểm nghẽn trong công tác cán bộ, công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai còn chậm, dẫn đến nhiều DN lỡ cơ hội đầu tư. Việc thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng rất khó khăn, mất nhiều thời gian, đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung. Việc thu hồi các dự án chậm triển khai, hoặc không triển khai gặp nhiều vướng mắc và chưa dứt điểm, còn phổ biến tình trạng treo dự án.

UBND tỉnh cũng đánh giá, công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh còn chồng chéo, chưa sát với yêu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay, quy hoạch xây dựng chung mới hoàn thành được TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn và thị trấn các huyện, còn lại đều chưa có quy hoạch xây dựng. Quy hoạch đất đai được T.Ư phân bổ chỉ tiêu cho cả thời kỳ và 5 năm mới đến kỳ điều chỉnh. Do vậy, nếu nhà đầu tư đề xuất vào vị trí chưa có quy hoạch đất, hoặc điều chỉnh quy hoạch đất sẽ gặp khó khăn.

Về vấn đề này, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đối với các dự án trọng điểm có quy mô diện tích lớn, ảnh hưởng tới cơ cấu sử dụng đất toàn tỉnh phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất mất nhiều thời gian. Từ đó dẫn đến có nhiều dự án đầu tư gặp khó khăn do đăng ký đầu tư sau khi quy hoạch được phê duyệt. Ngoài ra, về thẩm định nhu cầu sử dụng đất, nhiều dự án đầu tư không nằm trong quy hoạch sử dụng đất; nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện thuê đất đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, khi dự án chưa có tên trong danh mục chuyển mục đích của HĐND tỉnh, nên phải trả hồ sơ nhiều lần, làm chậm thủ tục đầu tư.

Hiện nay, trong tỉnh còn thiếu đất sạch để thu hút các dự án đầu tư, kể cả các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, vì vậy, nhà đầu tư thường phải tự tìm kiếm vị trí ở ngoài khu, cụm công nghiệp. Điều này dẫn đến phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý, nhất là việc thỏa thuận, nhận chuyển nhượng đất với các hộ dân, từ đó dễ dẫn đến nhận định không tốt về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.  

Thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo mỗi sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tự đánh giá, soi xét ở ngành mình, cấp mình để nỗ lực hành động hơn nữa tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN.

 Hoàng Nga





Các tin khác


Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,39% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh ước đạt 160,596 triệu USD, tăng 0,65% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 477,568 triệu USD, tăng 36,39% so với cùng kỳ, thực hiện 23,88% kế hoạch năm.

Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục